• Zalo

Vì sao xuất khẩu cà phê giảm mạnh?

Thị trườngThứ Tư, 03/07/2024 06:17:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 902.000 tấn cà phê, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lượng xuất khẩu từ nay đến cuối tháng 9 dự kiến sẽ giảm dần.

Số liệu của Tổng Cục Thống kê cũng cho biết, trong tháng 6, Việt Nam chỉ xuất đi 85.000 tấn cà phê, bằng 60% lượng xuất khẩu cà phê cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân vì sao?

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho biết, 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 900.000 tấn cà phê và kim ngạch đạt 3,2 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng xuất khẩu giảm 8 - 9% nhưng kim ngạch lại tăng hơn 40%. Hiện cà phê Việt Nam có mặt ở hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ và Việt Nam vẫn đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới.

6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 902.000 tấn cà phê, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh minh họa)

6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 902.000 tấn cà phê, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ảnh minh họa)

Sản lượng cà phê xuất khẩu giảm mạnh là do trữ lượng thấp, nguồn cung không còn nhiều. Theo ông Hải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên.

Đầu tiên là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến khô hạn xảy ra không chỉ ở Tây Nguyên, vùng trọng điểm trồng cà phê của Việt Nam, mà còn khắp toàn cầu.

Thứ hai là những năm vừa qua, giá cà phê rất thấp, chỉ khoảng 40.000 đồng/kg, do đó sự đầu tư của nông dân cho cây trồng này cũng thấp. Nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích cây cà phê sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như sầu riêng, bơ, chanh dây…"Đây là yếu tố làm giảm mạnh sản lượng cà phê thu hoạch”, ông Hải nói.

Ngoài ra, hiện một số diện tích trồng cà phê đã già cỗi mà chưa kịp tái canh nên ảnh hưởng lớn đến sản lượng. 

Theo ông Hải, thời gian qua, giá cà phê có thời điểm ở mức hơn 120.000 đồng/kg, cao gấp ba lần trước đây khiến các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này phải huy động lượng vốn rất lớn. Doanh nghiệp vay vốn, chịu lãi suất để mua hàng nhưng vẫn không gom đủ do niên vụ vừa rồi cà phê đã được người dân bán hết. Hiện vụ cà phê mới phải đến tháng 10, tháng 11 mới bắt đầu thu hoạch. Do vậy, ngồn hàng để doanh nghiệp thu mua xuất khẩu rất hạn chế.

Nguồn cung cà phê của Việt Nam thiếu hụt, trong khi các nhà đầu cơ bắt đầu tích trữ hàng nên giá cà phê dự báo sẽ tiếp tục tăng cao”, ông Hải dự báo thêm.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cũng nói: "Tỉnh có khoảng 97.000 - 98.000 ha cà phê. Chúng tôi quy hoạch ở mức 100.000 ha và không tăng diện tích mà sẽ tập trung vào năng suất, chất lượng. Hiện trữ lượng cà phê trên địa bàn không còn nhiều, vì khi giá cà phê đạt 85.000 - 90.000 đồng/kg thì người dân đã bán gần hết để hưởng lãi và hạn chế rủi ro".

Dự báo trong năm 2024, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê Robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích cà phê cả nước là 709.041 ha, năng suất đạt 29,8 tạ/ha; tổng sản lượng đạt 1.953.990 tấn cà phê nhân.

Các vùng trồng cà phê lớn đều diễn ra hạn hán và sâu bệnh khiến sản lượng cà phê niên vụ 2023 - 2024 ước giảm 20% so với niên vụ trước, xuống còn 1,47 triệu tấn. Đây là mức thấp nhất trong 4 năm, làm giảm mạnh nguồn cung cà phê Robusta trên thị trường thế giới”, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thông tin.

Dù trữ lượng không còn nhiều nhưng theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này có thể đạt con số trên 5 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn