Đây là quá trình hao mòn tự nhiên bình thường, sẽ xảy ra trong quá trình vận hành của xe.
Lọc gió động cơ bị bẩn
Theo khuyến nghị của nhà sản xuất, thời gian thay thế lọc gió dao động trong khoảng 15.000 đến 20.000 km. Tuy nhiên việc này còn phụ thuộc vào điều kiện vận hành, như ở những nơi ô nhiễm thì phải thay sớm hơn ở mốc 10.000 km hoặc những nơi trong lành có thể kéo dài hơn.
Lọc gió bị cặn bẩn sẽ khiến việc đưa không khí vào buồng đốt hạn chế, dẫn đến các hao phí trong quá trình đánh lửa sinh công. Nếu không kiểm tra, thay thế định kỳ, động cơ sẽ bị ảnh hưởng theo thời gian. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc xe bị hao xăng hay xe ra khói đen.
Áp suất lốp thấp
Việc lốp xe quá mềm, không đủ áp suất sẽ khiến động cơ chịu tải nhiều hơn do lực cản ma sát lớn hơn so với tiêu chuẩn. Thông thường các dòng xe ô tô phổ thông tại thị trường Việt Nam có mức áp suất lốp trung bình từ 2.3 đến 2.5 bar.
Chủ xe có thể yêu cầu các gara, trung tâm bảo dưỡng bơm hơi bánh xe theo áp suất lốp này, ngoài ra có thể tự trang bị một bộ kiểm tra áp suất lốp gắn trên xe để theo dõi, nhận biết bánh xe nào bị mất áp suất trong quá trình vận hành.
Dầu nhớt bị xuống cấp, thiếu dầu
Thay dầu là việc đặc biệt cần lưu ý và phải thực hiện một cách định kỳ, đều đặn. Vì dầu nhớt được xem là chất lỏng quan trọng bậc nhất của động cơ, vừa đáp ứng việc bôi trơn vừa làm mát cho động cơ. Theo thời gian, nếu không thay dầu nhớt thì động cơ sẽ xuống cấp, nóng máy, gây tiêu hao nhiên liệu hơn.
Ngoài việc thay nhớt định kỳ, người dùng cần phải biết thông số nhớt cơ bản phù hợp với động cơ và phân biệt nhớt dành cho máy dầu cũng như máy xăng. Nếu không thay đúng chỉ số nhớt thì ảnh hưởng rất lớn trong quá trình vận hành và đây cũng là một trong những yếu tố khiến xe hao xăng hơn.
Mòn bugi
Khi vận hành khoảng 40.000 đến 60.000 km, người dùng nên kiểm tra các đầu bugi của xe để xem tình trạng như thế nào. Với mốc km trên thì có thể bugi đã bị bẩn và mòn, điều này khiến quá trình đánh lửa bị lỗi dẫn đến tình trạng hỗn hợp nhiên liệu và không khí cháy không hết hoặc bị bỏ máy.
Lúc này việc đánh lửa động cơ sẽ không đạt được hiệu quả cao nhất, buộc động cơ phải hoạt động nhiều hơn khiến ô tô bị hao xăng. Bugi bị mòn, bẩn còn dễ dẫn đến nhiều lỗi như xe đề khó nổ, xe chết máy giữa đường, xe bị giật khi lên ga…
Thiếu nước làm mát
Loại dung dịch không kém phần quan trọng của một chiếc ô tô chính là nước làm mát. Dung dịch nay sẽ đảm bảo động cơ có hiệu suất hoạt động tối ưu ở một ngưỡng nhiệt độ nhất định. Tuy nhiên khi dung dịch này bị hao hụt sẽ dẫn tới nhiều hậu quả khó lường.
Cụ thể, lượng nước làm mát bị rò rỉ sẽ khiến động cơ quá nhiệt, buộc phải hoạt động nhiều hơn để đảm bảo hiệu suất. Điều này dẫn đến lượng hao hụt nhiên liệu nhiều hơn. Nếu nước làm mát hao hụt quá nhiều thì có thể khiến xe bị bó máy, không thể tiếp tục vận hành.
Bên cạnh đó, khi cảm biến nhiệt độ hỏng, hệ thống ECU sẽ có những tín hiệu sai lệch so với điều kiện sử dụng thực tế, dẫn đến lượng nhiên liệu phun vào có phần dư thừa hoặc thiếu hụt làm xe hoạt động bất ổn. Điều này cũng có thể dẫn đến việc xe tiêu tốn nhiên liệu lãng phí.
Thói quen lái xe
Ngoài các yếu tố trên thì việc lái xe theo xu hướng bạo lực, tăng giảm ga đột ngột, phanh gấp liên tục hay chở quá tải cũng khiến xe tiêu hao nhiên liệu hơn so với bình thường. Hay việc không tắt các thiết bị điện cần thiết cũng dẫn đến việc đốt cháy nhiên liệu.
Thêm nữa, việc một số lái mới hay chị em phụ nữ quên không hạ phanh tay cũng khiến cho ô tô bị hao xăng hơn so với bình thường.
Bình luận