• Zalo

Vì sao học sinh Nhật Bản bị cấm mặc áo khoác trong mùa đông?

Tin tức - Sự kiệnChủ Nhật, 05/02/2023 14:39:48 +07:00 Google News

Những nội quy nghiêm ngặt một cách vô lý trở thành vấn đề được tranh luận phổ biến trong giới học đường ở xứ sở hoa anh đào.

Một số trường học ở tây nam Nhật Bản có quy định hạn chế về quần áo mùa đông với học sinh. Điều này đã làm dấy lên tranh cãi ở đất nước mặt trời mọc.

Giữa tháng 1/2023, hình ảnh một học sinh 17 tuổi đi bộ đến trường trong thời tiết giá lạnh, chỉ mặc bộ đồng phục có cổ dựng đứng khiến nhiều phụ huynh xót xa. Chàng trai này đang học năm 3 tại một trường trung học ở thành phố Kagoshima.

Vì sợ giáo viên trách phạt, cậu không dám mặc áo khoác và cố gắng chịu cái rét trong chiếc áo len cùng đồ lót dày.

“Em lạnh quá. Em đã thấy nhiều bạn khác bị khiển trách khi làm trái quy tắc”, cậu nói.

“Chúng tôi cấm học sinh mặc áo khoác, áo liền quần… Tuy nhiên, điều này không áp dụng với những trường hợp đã được cho phép”, nội dung được viết trong quy định của trường nam sinh này.

Để đối phó với trời lạnh, nhiều em vẫn khoác áo ngoài trên đường, sau đó cởi nhanh trước khi xuống trạm xe buýt gần trường.

“Thầy cô mặc chúng bình thường mà sao chúng em không được làm vậy? Ngay cả khi em mang áo của câu lạc bộ đi học thì cũng phải bỏ ra khi vào cổng”, một nam sinh 18 tuổi phàn nàn.

Theo Mainichi Shimbun, không ít cơ sở giáo dục cũng đặt ra nguyên tắc này cho học sinh kèm theo luật cấm chia rạch ròi giữa nam và nữ.

Trong đó ghi rõ nam sinh không được mặc áo khoác và diện trang phục bên ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp đi xa hoặc bị ốm, các em có thể thông báo qua giáo viên chủ nhiệm.

Riêng nữ sinh, nhà trường cho phép mặc đồ do nhà trường chỉ định.

Vì sao học sinh Nhật Bản bị cấm mặc áo khoác trong mùa đông? - 1

Các học sinh đi bộ mà không mặc áo khoác khi tuyết rơi ở thành phố Kagoshima vào cuối tháng 1/2023. (Ảnh: Keisuke Muneoka)

“Nội quy có từ lâu rồi nên tôi không rõ mục đích. Học sinh giữ ấm bằng cách độn nhiều lớp bên trong đồng phục và cũng được mặc áo khoác nếu gọi điện xin phép vào buổi sáng”, lời giải thích của một phó hiệu trưởng trường cấp 3.

Nhà trường có kế hoạch xem xét nguyên tắc của mình theo từng giai đoạn, nhưng chưa quyết định ngày cụ thể. Một trường trung học khác đặt ra luật cấm tương tự, nhưng người đại diện cho biết họ cũng không chắc chắn về ý nghĩa giáo dục của nội quy này.

Những giáo viên bày tỏ thắc mắc của mình đều sẽ bị kiểm điểm từ năm học tới.

Vào tháng 8/2022, đoàn luật sư tỉnh Miyazaki đã đưa ra một tài liệu có tiêu đề "Hỏi đáp về sửa đổi nội quy trường học" cho các hội đồng giáo dục địa phương trong khu vực.

Về quy tắc trên, tài liệu chỉ ra rằng việc ban hành quy định về trang phục bất kể sự khác biệt về thể trạng hay cách mỗi cá nhân cảm thấy ấm hay lạnh có thể gây hại đến sức khỏe.

“Trẻ em cũng có quyền con người. Điều quan trọng là phải phân biệt xem các nguyên tắc đó có ý nghĩa giáo dục hay không. Chúng tôi muốn họ phải cân nhắc lại sự cần thiết của những nội quy trên”, Taiki Takeuchi, luật sư và trưởng nhóm dự án, chia sẻ.

Trước khi bị bãi bỏ vào tháng 3/2022, một số trường ở Tokyo vẫn yêu cầu học sinh không có màu tóc đen tự nhiên phải nhuộm đen để tạo sự đồng nhất. Bên cạnh quy định về màu tóc, nhiều nơi còn có bắt phải mặc đồ lót đồng màu, thường là màu trắng.

Các nhà trường giải thích việc mặc đồ lót trắng sẽ hạn chế việc lộ màu sắc dưới quần áo bên ngoài. Nhiều ý kiến cho rằng miễn không bị lộ màu, không nhất thiết bắt mọi học sinh phải mặc màu trắng.

(Nguồn: ZingNews/Mainichi Shimbun)
Bình luận
vtcnews.vn