Sự kiện phi cơ J-15 cất hạ cánh trên tàu sân bay cũ mua lại của Ukraine mang tên Liêu Ninh được các tờ báo Trung Quốc tung hô nhiệt liệt và không ngừng cạnh tranh thông tin về sự kiện này.
Theo giới phân tích quân sự quốc tế, việc phi cơ có thể thành công cất hạ cánh trên tàu sân bay được coi là bước đi quan trọng đầu tiên trong việc vận hành công cụ luôn được cho là tiêu chí đánh giá sức mạnh hải quân của một quốc gia.
Chế tạo phi cơ tàu sân bay trong 10 tháng?
Ít ngày sau khi hình ảnh và video về việc J-15 cất hạ cánh trên tàu sân bay được truyền thông Trung Quốc đăng tải, cư dân mạng nước này lên cơn sốt về cái gọi là “tàu sân bay Style”, giống như video clip ca nhạc Hàn Quốc từng gây sốt ở một số nước châu Á mang tên Gangnam Style.
Phi cơ J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc - Ảnh: Tân Hoa Xã |
Một số chuyên gia quân sự Mỹ nói họ ít nhiều bất ngờ trước việc Bắc Kinh sở hữu kỹ thuật phi cơ trên tàu sân bay, trước đó đa phần giới quan sát cho rằng Trung Quốc cần ít nhất hai năm để hoàn thiện kỹ năng cực khó này.
Theo Hải quân Trung Quốc, kỹ sư La Dương - cha đẻ phi cơ tàu sân bay nước này đã âm thầm nghiên cứu và thiết kế J-15 cho tàu sân bay Liêu Ninh từ năm ngoái.
Từ bản vẽ thiết kế đến việc J-15 lên tàu Liêu Ninh được nói là diễn ra chỉ trong 10 tháng, khiến báo chí Trung Quốc không ngớt tung hô.
Tuy nhiên, báo Nước Nga ngày nay cho rằng việc Bắc Kinh đưa được J-15 lên tàu sân bay cũng không hẳn là điều quá kinh ngạc, bởi J-15 gần như sao chép hoàn toàn công nghệ chiếc Su-33 Nga.
Hơn nữa, tàu sân bay Liêu Ninh thực chất là tàu do Liên Xô (cũ) sản xuất, nên việc một máy bay “vỏ Trung Quốc, ruột Nga” có thể hoạt động trên Liêu Ninh là điều bình thường.
Đáp lại, các trang mạng quân sự Trung Quốc nói một cách yếu ớt rằng: “Tuy Trung Quốc có vay mượn những kỹ thuật của Su-33 nhưng hoàn toàn chỉ là mặt hình dáng – khí động học, còn động cơ và nhiều kỹ thuật khác đã được cải tiến phù hợp yêu cầu riêng của Trung Quốc”.
Dù vậy, nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc thừa nhận J-15 không chỉ “giống” Su-33 mà còn có cơ chế hoạt động và hệ thống vũ khí cũng “giống” hoàn toàn.
Tuyển chọn phi công khắc nghiệt
Mạng tin Sina của Trung Quốc dẫn nguồn tin giấu tên nói rằng có 4 phi công đã tham gia thử nghiệm thành công trong vụ J-15 cất, hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh.
Mạng tin Sina nói có 4 phi công tham gia thử nghiệm cất-hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh - Ảnh: Tân Hoa Xã |
Nguồn tin của Sina cũng nói, từ khi bắt đầu đưa tàu sân bay vào sử dụng trong thế kỷ trước, ít nhất 1.000 phi công Mỹ đã thiệt mạng trong các phi vụ trên tàu sân bay.
Vì thế, phi công trên tàu sân bay được tuyển lựa cực kỳ khắc nghiệt, “phải nói rằng đào tạo phi công hoạt động trên tàu sân bay khó hơn rất nhiều so với phi công chiến đấu thông thường”, nguồn tin của Sina nói.
Theo đó, Trung Quốc lựa chọn những phi công có tuổi đời từ 35 trở xuống, từng sử dụng được ít nhất 5 loại chiến đấu cơ, thời gian bay tối thiểu 1.000 tiếng đồng hồ.
|
Sở dĩ người Trung Quốc chọn lựa khắt khe như vậy bởi phi công cần đáp ứng hai điều kiện: Sức khỏe, tâm lý.
Về mặt sức khỏe, khi phi cơ hạ cánh xuống tàu sân bay, phi công sẽ phải chịu lực cản cơ học cực lớn. Những bộ phận cơ thể như cổ, lưng, gáy phải chịu áp lực thường xuyên dễ gây bệnh mãn tính, thậm chí tử vong.
Hơn nữa, do quán tính khi hạ cánh, máu sẽ dồn nhiều về não bộ khiến phi công nảy sinh hiện tượng “đỏ mắt” – nghĩa là nhìn mọi thứ xung quanh đều thành màu đỏ.
