• Zalo

Quân sự thế giới 2023: F-22 'ra oai' với khinh khí cầu TQ, Phần Lan vào NATO

Quân sựThứ Hai, 08/01/2024 07:03:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Cùng nhìn lại những sự kiện quân sự có tác động lớn đến bối cảnh toàn cầu trong năm qua, đã được các chuyên gia của tạp chí Military Watch thống kê cụ thể.

Houthi tấn công tuyến vận tải trên biển Đỏ

Sau khi bùng phát xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas tại Gaza, lực lượng Houthi đã tham gia vào cuộc xung đột bằng cách tiến hành các cuộc tấn công tên lửa hành trình vào các mục tiêu của Israel, sau đó là tấn công các tàu vận tải của Israel và các nước thuộc Khối phương Tây ở biển Đỏ.

Mỹ đã phản ứng bằng cách thành lập một liên minh quân sự để đáp trả các cuộc tấn công của Houthi. Tuy nhiên Mỹ đã không nhận được nhiều sự ủng hộ của các nước trong khu vực và các đồng minh của mình.

Các chiến binh Houthi bắn lựu đạn chống tăng trong một cuộc diễn tập quân sự gần Sanaa, Yemen, ngày 30/10/2023. (Ảnh: Reuters)

Các chiến binh Houthi bắn lựu đạn chống tăng trong một cuộc diễn tập quân sự gần Sanaa, Yemen, ngày 30/10/2023. (Ảnh: Reuters)

Trong khi đó, lực lượng Houthi đã chứng tỏ được khả năng quân sự của mình, với một loạt vũ khí chống hạm được triển khai bao gồm các lớp tên lửa đạn đạo tầm xa. Đồng thời lực lượng này có thể bắn hạ các loại máy bay chiến đấu tiên tiến của phương Tây như F-15SA, những yếu tố này đã làm dấy lên những lo ngại đáng kể về sức mạnh của Mỹ trong khu vực.

“Chiến tranh lạnh” Ả Rập Xê-út và Iran kết thúc

Vào tháng 3/2023, một hiệp định do Trung Quốc làm trung gian giữa Ả Rập Xê-út và Iran đã chấm dứt Chiến tranh Lạnh kéo dài hàng thập kỷ giữa hai nước láng giềng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã đích thân đóng vai trò trung tâm trong việc làm trung gian hòa giải trong thỏa thuận này, đây được coi là một thành công lớn về mặt ngoại giao của Bắc Kinh.

Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng đối với khu vực, đồng thời làm giảm sự ảnh hưởng của các nước phương Tây. Những dấu hiệu về một sự thay đổi đang diễn ra bao gồm từ việc sử dụng rộng rãi cơ sở hạ tầng viễn thông 5G Huawei của Trung Quốc trên toàn khu vực, cho đến việc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất mua máy bay chiến đấu của Trung Quốc; Riyadh và Abu Dhabi hướng tới việc bán dầu cho Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ thay vì đồng đô la Mỹ.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian và Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, tổ chức một cuộc họp báo ở Riyadh, Ả Rập Xê-út, ngày 17/8/2023. (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir-Abdollahian và Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, tổ chức một cuộc họp báo ở Riyadh, Ả Rập Xê-út, ngày 17/8/2023. (Ảnh: Reuters)

Thỏa thuận hòa bình giữa Riyadh và Tehran cũng mở đường cho Ả Rập Xê-út có tiếng nói trong liên đoàn Ả Rập trong việc tiếp nhận Syria và khôi phục quan hệ ngoại giao và kinh tế, điều mà các thành viên NATO do Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu đã vận động rất mạnh mẽ để duy trì sự cô lập đối với Syria. 

Phần Lan gia nhập NATO

Vào ngày 4/4, Phần Lan chính thức gia nhập gia nhập NATO với tư cách là thành viên thứ 31 của liên minh, do quốc gia này có đường biên giới dài 1.340 km với Nga khiến đây trở thành một trong những sự gia nhập quan trọng nhất trong lịch sử của liên minh.

Phần Lan là quốc gia từng vận hành máy bay chiến đấu MiG-21 của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và có quan hệ chặt chẽ với Moskva, nhưng giờ đây đã góp phần làm tăng gấp đôi chiều dài biên giới NATO với Nga.

Lực lượng vũ trang Phần Lan dự kiến ​​sẽ củng cố năng lực chiến đấu của mình để trở thành một trong những lực lượng có năng lực nhất trong liên minh bằng cách mua máy bay chiến đấu F-35A từ Mỹ, hệ thống phòng không David's Sling của Israel cùng với nhiều tài sản khác.

