Trong một tuyên bố ngày 23/6, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Washington phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công tên lửa mới nhất của Ukraine vào thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea.
Theo các nhà chức trách địa phương, vụ tấn công liên quan đến tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp đã làm 5 người thiệt mạng, trong đó 3 trẻ em. Ngoài ra cũng có hơn 120 người bị thương.
Cũng theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã phóng 5 tên lửa tầm xa ATACMS mang theo đạn chùm gây tấn công Crimea. Bốn tên lửa đã bị phòng không Nga đánh chặn trên biển Đen, tên lửa còn bị bắn trúng nhưng bay chệch hướng và phát nổ trên bầu trời thành phố cảng Sevastopol.
Các mảnh vỡ của đầu đạn chùm rơi xuống đã dẫn đến nhiều thương vong cho dân thường, trong đó có gần 30 trẻ em.
“Tất cả các hệ thống dẫn đường trên tên lửa ATACMS đều do Mỹ chuyển giao cho Ukraine trên cơ sở dữ liệu tình báo vệ tinh của chính họ. Trách nhiệm về vụ tấn công gây thương vong dân thường ở Sevastopol chủ yếu thuộc về Washington, cũng như chính quyền Kiev", thông báo của Bộ Quốc phòng Nga có đoạn.
Tuy nhiên Bộ Quốc phòng Nga lại không nói rõ có hành động đáp trả đối với Mỹ hay không.
Về phía Mỹ, Washington tuyên bố cung cấp đạn chùm cho Ukraine vào tháng 7/2023. Tổng thống Mỹ Joe Biden vào thời điểm đó gọi quyết định này là “rất khó khăn” nhưng có lý, cho rằng việc chuyển giao vũ khí này là cần thiết để thúc đẩy một cuộc phản công của Ukraine.
Loại vũ khí trên được coi là cực kỳ nguy hiểm đối với dân thường vì đạn thường trải rộng trên các khu vực rộng lớn và có thể tồn tại dưới lòng đất trong nhiều năm.
Cả Mỹ, Ukraine và Nga đều chưa ký Công ước về Bom, đạn chùm. Tuy nhiên, vào mùa hè năm 2023, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng Sergey Shoigu cho biết Mosckva sẽ không triển khai loại vũ khí này chống lại Kiev vì lý do nhân đạo. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng Nga có thể đảo ngược chính sách này.
Ukraine bắt đầu sử dụng tên lửa tên lửa ATACMS do Mỹ viện trợ tấn công bán đảo Crimea từ cuối tháng 5. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov cho biết tổng cộng 10 chiếc ATACMS nhắm vào cầu chiến lược Crimea đã bị bắn hạ.
Truyền thông Mỹ trong tháng 5 cũng đưa tin Washington đã bật đèn xanh cho Ukraine trong việc sử dụng vũ khí viện trợ thực hiện các cuộc tấn công xuyên biên giới vào lãnh thổ Nga từ vùng Kharkov. Sau đó Lầu Năm Góc bổ sung thêm rằng Kiev cũng có thể mở rộng phạm vi tấn công ngoài khu vực Kharkov.
Còn theo AP, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn không cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS có tầm bắn tới 300 km để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo rằng việc sử dụng vũ khí phương Tây trong các cuộc tấn công của Ukraine vào lãnh thổ Nga là “hành động gây hấn”.
Bình luận