• Zalo

Xăng giảm, dịch vụ ăn theo 'thi gan' đứng im: Quan chức Quốc hội bày cách xử lý

Kinh tếThứ Bảy, 08/11/2014 12:05:00 +07:00 Google News

(VTC News) – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội hiến kế để điều hành giá hài hòa lợi ích xã hội, đặc biệt trong khâu phân phối, bán lẻ.

(VTC News) – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần quy trách nhiệm xã hội đối với những tiểu thương giống như đòi hỏi với doanh nghiệp.

Như VTC News đã đưa tin, trong thời gian 3 tháng gần đây, giá xăng dầu trong nước liên tiếp được điều chỉnh tới 9 lần. Lần điều chỉnh gần nhất là vào trưa 7/11, với giá xăng giảm 950 đồng/lít, còn 21.390 đồng/lít. 

Thực tế cho thấy, mỗi lần xăng tăng giá, hàng loạt các mặt hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng đều "té nước theo mưa" tăng giá theo. Tuy nhiên, lần này, dù xăng đã giảm giá tới 9 lần liên tiếp nhưng giá các mặt hàng này vẫn "đứng yên" khiến không chỉ người tiêu dùng bức xúc mà chính quan chức ngành công thương cũng bất bình.
Xăng giảm giá liên tiếp 9 lần nhưng giá rau củ vẫn đứng im  (Ảnh minh họa )

Trả lời phỏng vấn VTC News, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, vì chúng ta chưa đòi hỏi trách nhiệm xã hội của những tiểu thương nên những thành phần này không chịu nhiều áp lực xã hội, tăng hay giảm giá tùy thích.

“Với các doanh nghiệp, đặc biệt là với doanh nghiệp xăng dầu, chúng ta luôn đòi hỏi phải có trách nhiệm với xã hội nên việc tăng giảm giá của họ chúng ta giám sát rất kỹ. Còn với những tiểu thương làm công tác phân phối ở khâu cuối cùng là bán lẻ thì chúng ta lại không nhắc đến trách nhiệm xã hội nên họ thích tăng thì tăng, thích giảm thì giảm…”, ông Kiên phân tích.

Điều tiết thu nhập tiểu thương bằng thuế

- Việc xăng giảm giá liên tục 9 lần nhưng các mặt hàng tiêu dùng cứ “thi gan” đứng yên khiến ngay cả thứ trưởng ngành Công Thương cũng bức xúc. Ông bình luận gì về hiện tượng này?

 TS.Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Ảnh HL)
- Khi chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường, chúng ta thấy đội ngũ những người làm công tác phân phối ở thời cũ không phù hợp với biến đổi thực tế của nền kinh tế đất nước.

Giờ họ vẫn giữ tư duy khi đẩy giá lên thì biện minh cho cái hành động đẩy giá của mình với lý do là nhà nước đã tăng giá mặt hàng này mặt hàng kia thì phải tăng theo. Nhưng khi nhà nước đã giảm giá, thì những người đó lại tận dụng cơ hội, tỏ ra rất phấn khởi vì hiệu suất sử dụng đồng vốn của họ lại có cơ hội cao hơn lên,  người ta cố tình không hạ giá xuống để tranh thủ kiếm lời…

Ở đây chúng ta thấy một cái điều bất cập là các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu là doanh nghiệp nhà nước, thì khi mà giá xăng dầu tăng mà không giảm, chúng ta mắng mỏ họ, nói bằng những từ ngữ rất nặng nề về các khoản thu của người ta. Nhưng đối với tiểu thương thì chúng ta thấy rau, thịt cá, bánh mỳ… có giảm hay không, chúng ta không thấy ngay được nên thường không nặng nề quá.

Cho nên mới thấy rằng là việc chuyển đổi mô hình kinh tế như thế này là chúng ta phải hình thành thêm những doanh nghiệp có tầm cỡ khu vực trong lĩnh vực thương nghiệp. Đây là nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới nếu chúng ta muốn ổn định đời sống của người dân.

- Theo ông sự mất cân đối trong giá cả có nguyên do nào từ sự điều hành kinh tế, điều hành giá của mình không?

Tại sao ta lại chỉ nhìn những người làm công tác điều hành là xấu, sao không nhìn lại là khi ta điều hành kinh tế trong nền kinh tế thị trường, giá nó xuống thì thị trường phải xuống chứ? Sao không nói trách nhiệm của bà bán rau?

Lý do như tôi đã nói, bởi vì chúng ta không thể nói quá nhiều với họ. Do trình độ của người ta, nhận thức của người ta về lĩnh vực đó chỉ được như thế và cái nhận thức cả về trách nhiệm xã hội của người ta chỉ được như thế nên ta không thể đòi hỏi nhiều hơn.

Chúng ta cứ nói là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chúng ta lại không nhắc đến trách nhiệm xã hội của những người là công tác phân phối ở khâu cuối cùng, bán lẻ. 

Chúng ta không thể, chúng ta mong muốn là nó hài hòa nhưng chúng ta phải chấp nhận một thực tế là cái tiếp cận dần với cái phương thức công nghiệp hóa trong thương mại và thương nghiệp cũng cần thời gian. 

Chúng ta nói xây dựng đến năm 2020 thì Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Ở đây chúng ta phải nói là công nghiệp không chỉ có sản xuất công nghiệp mà cả tư duy công nghiệp và cả cái nhận thức xã hội về công nghiệp, tức là anh phải có trách nhiệm xã hội. Khi xã hội đã tạo cơ hội cho anh để anh có nguồn thu nhập thì khi xã hội đã điều tiết giảm giá xuống thì anh cũng phải giảm xuống theo chứ, nếu không nhà nước sẽ điều tiết anh bằng thuế.

