• Zalo

Tăng cường kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết

Thị trườngThứ Hai, 06/12/2021 14:33:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

QLTT Hà Nội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2022 và công tác phòng chống dịch COVID-19.

Thời điểm cuối năm cũng là lúc Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua sắm, tiêu dùng được đẩy mạnh và tiềm ẩn nguy cơ gia tăng vi phạm trong lưu thông, kinh doanh hàng hóa.

Nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, bình ổn thị trường, Cục QLTT Hà Nội và các lực lượng chức năng đang sẽ cường các đợt kiểm tra, kiểm soát thị trường để phát hiện, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý

Theo đại diện Cục QLTT Hà Nội, mặc dù lực lượng đã liên tiếp kiểm tra nhưng thị trường vẫn luôn diễn biến phức tạp, hoạt động vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu như gia súc, gia cầm, hoa quả, các chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản...không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại.

Tăng cường kiểm tra chống buôn lậu, hàng giả dịp Tết - 1

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng tăng giá.

Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả cuối năm 2021 có chiều hướng diễn biến phức tạp trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là thời điểm trước dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cùng đó, dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, kéo dài, sẽ là nguy cơ, thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội, an ninh trật tự của đất nước và đời sống của nhân dân.

Do vậy, Cục QLTT Hà Nội đã chỉ đạo các Đội QLTT theo dõi sát diễn biến của thị trường, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc nhằm ổn định thị trường cuối năm, bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch như khẩu trang, kit test nhanh COVID-19, dung dịch sát khuẩn, thiết bị y tế....

Đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra liên ngành dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp giữa các lực lượng chức năng, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đạt hiệu quả cao trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách; điều chuyển, đề xuất điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý nghiêm những cán bộ có hành vi vi phạm.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý triệt để các hành vi đầu cơ, găm hàng, hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm … dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các đối tượng lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng tăng giá bất hợp lý hàng hóa thiết yếu, các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19.

Đơn vị cũng sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật để doanh nghiệp và người dân nắm bắt, không sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, từ đó phối hợp với lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh chống vấn nạn này

Hàng ngàn vụ vi phạm bị xử lý

Thống kê của Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho thấy, trong 11 tháng năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn cơ bản đã được các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về nhãn, niêm yết giá… vẫn còn xảy ra.

Do tình hình đại dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội vẫn đang diễn biến phức tạp, hoạt động buôn bán hàng hóa qua mạng xã hội, các kênh thương mại điện tử diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng.

Tính từ ngày 15/12/2020 - 12/11/2021, lực lượng chức năng Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 3.783 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xử lý 3.757 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 39,146 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu, buộc tiêu hủy 124,139 tỷ đồng…

Điển hình, ngày 29/9/2021, Đội QLTT số 12 phối hợp với Công an quận Thanh Xuân tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh mỹ phẩm tại số 10B ngõ 126 phố Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân, TP Hà Nộ) do ông Phạm Quốc H. là chủ kinh doanh.

Qua kiểm tra và làm việc, đoàn kiểm tra xác định ông Phạm Quốc H. có các hành vi: Buôn bán hàng giả là 566 chai sữa tắm nước hoa sen Tesori Ə' Oriente 500ml, trị giá hàng hóa: 141.500.000 đồng; kinh doanh hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp, trị giá hàng hóa: 2.441.312.000 đồng.

Ngày 8/10, Đội Quản lý thị trường số 12 đã chuyển hồ sơ vụ việc và toàn bộ tang vật vi phạm cho Công an quận Thanh Xuân tiếp nhận để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 28/9, Đội QLTT số 12 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Thanh Xuân và Công an phường Khương Mai tiến hành khám phương tiện vận tải là xe mô tô 2 bánh nhãn hiệu Honda Wave, biển kiểm soát số 29X7-548.04 đang dừng đỗ tại trước số nhà 10B ngõ 126 đường Hoàng Văn Thái, Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội do ông Trương Quang T. là người điều khiển đang vận chuyển hàng hoá.

Đoàn kiểm tra xác định ông Trương Quang T. vận chuyển hàng hoá là 120 chai sữa tắm nước hoa hoa sen Tesori Ә O’riente 500ml đã được Công ty TNHH SX và DVTM BNB nhập khẩu độc quyền xác định là hàng giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá. Trị giá hàng hoá giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá: 30.000.000 đồng. Kết quả, vụ việc có dấu hiệu tội phạm, ngày 12/10/2021 Đội Quản lý thị trường số 12 đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Công an quận Thanh Xuân để tiếp tục điều tra theo quy định pháp luật.

Trước đó, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát theo địa bàn, lĩnh vực được phân công quản lý nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá.

"Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán các mặt hàng khẩu trang vải, khẩu trang kháng khuẩn trên thị trường giúp lực lượng QLTT kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán khẩu trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được công bố hợp quy hàng dệt may, không đảm bảo chất lượng, không niêm yết giá, bán hàng không đúng giá niêm yết", đại diện Cục QLTT Hà Nội cho hay

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trong 9 tháng năm, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 37.800 vụ vi phạm, xử phạt, thu nộp ngân sách nhà nước 233 tỷ đồng.

Riêng quý III/2021, xử lý hơn 12.600 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 41 tỷ đồng.

Tình trạng buôn lậu, hàng giả diễn biến phức tạp do Việt Nam có đường biên giới dài, nhiều đường mòn lối mở, cộng thêm giá nhiều loại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước láng giềng có sự chênh lệch lớn.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu việc làm, thu nhập là một trong những yếu tố khiến cư dân khu vực biên giới tham gia vận chuyển hàng lậu; hệ thống pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất hàng giả và gian lận thương mại còn chồng chéo, nhận thức về chống buôn lậu tại mỗi địa phương có lúc, có nơi chưa thống nhất; lực lượng kiểm tra, kiểm soát mỏng dẫn tới việc chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn