• Zalo

Vì sao ngày Giải phóng 30/4/1975 rất ít đổ máu?

Chính trịThứ Sáu, 30/04/2021 08:24:07 +07:00 Google News

Ngày 30/4/1975 là dấu son lịch sử đặc biệt trong lòng người dân TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung, đó là ngày kết thúc cuộc chiến với rất ít tiếng súng.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đã khẳng định chiến lược đúng đắn của Đảng ta. Với tinh thần “thần tốc, táo bạo”, các lực lượng cách mạng và quần chúng đã hiệp đồng chặt chẽ, tạo thành sức mạnh to lớn khiến cho bộ máy chính quyền Sài Gòn bấy giờ phải tan rã, sụp đổ nhanh chóng.

Ký ức về thời khắc hào hùng của Đại thắng mùa xuân năm 1975 qua lời kể các chứng nhân lịch sử được ghi lại trong bài viết.

Vì sao ngày Giải phóng 30/4/1975 rất ít đổ máu? - 1

Xe tăng của Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn ngày 30/4/1975 (Ảnh tư liệu do nhân vật cung cấp)

Chiến thuật đúng đắn

Giữa những ngày tháng 4, khi cả nước rộn ràng cờ hoa kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam 30/4 thì tại một căn phòng ở tầng 2 của văn phòng Hội Nạn nhân chất độc Da cam TP.HCM (số 331 đường Nguyễn Tri Phương, phường 10, Quận 5), một người đàn ông ngoài 70 tuổi vẫn chăm chú ngồi ghi chép. Ông đang hoàn thiện bản kế hoạch chi tiết cho việc xây dựng Trung tâm Làng Cam ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.

Đó là Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc Da cam TP.HCM - người đã có mặt tại Sài Gòn trong ngày 30/4/1975. Ông Thổ khi đó là Tham mưu phó, Trưởng ban Tác chiến Trung đoàn Bộ binh 88 - cánh quân thứ 5 được lệnh tiến về giải phóng Sài Gòn. 

Nói về chiến thắng lịch sử 30/4, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ cho rằng, đó là thành quả từ những chiến thuật đúng đắn ngay từ đầu của Đảng ta trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Trước ngày 30/4 thì cam go, ác liệt nhiều. Nhưng trận tập kích Ban Mê Thuột thắng lợi là một đòn bất ngờ về chiến thuật. Trận Ban Mê Thuột thắng lợi là trận mở đầu nhưng thực ra đó được xem là kết thúc chiến tranh. Sau chiến thắng của ta ở Ban Mê Thuột thì địch phải rút lui dần, không dám xua quân đánh nữa. Ở Tây Nam thì địch rút hết về Chương Thiện, không dám đánh với Quân khu 8 chúng tôi nữa”, Thiếu tướng Thổ cho hay.

Vì sao ngày Giải phóng 30/4/1975 rất ít đổ máu? - 2

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ trao quà cho nạn nhân chất độc da cam (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Mặc dù tinh thần của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã suy yếu trước những chiến thắng liên tiếp của Quân giải phóng nhưng trước ngày 30/4/1975, 5 cánh quân trên đường tiến về Sài Gòn vẫn phải trải qua những cuộc giằng co khốc liệt.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ cho biết, gần 100 cán bộ và chiến sĩ trong Trung đoàn Bộ binh 88 của ông đã hy sinh khi chỉ còn 2 ngày nữa là giải phóng Sài Gòn. Tuy nhiên, ngay trong ngày 30/4/1975 thì mọi việc lại khá bình yên, không đổ máu.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ cho biết: "Chúng tôi hành quân từ Gò Công về đến Sài Gòn thì có đồng bào ra tiếp nước, tiếp cơm. Binh lính trong đồn thì đứng coi chứ không ra. Sáng 30/4, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, nhiệm vụ của Trung đoàn chúng tôi là đánh qua cầu chữ Y, đánh Tổng nha cảnh sát.

Sau đó, buổi chiều thì đánh Bộ tư lệnh Hải quân. Rồi đến đêm 30/4 thì chúng tôi chiếm tổng kho xăng Nhà Bè. Toàn bộ quá trình diễn ra êm đẹp. Nhân dân rất phấn khởi, bản thân bộ đội cũng òa lên những tiếng khóc vui mừng trong ngày chiến thắng hôm đó”.

Vì sao ngày Giải phóng 30/4/1975 rất ít đổ máu? - 3

Ông Kiều Xuân Long - cựu Trưởng Ban liên lạc Ban Trí vận Sài Gòn - Gia Định.

