• Zalo

Nữ sinh lớp 9 vào vai Chủ tịch 'Quốc hội trẻ em' là ai?

Tin tức - Sự kiện Chủ Nhật, 10/09/2023 16:40:50 +07:00Google News

Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần đầu tiên được tổ chức tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, điều hành phiên họp là nữ "Chủ tịch" Đặng Cát Tiên.

Đặng Cát Tiên là học sinh lớp 9/3, Trường THCS Thái Nguyên, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Em sở hữu bảng thành tích học tập, rèn luyện đáng ngưỡng mộ: Giải Nhì cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc cấp quốc gia năm 2021; giải Ba tiếng Anh online dành cho cán bộ Chỉ huy Đội giỏi cấp tỉnh; giải Nhất Hội thi Học sinh giỏi tiếng Anh tại các trường; Giải thưởng Kim Đồng; Giải thưởng Chỉ huy Đội giỏi xuất sắc toàn quốc năm 2023; Danh hiệu Chỉ huy Đội xuất sắc tại Festival Liên hoan Nhà thiếu nhi toàn quốc năm 2022.

Bên cạnh đó, Cát Tiên còn đạt giải B cuộc thi vẽ tranh Tiến bước lên Đoàn; là gương mặt dẫn chương trình thân quen trong nhiều chương trình, hoạt động của trẻ em, giáo dục…

Đặng Cát Tiên, Chủ tịch "Quốc hội trẻ em" phát biểu tại phiên toàn thể. (Ảnh: Xuân Tùng)

Đặng Cát Tiên, Chủ tịch "Quốc hội trẻ em" phát biểu tại phiên toàn thể. (Ảnh: Xuân Tùng)

Nữ Chủ tịch “Quốc hội trẻ em” Đặng Cát Tiên chia sẻ, bản thân cảm thấy rất may mắn khi được tín nhiệm giao nhiệm vụ đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch Quốc hội trong Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I - năm 2023. Đây là một trải nghiệm vô cùng vinh dự, tự hào và quý giá của tuổi học trò.

Với sự tín nhiệm đó, Cát Tiên nỗ lực, cố gắng thực hiện thật tốt vai trò của mình, đáp lại những kỳ vọng của các anh, chị và các bác lãnh đạo đã quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện cho trẻ em được phát huy vai trò, nói lên tiếng nói của mình.

Đặng Cát Tiên. (Ảnh: Lưu Trinh)

Đặng Cát Tiên. (Ảnh: Lưu Trinh)

Cát Tiên chia sẻ, để đóng vai Chủ tịch Quốc hội, em đã tham khảo tìm hiểu rất kỹ lưỡng về các đường lối, quyết định, các chính sách, pháp của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành liên quan trẻ em.

Đồng thời, Cát Tiên chủ động nghiên cứu, hiểu biết sâu sắc hơn về tình hình trẻ em hiện tại, từ đó có thể đưa ra những nhận định, giải pháp nhằm giải đáp những thắc mắc của các đại biểu một cách hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của trẻ em trên cả nước.

Theo Cát Tiên, hai chủ đề được thảo luận tại Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em”: “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em” và “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" rất đáng quan tâm.

Bởi, thời gian qua có rất nhiều vụ việc liên quan đến an toàn mạng và tai nạn thương tích xảy ra đối với trẻ em. Chính vì thế phiên họp lần này tạo môi trường, cơ hội cho trẻ em nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề liên quan đến trẻ em.

Cát Tiên cho rằng, trước tình trạng nhiều hình ảnh, video trẻ bị xâm hại tràn lan trên không gian mạng, cần phải có giải pháp giúp trẻ em trang bị kỹ năng sống, tự bảo vệ, biết bảo vệ bản thân. Đặc biệt, trẻ em cần có kỹ năng tham gia môi trường mạng.

Nữ Chủ tịch "Quốc hội trẻ em" cho rằng cần có giải pháp giúp trẻ em trang bị kỹ năng sống, tự bảo vệ, biết bảo vệ bản thân.

Nữ Chủ tịch "Quốc hội trẻ em" cho rằng cần có giải pháp giúp trẻ em trang bị kỹ năng sống, tự bảo vệ, biết bảo vệ bản thân.

Cát Tiên đề xuất, Bộ GD&ĐT cần tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về an toàn trực tuyến cho trẻ em; tích hợp chương trình giảng dạy về an toàn trực tuyến vào giáo trình học đường để tạo ra một thế hệ trẻ thông thái, tự tin và biết sử dụng mạng an toàn.

“Chúng ta cần có các chính sách, quy định rõ ràng với từng lứa tuổi cũng như áp dụng các biện pháp xử lý không khoan nhượng đối với hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên không gian mạng”.

Dịp này, nữ Chủ tịch "Quốc hội trẻ em" Đặng Cát Tiên mong rằng Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cũng như lan rộng những nội dung, điều luật liên quan đến trẻ em để trẻ em nắm bắt kịp thời, chính xác và thực hiện quyền tham gia của mình một cách tốt nhất.

Từ ngày 9 - 10/9, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I, năm 2023, với sự tham gia 263 đại biểu trẻ em và 64 đại biểu phụ trách đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Chương trình nhằm thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hóa chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

(Nguồn: tienphong.vn)
Bình luận
vtcnews.vn