• Zalo

Sắp đến lúc Trung Quốc thống trị tàu ngầm hạt nhân?

Quân sựThứ Sáu, 24/11/2023 14:10:36 +07:00 Google News
(VTC News) -

Năng lực của hải quân Trung Quốc giờ đây không chỉ vượt về số lượng mà sắp đuổi kịp Mỹ về cả công nghệ, nhất là trong lĩnh vực chế tạo tàu ngầm.

Theo tờ The Wall Street Journal, kỷ nguyên thống trị của tàu ngầm hạt nhân Mỹ trước Trung Quốc sắp kết thúc. Năng lực quân sự và công nghệ của hải quân Trung Quốc trong việc chế tạo tàu ngầm và tác chiến chống ngầm giờ đây đã vươn lên tầm cao mới. Sự thay đổi này thậm chí còn dấy lên mối lo ngại rằng các hạm đội hùng mạnh của Mỹ có thể bị đánh chìm trong một cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc.

Kết luận trên được Wall Street Journal trích dẫn từ các báo cáo về tiến bộ khoa học và công nghiệp của Trung Quốc trong chiến tranh hải quân. Bài báo chỉ ra rằng Trung Quốc đang dần “thu hẹp” khoảng cách giữa nước này và Mỹ trong các lĩnh vực rất phức tạp như công nghệ tàu ngầm tác chiến chống ngầm.

Những diễn biến này không chỉ đe dọa chiến lược khu vực của Lầu Năm Góc nhằm kìm hãm hải quân Trung Quốc ở các vùng ven bờ mà còn có thể thách thức uy thế thống trị của hải quân Mỹ trên toàn cầu trong dài hạn.

Dù sở hữu số tàu ngầm hạt nhân ít hơn nhưng Trung Quốc hoàn toàn có thể vượt Mỹ trong vài năm tới.

Dù sở hữu số tàu ngầm hạt nhân ít hơn nhưng Trung Quốc hoàn toàn có thể vượt Mỹ trong vài năm tới.

Trung Quốc đóng tàu ngầm nhanh hơn Mỹ

Đầu năm nay, nghiên cứu của Viện nghiên cứu hàng hải Trung Quốc thuộc Đại học chiến tranh hải quân Mỹ đã chỉ ra những tiến bộ của Trung Quốc trong chế tạo lò phản ứng hạt nhân sử dụng trên các lớp tàu ngầm hạt nhân do nước này chế tạo, kèm với đó là hệ thống động lực dành cho tàu ngầm.

Như vậy tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc giờ đây chạy êm hơn và có độ thấp tương đương các tàu ngầm hạt nhân của Nga. Sự thay đổi này giúp tàu ngầm Trung Quốc trở nên khó phát hiện hơn trước.

Ngoài ra, các phân tích từ ảnh vệ tinh của nhà máy đóng tàu Hồ Lô Đảo ở Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc được chụp năm ngoái cho thấy Bắc Kinh đang đóng tàu ngầm hạt nhân mới với kích thước lớn hơn nhiều so với các tàu hiện có.

Wall Street Journal trích dẫn thông tin tình báo bị rò rỉ của hải quân Mỹ cho thấy, năng lực đóng tàu ấn tượng của Trung Quốc tính tới năm 2023 đã vượt qua mức 23,2 triệu tấn mỗi năm. Trong khi đó con số này của Mỹ chỉ khoảng 100.000 tấn mỗi năm. 

Tốc độ đóng tàu hiện tại của Trung Quốc cho phép nước này sản xuất nhiều tàu chiến cùng một lúc và gấp khoảng 200 lần so với năng lực của Mỹ.

Trên hết, việc hải quân Trung Quốc xây dựng một mạng lưới cảm biến dưới nước rộng lớn ở các vùng biển ven bờ Trung Quốc hay được gọi là “Vạn Lý Trường Thành dưới nước” đang mang đến cho Bắc Kinh một lợi thế vô cùng lớn.

Hải quân Mỹ chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong việc triển khai tàu chiến đến gần Trung Quốc nếu đi vào vùng biển được bố trí cảm biến.

Hiện tại mạng lưới cảm biến trên vẫn chưa được hoàn thành nhưng nó sẽ sớm đi vào hoạt động. Hệ thống này bao gồm nhiều cảm biến sonar thụ động và chủ động, kết hợp với các phương tiện không người lái trên và dưới mặt nước cho phép phát hiện, theo dõi mọi hoạt động cùa tàu thuyền trong khu vực bị kiểm soát.

Tàu ngầm Mỹ giờ đây không còn an toàn khi hoạt động gần bờ biển Trung Quốc.

Tàu ngầm Mỹ giờ đây không còn an toàn khi hoạt động gần bờ biển Trung Quốc.

Trung Quốc được cho là cũng “trở nên giỏi hơn” trong việc phát hiện các tàu ngầm mang tên lửa hành trình và tấn công của Mỹ vốn lén lút hoạt động gần bờ biển nước này thông qua các hệ thống vũ khí khác.

Ngoài ra, số lượng các cuộc tập trận hải quân giữa Trung Quốc và Nga ngày càng tăng. Điều này không chỉ giúp tăng cường khả năng phối hợp của hải quân Trung Quốc với nước láng giềng phía bắc trong trường hợp khẩn cấp mà còn cho phép họ học hỏi từ hải quân Nga về tác chiến với tư cách là một cường quốc hải quân toàn cầu có thể sánh ngang với Mỹ.