Quân đội Phần Lan trong một cuộc diễn tập. (Ảnh: New York Times)

Quân đội Phần Lan trong một cuộc diễn tập. (Ảnh: New York Times)

F-35 được tối ưu hóa tốt để có khả năng mang vũ khí hạt nhân, bao gồm cả đầu đạn B61-13 mới được phát triển từ tháng 10/2023. Việc Phần Lan gia nhập và tương lai là Thụy Điển vào năm 2024, sẽ khiến tất cả các quốc gia Bắc Cực trừ Nga trở thành thành viên NATO, điều này sẽ gây thêm áp lực đáng kể lên hệ thống phòng thủ của Nga trong khu vực. 

Khinh khí cầu Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ bằng F-22 Raptor 

Vào ngày 4/2/2023, chiến đấu cơ thế hệ thứ năm F-22 Raptor đã được Không quân Mỹ triển khai và thực hiện nhiệm vụ không đối không đầu tiên. Máy bay cất cánh từ Căn cứ Không quân Langley ở Virginia để bắn hạ khinh khí cầu khí tượng của Trung Quốc trên Đại Tây Dương bằng tên lửa không đối không dẫn đường hồng ngoại AIM-9. Vụ việc đã gây ra một sự cố ngoại giao nhỏ và khiến Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken phải hủy chuyến thăm dự kiến ​​tới Bắc Kinh.

Hình ảnh minh họa F-22 Mỹ bắn hạ khí cầu thời tiết Trung Quốc. (Ảnh: The Drive)

Hình ảnh minh họa F-22 Mỹ bắn hạ khí cầu thời tiết Trung Quốc. (Ảnh: The Drive)

Chiến đấu cơ F-22 được thiết kế để chiến đấu không đối không trong điều kiện cường độ cao. Tuy nhiên thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh không có nhiều xung đột, dẫn đến Mỹ cắt giảm đáng kể chương trình sản xuất F-22, cũng như hủy bỏ nhiều tính năng nâng cấp đã được lên kế hoạch để giảm chi phí.

Vụ bắn hạ khinh khí cầu ở độ cao lớn như vậy cho thấy được khả năng hoạt động của F-22. Tuy nhiên các thuộc tính hiện đại của F-22 ngày càng kém xa so với F-35 và J-20 của Trung Quốc. Đây cũng là yếu tố chính dẫn đến quyết định bắt đầu ngừng sử dụng F-22 trước thời hạn của Không quân Mỹ.

Phương Tây vật lộn duy trì cam kết với đồng minh

Vào năm 2023 đã chứng minh những khó khăn ngày càng tăng của Mỹ trong việc tài trợ cho các lực lượng vũ trang của mình và các cam kết phòng thủ cho các đồng minh. Số liệu của Bộ Tài chính Mỹ công bố vào tuần cuối tháng 10 tiết lộ rằng, thâm hụt ngân sách của nước này đã tăng hơn gấp đôi, đạt 2,02 nghìn tỷ USD cho năm tài chính tính đến tháng 9/2023.

Hàng viện trợ của Phương Tây cho Ukraine. (Ảnh: CNN)

Hàng viện trợ của Phương Tây cho Ukraine. (Ảnh: CNN)

Khi thâm hụt ngân sách tiếp tục tăng cao hơn, các khoản thanh toán lãi hàng năm cho nợ sẽ vượt quá toàn bộ ngân sách của Lầu Năm Góc trước năm 2028. Những lo ngại về mức chi tiêu không phù hợp, cũng như sự thất bại trong các cuộc tấn công của Ukraine, là yếu tố chính thúc đẩy sự phản đối của Đảng Cộng hòa, vốn vẫn đang chặn khoản ngân sách viện trợ quân sự khẩn cấp 106 tỷ USD của Mỹ cho nước ngoài, (58% trong số này, tương đương 61,4 tỷ USD là được phân bổ cho Ukraine).

Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn do sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông gia tăng từ đầu tháng 10, cùng với tình hình tài chính khiến Quốc hội Mỹ không thể đồng ý phê duyệt nguồn tài trợ mới.

Việc đội vốn trong nghiên cứu và phát triển các chương trình vũ khí lớn đã khiến vị thế của Lầu Năm Góc càng trở nên khó khăn hơn. Đáng chú ý nhất trong đó là chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa xuyên lục địa LGM-35A Sentinel (một thành phần trong bộ ba hạt nhân răn đe của Mỹ).

Việc quyên góp tài sản cho Ukraine đã khiến kho vũ khí quân sự của phương Tây, đặc biệt là ở châu Âu cạn kiệt đến mức cực độ, một ví dụ là việc quân đội Anh tặng toàn bộ pháo tự hành có thể sử dụng được trong biên chế của họ. Trong trường hợp của Mỹ, các hệ thống phòng không trên mặt đất ngày càng bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là sau khi tăng cường triển khai các hệ thống Patriot và THAAD tới Trung Đông. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng ở Ukraine cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng chiến đấu của các đơn vị trên khắp tiền tuyến.

Lê Hưng(Nguồn: Military Watch)
Bình luận
vtcnews.vn