- Cụ thể theo ông, chúng ta nên điều tiết giá theo hướng nào để hài hòa lợi ích xã hội?

Tôi cho rằng, tiến tới nhà nước sẽ phải điều tiết bằng thuế đối với thu nhập của chính những tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ nữa. 

Như thế ta sẽ quay trở lại là sẽ không còn thuế khoán cho các hộ kinh doanh cá thể nữa. Tất cả những cái mà chúng ta mua, dù chỉ 500 hay là 1000 đồng hành thôi thì cũng phải yêu cầu bà bán tiểu thương đó xuất hóa đơn cho chúng ta và  việc xuất hóa đơn đó, có thể chỉ là một mẩu giấy nhỏ như con tem thôi thì chúng ta cũng vẫn có thể yêu cầu làm để chúng ta kiểm soát được. 
 

Tôi cho rằng, tiến tới nhà nước sẽ phải điều tiết bằng thuế đối với thu nhập của chính những tiểu thương buôn bán nhỏ lẻ nữa.
 

Như vậy, , HĐH nó còn thể hiện cả trong lĩnh vực thương mại và nó thể hiện trong từng chi tiết rất nhỏ, trong từng cá nhân tham gia thị trường.

Đừng chỉ nhìn doanh nghiệp theo hướng cực đoan

- Hiện nay nhiều chuyên gia cho rằng, kể cả xăng dầu đã có 9 lần giảm giá liên tục nhưng các doanh nghiệp vẫn còn lãi tới gần 1000 đồng/lít. Ông có đánh giá thế nào về vấn đề này?

Việc chúng ta dùng cụm từ “Doanh nghiệp có lãi  gần 1000 đồng/lít” theo tôi là khái niệm rất mơ hồ. 1.000 đồng lãi đấy là trên cái gì? Chúng ta không thể lấy giá xăng dầu từ mua của nước ngoài rồi trừ đi giá bán để ra 1000 đồng rồi chúng ta bảo đấy là cái chi phí lãi của 1000 đồng. 
TS. Nguyễn Đức Kiên: "Không lo các doanh nghiệp xăng dầu bắt tay nhau làm giá"

Chúng ta không biết rằng cái đồng vốn doanh nghiệp họ bỏ ra là bao nhiêu. Cái đồng vốn ấy là vốn ngân sách, theo luật và theo yêu cầu của dư luận xã hội thì thì phải đảm bảo có lãi. Như vậy, chúng ta đã đi quy định cái mức lãi như chúng ta mong muốn, xong lại đi áp vào xăng dầu, xong lại bảo ôi như thế là trừ cái này đi, trừ cái kia đi họ lãi 1000 đồng. So với người ta bỏ vốn ra thì làm sao?
Thế nên khi phân tích có lãi hay không có lãi thì chúng ta nên phân tích trong một báo cáo quý, hay báo cáo 6 tháng rồi sau đó mới tính hiệu quả đồng vốn bỏ ra, cái tỷ lệ quay vòng vốn như thế nào. 

Cái quan trọng nhất là chúng ta phải nhìn được cái chi phí để cho sản xuất của doanh nghiệp ấy và chúng ta phải so với các doanh nghiệp đầu mối như thế xem chi phí để đưa 1 lít xăng ra đến người tiêu dùng là chi phí bao nhiêu và khi ấy chúng ta mới tính toán được và mới nói thì nó chuẩn xác nhất. 

- Dư luận cũng băn khoăn liệu các “ông lớn” ngành xăng dầu bắt tay nhau để làm giá hay không Theo ông những băn khoăn này có cơ sở không?

Có lẽ là chúng ta phải nhìn nhận lại, số lượng các đầu mối xăng dầu hiện nay là bao nhiêu, nó 13 đầu mối cơ mà. 

Thứ 2 chúng ta phải nói xăng dầu không phải dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi vì số vốn mua được trên thị trường xăng dầu thế giới không phải là ít và những người kinh doanh xăng dầu ấy muốn tham gia trên thị trường xăng dầu thế giới thì phải qua sự lựa chọn rất ngặt nghèo. Cho nên không phải ai muốn cũng vào được. 
 

Khi chúng đã là 13 doanh nghiệp đầu mối rồi thì việc liên kết để làm giá cũng khó. Tự mọi người cũng thấy “một miệng thì kín, chín miệng thì hở”, cho nên phải nhìn như thế để yên tâm hơn.
 

Tôi cho rằng, khi chúng đã là 13 doanh nghiệp đầu mối rồi thì việc liên kết để làm giá cũng khó. Tự mọi người cũng thấy “một miệng thì kín, chín miệng thì hở”, cho nên phải nhìn như thế. Chứ còn chúng ta nhìn trong xã hội mà chúng ta nhìn nhau vào mặt xấu của nhau thì xã hội không bao giờ phát triển được. 

Chúng ta phải tin tưởng là ở trong giai đoạn này người ta đang làm đúng với luật doanh nghiệp và trách nhiệm của người ta. Tất cả các doanh nghiệp ấy là công ty cổ phần thì căn cứ vào cáo bạch của người ta thì mới nên có nhận xét cụ thể.

Trong trường hợp, các cơ quan quản lý nhà nước thấy rằng có hiện tượng doanh nghiệp liên kết với nhau để “làm giá” thì sẽ xử lý họ bằng luật cạnh tranh. Chúng ta có đầy đủ luật để xử lý, nên không lo.

Hoàng Lan
Bình luận
vtcnews.vn