• Zalo

Ồ ạt luyện thi công chức: 'Màu mỡ thế, ai chẳng thích'

Thời sựThứ Bảy, 13/09/2014 06:26:00 +07:00Google News

(VTC News) – Chen nhau nộp hồ sơ thi công chức, ‘đặt gạch’ xếp hàng vào các lớp luyện thi công chức thuế... là những chuyện hết sức lạ lùng.

(VTC News) – Chen nhau nộp hồ sơ thi công chức ngành thuế, ‘đặt gạch’ xếp hàng vào các lớp luyện thi công chức là những hiện tượng lạ lùng, chỉ có ở Việt Nam.

Dư luận còn chưa hết xôn xao trước việc hàng ngàn người chen lấn, đội mưa thi nhau nộp hồ sơ thi công chức tại Cục thuế Hà Nội, mới đây thông tin nhiều lớp luyện thi công chức thuế được mở ra với học phí khá 'chát' nhưng vẫn nườm nượp người theo học... cho thấy ước mơ đỗ công chức, đặc biệt là công chức ngành thuế đang thường trực trong số đông người trẻ.

Vì sao lương thấp nhưng vẫn chen nhau thi vào công chức, thậm chí “chạy vào công chức không dưới 100 triệu” như khẳng định của một lãnh đạo vụ Hà Nội mới đây? 
 Mỏi mệt xếp hàng nộp hồ sơ thi công chức ngành thuế

Trả lời phỏng vấn VTC News, ĐBQH Bùi Thị An cho rằng nói lương công chức thấp là sai, vì thực chất chưa kể khoản này, khoản kia ở ngoài, lương cơ bản cũng cao hơn nhiều so với làm cho khu vực tư nhân.
“Màu mỡ thế, lại cứ 3 năm tăng lương một lần, chỉ có lên không có xuống, chỉ có vào không có ra, sao mà người ta chẳng thích”, bà An nói.

Bộ Nội vụ cần có ý kiến
- Hẳn bà cũng biết đến việc hàng ngàn người xếp hàng kín phố Giảng Võ chờ nộp hồ sơ thi công chức Cục thuế Hà Nội mới đây? Bà đánh giá như thế nào trước hiện tượng này?
Chuyện có nhiều hồ sơ nộp dự thi công chức vào Cục thuế đông như vậy trong khi chỉ tiêu thì ít, chứng tỏ
 ĐBQH Bùi Thị An
ngành thuế là một nơi quá hấp dẫn. 
Điều đó cũng tốt thôi, trên cơ sở nhiều hồ sơ, nếu ta lựa chọn đúng thì sẽ lựa chọn được nhiều người thực sự có tài, có đức vào ngành thuế, một ngành quan trọng của đất nước.
Nhưng vấn đề đặt ra là ngành thuế có gì mà hấp dẫn như thế? Ở đây có mấy vấn đề. Có thể một số người được đào tạo đúng ngành, họ say mê với nghề nghiệp thực sự. 
Cũng có thể bây giờ nhiều người cứ tư duy rằng nếu thi được vào được công chức rồi thì yên trí để cứ thế mà “rung đùi”, cứ thế mà đi lên. 
Hoặc, có thể khi nộp hồ sơ thi, có người đã biết trước rằng mình có cái gì đó đằng sau hỗ trợ nên họ dựa vào cái đó để họ dễ dàng thi và trúng tuyển…
- Sau khi có thông báo tuyển công chức, hiện đang có rất nhiều trung tâm luyện thi công chức ngành thuế được mở ra, người đứng lớp giảng dạy có cả nguyên phó tổng cục trưởng tổng cục thuế. Nhiều thí sinh ở các tỉnh cũng tìm mọi cách để vào ôn thi tại đây với chi phí khá tốn kém… Bà nhìn nhận chuyện này như thế nào?
Trong trường hợp này, ngành thuế cần rút kinh nghiệm, không nên để xảy ra tình trạng như thế, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.
Thi công chức mà lại có tổ chức lớp luyện thi công chức, đó là điều đó rất lạ. Luyện thi vào đại học là các kiến thức phổ thông thì khác. Nhưng thi công chức mà cũng có luyện thi thì lạ thật. Có lẽ Bộ Nội vụ nên có ý kiến rõ ràng về chuyện này. 
Riêng tôi, với tư cách cá nhân tôi thấy rằng điều này là quá lạ. Nên chấm dứt ngay chuyện đó càng sớm càng tốt.