Về mặt tâm lý, phi công phải vượt qua cảm giác “đâm vào tường” khi máy bay cất cánh. Khi hạ cánh xuống tàu sân bay, để tránh việc cáp hãm đà móc trượt vào càng hãm trên máy bay, phi công phải giảm vận tốc đến mức tối đa – điều cực nguy hiểm với máy bay bởi nó có thể rơi đột ngột do vận tốc quá thấp.
Cảm giác khi hạ cánh xuống tàu sân bay được phi công Trung Quốc mô tả là “như đối diện với cái chết”, một thách thức cực lớn về tâm lý.
Gây bất ngờ cho người Nga
Mạng tin Sina dẫn nguồn báo Nước Nga ngày nay nói rằng, người Nga rất bất ngờ trước việc Trung Quốc chế tạo được càng hãm trên máy bay và hệ thống cáp hãm trên Liêu Ninh.
“Càng hãm cực nhỏ và chịu lực tốt như thế, không phải điều đơn giản. Bởi càng hãm to thì dễ làm nhưng ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu cơ động của máy bay”, mạng tin Sina dẫn lời chuyên gia Nga.
Cáp hãm đà trên tàu sân bay Liêu Ninh - Ảnh: Tân Hoa Xã |
Một điều nữa được Hải quân Trung Quốc nói là điều họ vốn nghĩ là “cửa ải không thể vượt qua” khi có kế hoạch đưa J-15 lên tàu sân bay Liêu Ninh, đó là hệ thống cáp hãm đà và đường băng.
|
Kỹ sư Lý Phương – một trong những người tham gia thiết kế J-15 nói các kỹ sư Trung Quốc gặp trở ngại lớn nhất về công nghệ hàn các ụ nối của cáp hãm đà và càng hãm.
“Công nghệ máy bay truyền thống của chúng tôi không làm được điều này, mối hàn luôn bị bật tung do không chịu được quán tính quá lớn của máy bay khi hạ cánh”, Lý Phương nói với mạng tin Sina.
Sau đó, các kỹ sư phụ trách thiết kế và kỹ sư thi công cùng nhóm chuyên gia “được cử ra nước ngoài học hỏi” đã cùng nhau dùng công nghệ hàn tiên tiến để khắc phục khó khăn này. Đương nhiên, công nghệ hàn lấy của quốc gia nào là điều báo chí Trung Quốc không hé lộ.
Trái tim 'Cá mập bay' J-15 có gì?
Trong lần đầu tiên bay thử năm 2009, J-15 được trang bị các hệ thống điện tử, radar và vũ khí nội địa. Tất cả đều được nâng cấp từ dự án J-11B trước đó mà Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận sở hữu trí tuệ với Nga về hợp đồng sản xất Su-27SK.
Thế nhưng điểm mấu chốt nhất và là sức mạnh của chiếc máy bay là động cơ thì J-15 vẫn chạy bằng động cơ phản lực AL-31F của Nga.
Máy bay Su-33 của Nga - Ảnh: Internet |
Đến tháng 7/2011, Trung Quốc tuyên bố J-15 của họ đã có thể bay bằng động cơ FWS-10H tự sản xuất, động cơ trước đây sử dụng cho J-11B.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho biết, lực đẩy tối thiểu để J-15 cất cánh là 12.8 tấn nhưng công suất tối đa của FWS-10H chỉ là 12.5 tấn.
|
Không những thay đổi về động cơ, các chuyên gia hàng không Trung Quốc còn phải nghiên cứu rất nhiều để đưa ra một số cải tiến giúp J-15 có thể cất hạ cánh thành công trên sàn của tàu sân bay Liêu Ninh như hiện nay.
Trước đây, các máy bay sản xuất theo hợp đồng với Nga, phải sử dụng các hệ thống bên trong của nhà cung cấp và thường không tương thích với vũ khí của Trung Quốc.
J-15 có thể sử dụng tốt các vũ khí trong nước do có hệ thống tương thích, các vũ khí của nó bao gồm tên lửa PL-8, PL-12 AAMs hay tên lửa chống hạm YJ-83K, một số loại bom dẫn đường thông minh.
Đây là những bước tiến khá lớn của Hải quân Trung Quốc khi sức mạnh của J-15 được đánh giá ngang hàng với F/A-18C của Mỹ.
Đầu tháng 11 vừa qua, Trung Quốc cũng đã công bố những hình ảnh đầu tiên về chiếc J-15 thứ 2 của mình. Nhưng đây lại là một phiên bản 2 chỗ ngồi, trong đó phi công phụ sẽ là người đảm nhận nhiệm vụ điều khiển hệ thống vũ khí của máy bay.
Nguyên lí hoạt động của phiên bản này được cho là giống với máy bay trên tàu sân bay F-15E của Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay Mỹ cũng đã cho các máy bay F-15E của mình ngừng hoạt động.
Trung Quốc đang có kế hoạch sản xuất hàng loạt J-15 để trang bị cho Liêu Ninh trong khi hiện nay đã có 20 chiếc máy bay loại này được sản xuất, sử dụng cho công tác thử nghiệm và đào tạo phi công.
Huyền Lê
Bình luận