Cánh quân thứ 6 mang tên “trí vận”

Ngày 30/4/1975, không hề có cuộc “tắm máu” nào, đội quân và bộ máy chính quyền Sài Gòn tan rã tại chỗ, các đô thị của miền Nam hầu như nguyên vẹn, không bị tàn phá. Góp công làm nên Đại thắng mùa xuân 1975, lúc bấy giờ ngoài 5 cánh quân tiến về Sài Gòn còn có một cánh quân khác mang tên “trí vận”, hoạt động ngay trong lòng địch.

Sớm xác định Sài Gòn - Gia Định là một vùng đô thành đặc biệt, tầng lớp chiếm ưu thế ở đây không phải là giai cấp công - nông như các địa phương khác mà là nhân sĩ trí thức nên ngay từ năm 1954, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã thành lập Chi bộ Trí thức (tiền thân của Ban Trí vận) để thu hút và quy tụ những người trí thức yêu nước, yêu chuộng hòa bình. Rất nhiều trí thức làm việc cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã được cảm hóa và trở thành thành viên của Ban Trí vận. 

Ông Kiều Xuân Long - cựu Trưởng Ban liên lạc Ban Trí vận Sài Gòn - Gia Định cho biết: “Ngay chính trong Bộ tham mưu của Tổng thống Dương Văn Minh thì gần như là lực lượng của ta, như Luật sư Triệu Quốc Mạnh là người của Trí vận, còn tướng Nguyễn Hữu Hạnh là của Binh vận. Cả 2 đã ra lệnh cho các đơn vị bảo vệ Sài Gòn buông súng.

Cuộc tiến quân của ta không gặp phải sự chống trả, không gây thiệt hại gì cho Thành phố này. Đây là một cuộc giải phóng hiếm có trên Thế giới: bảo vệ được Thành phố, bảo vệ được nhân dân, bảo vệ được lực lượng của mình. Chúng tôi gọi đó là lực lượng của cánh quân thứ 6”.

Vì sao ngày Giải phóng 30/4/1975 rất ít đổ máu? - 4

Luật sư Triệu Quốc Mạnh - chỉ huy trưởng Cảnh sát Sài Gòn - Gia Định chính là một thành viên của Ban Trí vận.

Một trong những thành viên đặc biệt của Ban trí vận đã có những đóng góp quan trọng vào chiến thắng trọn vẹn của ngày giải phóng Sài Gòn 30/4/1975 là luật sư Triệu Quốc Mạnh. Là người của cách mạng, ông Bảy Mạnh đã ẩn mình rất khéo léo.

Ông tốt nghiệp Đại học Luật khoa Sài Gòn, rồi theo học Tiến sĩ kinh tế và được bổ nhiệm làm thẩm phán khi vừa 23 tuổi. Đến năm 30 tuổi, ông đã được thăng lên Đệ nhất Phó biện lý của Tòa Sài Gòn - Gia Định.

Ngày 28/4, Tổng thống Dương Văn Minh lên nắm quyền đã cho gọi luật sư Mạnh tới gặp mặt và sau đó trao cho ông chức Chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh sát Sài Gòn. Lúc này, dù không thể liên lạc với Ban trí vận để xin ý kiến nhưng ông Mạnh vẫn nhận lời, vì ông biết ở vị trí này sẽ tạo được sự thuận lợi cho Quân giải phóng tiến vào Sài Gòn.

Ngay khi nhận chức ngày 29/4, Chuẩn tướng Triệu Quốc Mạnh đã ra lệnh không được giết tù chính trị, không được nổ súng: “Với lý tưởng và khát vọng hòa bình, độc lập, khi thời cơ đến là mình hành động. Kinh nghiệm các nước trên thế giới là trước ngày giải phóng thì họ giết tù binh nhiều lắm. Khi chúng ta lên nắm quyền thì ngay ngày hôm đó tôi cho giải tán lực lượng cảnh sát đặc biệt. Tôi nói rằng phái đoàn thương thuyết do Tổng thống cử đi trại David ở Tân Sơn Nhất đã đàm phán được 60% rồi. Mình nói vậy thì tình hình êm đi”.

Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Thành phố Sài Gòn hầu như vẫn nguyên vẹn, không có đổ máu, không bị tàn phá đổ nát. Đó là nhờ đường lối chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, tận dụng thời cơ đánh nhanh thắng nhanh, khiến quân địch bất ngờ, bị động, buộc chính quyền Sài Gòn phải đầu hàng vô điều kiện. Đây là nét độc đáo, đặc sắc của lịch sử cách mạng Việt Nam, của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Tỷ Huỳnh - Minh Thắm(VOV-TP HCM)
Bình luận
vtcnews.vn