Theo cựu sĩ quan hải quân Mỹ Christopher Carlson cho biết: “Những tác động từ sự phát triển của hải quân Trung Quốc đối với Mỹ và các đồng minh Thái Bình Dương sẽ rất sâu sắc”. Ông cũng cho rằng Mỹ sẽ đau đầu trong việc phân bổ nguồn lực đối phó với các thách thức mới từ Trung Quốc.

Về mặt chiến lược, tờ Wall Street Journal nhận định, các hoạt động mà Mỹ từng coi là đương nhiên, chẳng hạn như khả năng tiếp cận các bờ biển gần Trung Quốc giờ đây sẽ không còn được thực hiện khi các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc có thể tấn công các tàu chiến Mỹ trong bất ngờ.

Trên hết là mối đe dọa tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Trung Quốc đối với đất Mỹ – một mối đe dọa mà Washington từ lâu đã quen đối phó nhưng lại chưa trải qua, trong mối quan hệ với siêu cường quân sự châu Á.

Ông Carlson nói thêm rằng: “Tìm được một chiếc tàu ngầm hoạt động êm dưới đáy biển vô cùng khó và các tàu ngầm hạt nhân mới của Trung Quốc có thể tương đương với lớp Akula cải tiến đang được biên chế cho hải quân Nga".

Hạm đội 79 tàu ngầm của Trung Quốc hiện có ít nhất 16 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và mang tên lửa đạn đạo, trong đó có 6 tàu ngầm tấn công Type 093 (tên mã NATO lớp Shang) và 6 tàu tên lửa đạn đạo Type 094 (tên mã NATO Jin) hoạt động “gần như liên tục” tuần tra giữa đảo Hải Nam và Biển Đông. Nhưng Carlson cảnh báo quốc gia châu Á này có thể tăng gấp ba tốc độ đóng tàu ngầm hiện tại lên 1 - 2 chiếc mỗi năm.

Sức mạnh của tàu ngầm Trung Quốc có thể đã bị Mỹ thổi phồng như một cách để có thể thêm ngân sách cho việc đóng tàu ngầm hạt nhân mới.

Sức mạnh của tàu ngầm Trung Quốc có thể đã bị Mỹ thổi phồng như một cách để có thể thêm ngân sách cho việc đóng tàu ngầm hạt nhân mới.

Tốn kém, khó chế tạo như tàu sân bay

“Chế tạo tàu ngầm hạt nhân có thể được xem là đỉnh cao của công nghệ trong kinh tế và công nghiệp, chỉ có một số quốc gia làm chủ được các công nghệ thực hiện điều này. Trung Quốc giờ đây sở hữu công nghệ chế tạo tàu ngầm không thua kém Mỹ, Nga, Anh và Pháp”, chuyên gia quân sự Nga Vasily Dandykin phân tích.

Theo Dandykin, có một số yếu tố khiến tốc độ đóng tàu ngầm mới của Mỹ chậm lại, bắt đầu từ quyết định của Washington trong việc cắt giảm quy mô các nhà máy đòng tàu hải quân sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Ở một chiều hướng khác, Lầu Năm Góc cũng cắt giảm số tàu ngầm hạt nhân mới.

Theo Dandykin, các chương trình liên quan đến tàu ngầm hạt nhân của Mỹ dần không được quan tâm đúng mức sau khi Liên Xô tan rã, không chỉ Mỹ mà cả châu Âu cũng trong tình trạng tương tự.

“Nước Mỹ có ngân sách quân sự lớn nhất thế giới, vượt xa tất cả các nước khác trên thế giới. Điều đó có nghĩa là ở đâu đó họ đã sa đà vào những dự án khổng lồ và tốn kém mà không phù hợp với chi phí của họ”, Dandykin nói. Chuyên gia này cũng lấy ví dụ về chương trình đóng tàu khu trục Zumwalt trị giá 8 tỷ USD mỗi chiếc mà Mỹ đang thực hiện.

“Có rất nhiều dự án như Zumwalt khiến Mỹ tiêu tốn rất nhiều tiền. Kết quả là giờ đây Mỹ thua kém Nga trong việc phát triển tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 4, thậm chí ngay cả các thiết kế đó đã có từ thời Liên Xô”, ông Dandykin nhấn mạnh.

Về các tàu ngầm của Trung Quốc, Dandykin chỉ ra rằng hiện tại, phần lớn hạm đội của Trung Quốc vẫn bao gồm các tàu ngầm chạy bằng diesel-điện và để chúng đạt được trình độ công nghệ tương tự như Mỹ cần rất nhiều thời gian lẫn tiền bạc.

Theo ước tính của một sĩ quan hải quân Trung Quốc đã nghỉ hưu, các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các tàu thế hệ thứ hai và mục tiêu trong tương lai là phát triển các tàu thế hệ thứ ba.

Dandykin tin rằng những nỗ lực của Mỹ nhằm thổi phồng “mối đe dọa từ Trung Quốc” là “hơi gian dối” và được thiết kế chủ yếu để vận động hành lang nhằm phân bổ nhiều nguồn lực hơn nữa cho các nỗ lực đóng tàu ngầm của Mỹ bởi việc xây dựng hạm đội tàu ngầm hạt nhân tốn kém hơn nhiều so với việc đóng tàu sân bay cả về công nghệ lẫn ngân sách.

Trà Khánh(Nguồn: Sputnik, Wall Street Journal)
Bình luận
vtcnews.vn