• Zalo

Bí quyết giúp trẻ không giật mình, ra mồ hôi trộm khi ngủ

Sức khỏeThứ Sáu, 11/11/2016 06:48:00 +07:00 Google News

Theo các chuyên gia, trẻ quấy khóc, giật mình khi ngủ, hay ra mồ hôi trộm là biểu hiện của tình trạng thiếu canxi, sẽ có nguy cơ mắc bệnh còi xương, chậm phát triển.

copy-of-anh-tam-nang-1234-1478656048327

 Theo các chuyên gia, nên cho trẻ tắm nắng để tăng cường hấp thụ vitamin D, chống bệnh còi xương. Ảnh minh họa.

Hốt hoảng khi con giật mình liên tục giữa đêm

Mới sinh con gái đầu lòng được gần 3 tháng, chị Hồ Thị Quỳnh (trú tại Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) khá lo lắng khi gần đây, cháu bé thường xuyên bị giật mình trong lúc ngủ. Theo lời chị Quỳnh, triệu chứng này đã xuất hiện được gần 10 ngày và tần suất bé bị giật mình khi ngủ ngày càng tăng lên.

Chị Quỳnh tâm sự: “Ban đầu, mỗi đêm bé giật mình một đến hai lần. Khi ấy, tôi chỉ cần ôm, vỗ nhẹ vào mông là con lại ngủ ngoan. Thế nhưng, mấy ngày nay, ngay cả trong giấc ngủ ngắn buổi trưa, con cũng bị giật mình. Đêm đến thì ngủ kém, giấc ngủ chập chờn và tỉnh giấc liên tục. Có lúc giật mình, con tự nhiên khóc thét.

Không những thế, cháu còn bị ra mồ hôi nhiều trên trán, sau gáy và dưới cổ. Tình trạng này khiến vợ chồng tôi hoang mang không biết liệu con có bị sao không”.

Chị Quỳnh cho biết thêm, cháu bé sinh thường, nặng 3,2kg. Sau 3 tháng, cháu tăng lên 3,6kg. Cháu bú sữa mẹ hoàn toàn, chưa thấy có dấu hiệu chán ăn. Với việc con gái liên tục bị giật mình, quấy khóc và ra nhiều mồ hôi, vợ chồng chị cho biết, sẽ đưa cháu đi bệnh viện khám để có phương pháp chữa trị kịp thời.

Tượng tự trường hợp của chị Quỳnh, vợ chồng anh Đỗ Anh Văn (trú tại Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) cũng đang lo lắng, đứng ngồi không yên khi cậu con trai hơn 2 tuổi bị giật mình “tanh tách” suốt đêm.

Anh Văn cho biết, ngoài việc giấc ngủ bị gián đoạn, cháu bé còn hay bị nấc sau mỗi bữa ăn. Thỉnh thoảng trong khi ngủ, vợ chồng anh thấy cháu bé mồ hôi đầm đìa sau gáy, mặc dù phòng đang bật điều hòa lạnh.

Lý giải về việc này, ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết: Trẻ quấy khóc, ngủ không ngon giấc, hay bị giật mình khi ngủ là triệu chứng thường gặp khi trẻ bị thiếu canxi.

Ngoài ra, trẻ thiếu canxi cũng thường ra nhiều mồ hôi nhất là khi ngủ (mồ hôi trộm); tóc rụng từng mảng sau gáy hoặc có những cơn co thắt thanh quản gây khó thở, nôn trớ…

Cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ

Theo BS Lê Thị Hải, canxi là nguyên tố quan trọng trong hoạt động sống của con người, chiếm 1,5 - 2% trọng lượng cơ thể. Trong đó, 99% tồn tại trong xương, răng, tóc, móng chân, móng tay; 1% tồn tại trong máu. Canxi có vai trò quan trọng trong dẫn truyền thần kinh, co giãn cơ bắp…

Ở trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi, nhu cầu về canxi khoảng 300mg/ngày. Nếu trẻ được bú mẹ hoàn toàn thì cũng đủ cung cấp nhu cầu canxi cho trẻ. Tuy nhiên, nếu thiếu vitamin D thì lượng canxi trong chế độ ăn hàng ngày không được hấp thu, dẫn tới hiện tượng thiếu canxi.

Nếu trẻ bị thiếu canxi, sẽ có nguy cơ mắc bệnh còi xương. Bệnh còi xương thường xuất hiện ở trẻ dưới 3 tuổi, nhất là trẻ dưới 1 tuổi do hệ xương đang trong quá trình phát triển. Với những trẻ đẻ non, đẻ thiếu cân, trẻ bị các bệnh nhiễm khuẩn, khả năng bị bệnh còi xương cao hơn gấp nhiều lần so với những đứa trẻ bình thường khác.

Trẻ còi xương nếu không được điều trị kịp thời, sẽ dẫn đến các biến dạng ở xương như đầu bẹp, chân vòng kiềng và chậm phát triển chiều cao. Để dự phòng còi xương sớm, BS Lê Thị Hải lưu ý, trong thời gian mang thai và cho con bú, bà mẹ nên tắm nắng bằng cách đi dạo ngoài trời đồng thời ăn uống đủ chất, tăng cường thực phẩm giàu vitamin D và canxi.

Ngoài ra, cho trẻ bú mẹ ngay sau khi sinh, bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, kết hợp cho trẻ tắm nắng và hoạt động ngoài trời. Phụ huynh nên cho trẻ tắm nắng mỗi buổi sáng, trước 10h với thời gian tắm nắng khoảng 30 phút. Bên cạnh đó, tắm rửa sạch sẽ hàng ngày, bổ sung lượng nước đầy đủ theo nhu cầu của trẻ.

BS Lê Thị Hải tư vấn, thuốc điều trị còi xương là vitamin D, canxi, ngoài ra có thể dùng thêm một số yếu tố vi lượng khác như: Kẽm, magiê... Nguồn cung cấp vitamin D khoảng 80% là do cơ thể tự tổng hợp vitamin D từ chất tiền vitamin D ở da dưới tác động quang hóa của tia cực tím ánh nắng mặt trời, phần còn lại khoảng 20% được cung cấp từ thức ăn.

Do đó, bố mẹ có thể cho bé ăn các loại thực phẩm giàu vitamin D như trứng, cá, dầu cá, sò, tôm, hàu, thịt nạc, nấm với lượng vừa đủ. Những thực phẩm này giàu chất đạm, đặc biệt hàm lượng canxi, kẽm trong các loại hải sản như tôm, hàu khá cao, rất tốt cho trẻ bị còi xương.

Capture

 

(Nguồn: giadinh.net.vn)
Bình luận
vtcnews.vn