Thực tế hơn 2 tuần thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã bộc lộ những vấn đề của giao thông Việt Nam, trong đó rõ nhất là thói quen lái xe tùy tiện, không tuân thủ pháp luật của bộ phận không nhỏ người Việt. Đó là lý do họ phản ứng quyết liệt, viện hết cớ nọ đến cớ kia mà tựu trung lại là không muốn phải đóng mức phạt cao nếu vi phạm.
Một trong những lý do được họ mượn làm cớ là người nghèo sẽ gặp khó khăn khi bị phạt 4-6 triệu đồng cho một lỗi rất dễ mắc như vượt đèn đỏ hay lao xe lên vỉa hè. Nhưng một người nghèo mà tôi biết là bác xe ôm hàng xóm lại bảo rằng quy định mới không gây khó gì thêm cho bác. Từ xưa khi mức phạt còn thấp, bác đã không cho phép mình phạm lỗi nào vì chỉ cần bị phạt mấy trăm nghìn đồng cũng đủ ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình.
"Người nghèo như tôi luôn quý từng đồng, trước đây vượt đèn đỏ phạt 800 nghìn đồng đã không dám vi phạm, bây giờ phạt 4-6 triệu đồng lại càng như thế", bác nói.
Bản thân tôi cũng chạy xe máy đi làm mười mấy năm nay, thu nhập chỉ hơn 10 triệu đồng một tháng, không quen biết ai để "gọi điện thoại cho người thân" khi bị các chú cảnh sát giao thông giữ lại. Bao nhiêu năm tôi luôn tuân thủ luật giao thông, không vượt đèn đỏ, không lấn làn hay đi quá tốc độ; chưa bao giờ bị công an "tuýt còi".
Tôi tuân thủ vì muốn bảo vệ an toàn cho chính mình và người khác, cũng vì chẳng muốn mất khoản tiền không đáng. Vì vậy khi Nghị định 168 có hiệu lực, tôi không hề thấy túi tiền của mình có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Từ bản thân và thực tế xung quanh, tôi nhận ra sự bao biện của những người viện lý do mặt bằng thu nhập còn thấp để kêu ca mức phạt quá "đắt", rằng phạt nặng quá sẽ khiến dân nghèo đi, cuộc sống thêm khó khăn, túng thiếu, hay những người đổ lỗi cho Nghị định 168 gián tiếp gây ra tình trạng ùn tắc khủng khiếp của Hà Nội, TP.HCM những ngày cận Tết.
Kiểu lý lẽ này cho thấy họ đã quá quen với việc vi phạm luật giao thông, coi việc vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, quay xe, dừng đỗ không đúng quy định… là hiển nhiên như “cơm ăn nước uống” thường ngày nên không thể từ bỏ. Dường như họ còn cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm khi không còn được chạy xe vô pháp như thế nữa.
Những người này phản ứng gay gắt với chế tài nghiêm khắc của Nghị định 168 không phải vì lo lắng về sự thiếu công bằng hay bất hợp lý khi triển khai trong thực tế, mà chỉ sợ phải từ bỏ thói đi bừa, đi ẩu đã ăn sâu trong tiềm thức của mình.
Lâu nay, họ quen với việc dễ dàng vi phạm mà không bị xử lý vì có thể trốn, có thể chạy hay xin xỏ, hoặc nếu bị lập biên bản cũng chỉ nộp mức phạt “không đau không ngứa”. Nghị định 168 như một đòn giáng mạnh vào thói quen sai trái đó và phản ứng của họ là bàn lùi.
Những người thiếu ý thức dùng các lý do để che đậy mục đích thật là tiếp tục nếp giao thông hoang dã, trốn tránh chịu trách nhiệm về hành vi phạm luật, muốn duy trì xã hội kém văn minh nơi hành vi sai trái được coi là bình thường.
Nhưng xã hội vẫn luôn tiến về phía trước đâu có thể đáp ứng mong muốn ích kỷ đó. Các quy định pháp luật được đưa ra không phải để thỏa mãn sự tiện lợi của một số cá nhân mà để tạo môi trường chung tốt nhất cho cả cộng đồng.
Nếu không áp chế tài mạnh ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ không bao giờ xây dựng được văn hóa giao thông, khi mà rất nhiều người ngay từ tiềm thức đã dung túng cho hành vi vi phạm, dung túng cho bản thân mặc sức vi phạm. Con số tai nạn giao thông khổng lồ và tình trạng ùn tắc khủng khiếp sẽ mãi tiếp diễn.
Phản đối xử lý nghiêm các vi phạm giao thông thực ra là cản trở sự tiến bộ, gián tiếp đe dọa sự an toàn của cộng đồng và góp phần kìm hãm nền kinh tế.
Kêu ca mức phạt của Nghị định 168 quá cao, phải chăng một số người cảm thấy mình đủ khả năng và sẵn sàng bỏ ra số tiền phạt thấp hơn để được vi phạm, và không có ý định từ bỏ kiểu chạy xe bất chấp luật lệ?
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bình luận