- Dù sao những hiện tượng đó cho thấy một điều: ngành thuế đang thực sự rất hấp dẫn dù ai cũng nói ‘lương công chức thuế’ rất thấp, thưa bà?
Như tôi đã nói, có thể một số người do được đào tạo đúng ngành, say mê thực sự, muốn vào ngành thuế để làm việc hết mình. 
Nhưng cũng có một lý do khác nữa, đơn giản là người ta cho rằng, xưa nay được vào công chức, viên chức coi như vào rồi thì ít ra, lên rồi thì ít xuống. Cho nên việc thích vào công chức nó vốn là chuyện thường tình. Cái này không phải lỗi của riêng ngành thuế.
Gần đây, có lãnh đạo còn khẳng định, có đến 1/3 số người là công chức theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, làm việc không hiệu quả. Đó là thực tế đau xót.
Lâu nay do quy định không rõ ràng về tiêu chí, nhiệm vụ, chức năng, đặc biệt là không có sự giám sát thường xuyên, đánh giá hiệu quả công việc nên nhiều người không thấy lo lắng gì khi vào công chức, đổ xô, tìm mọi cách để thi vào. 
Việc đó tới đây phải khắc phục, nếu không thì sẽ liên tục xảy ra tình trạng bộ máy thì cồng kềnh mà cán bộ làm việc không hiệu quả.
Đua nhau vào công chức: Vì sao?

- Lương thấp, làm công chức tẻ nhạt, nhưng người ta vẫn tìm mọi cách để vào được, thậm chí có trường hợp lo lót mất cả đống tiền để vào. Theo bà, nghịch lý này do đâu?
Là vì xưa nay chúng ta không đánh giá rõ hiệu quả công việc của cán bộ công chức, cho nên khi đã vào được rồi, họ nghĩ làm việc kiểu gì, hiệu quả ra sao thì họ vẫn tồn tại. Cứ thế, túc tắc 3 năm một lần lên lương. Không cần phấn đấu gì thì vẫn tồn tại. Thi tuyển như vậy nhưng sa thải thì rất khó. Đã vào rồi khó ra, vào là yên vị, nên họ thích.
Hơn nữa, vào công chức rồi, tuy ít lương, nhưng có rất nhiều khoản khác. Nhỏ nhất là chuyện đóng bảo hiểm xã hội, đa số là nhà nước đóng cho rồi, chỉ mất có một phần nhỏ thôi…
Làm việc thì không cần căng thẳng, không tốn sức mà vẫn cứ đều đều đi lên, đều đều tăng lương, không giống như làm các doanh nghiệp tư nhân… 
Tôi nhắc lại, cũng là do việc đánh giá của mình không rõ, không phân biệt được người nào tài, không tài, người nào tốt, không tốt… Mọi sự cạnh tranh không gắt gao nên họ thích vào.

 

Vào công chức tuy ít lương, nhưng có rất nhiều khoản khác. Nhỏ nhất là chuyện đóng bảo hiểm, chủ yếu là nhà nước đóng cho rồi. Làm việc thì không cần căng thẳng, không tốn sức mà vẫn cứ đều đều đi lên, đều đều tăng lương.
 
Hơn nữa phải thẳng thắn thừa nhận, lương thì không cao, nhưng những cái khác cộng vào thì rất cao nên họ thích. 
Bảo lương công chức thấp, nhưng thử  so với một doanh nghiệp tư nhân thì cũng không phải là thấp. Nên cái chuyện người ta chọn vào thì là đương nhiên.
- Bà nghĩ sao trước hiện tượng vào công chức thường chỉ có “con ông cháu cha”, người ngoài dù giỏi cũng khó chen chân vào được?
Cái này hẳn liên quan đến chế độ chính sách ưu tiên cho con em cán bộ xưa nay ở nhiều cơ quan nhà nước vẫn thường có.
Tôi cho rằng, đối với cán bộ, chiến sỹ công tác ở Trường Sa, hải đảo thì rất nên có chính sách ưu tiên. Nhưng nhìn tổng thể thì phải bình đẳng như nhau. Nếu không có thì rất gay go. Cứ cái kiểu thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ là rất dở, làm cho lòng tin của dân vào cán bộ giảm sút là rất nguy hiểm.
Bây giờ để làm trong sạch cả các vấn đề đó là cả quá trình, nhưng vẫn phải làm. Nên bắt đầu từ các cán bộ cao cấp, cần gương mẫu. Người đứng đầu đơn vị mà có tầm, có tâm thì tất nhiên sẽ muốn xây dựng bộ máy của mình, những ê kíp làm việc, công tác viên phải có tài có đức. Chỉ những người đứng đầu đơn vị kém cỏi thì mới để cho chuyện chạy chọt xảy ra, để xây dựng một đội ngũ cán bộ kém hiệu quả.
Tất cả cũng là do chúng ta quy trách nhiệm không rõ. Chứ nếu quy trách nhiệm rõ theo kiểu, nếu làm tốt thì khen, làm kém, để cán bộ cấp dưới làm kém tôi kỷ luật anh trước thì không ai dám tuyển người kém vào làm việc.

Lan Uyên (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn