• Zalo

Những ngân hàng là chủ nợ của gần 2.000 tỷ đồng tại Tổng Công ty 36

Kinh tếThứ Tư, 28/12/2016 09:23:00 +07:00Google News

Các ngân hàng đang cho Tổng Công ty 36 vay hơn 1.937 tỷ đồng, trong đó vay dài hạn là gần 977 tỷ đồng, vay ngắn hạn là hơn 961 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính công ty mẹ quý 3/2016, đến hết ngày 30/9, Tổng Công ty 36 có khoản vay nợ dài hạn lên tới gần 977 tỷ đồng, vay ngắn hạn là hơn 961 tỷ đồng. Cùng đó là khoản nợ hơn 36 tỷ đồng từ vay cá nhân.

Az1

 Hầu hết các tài sản của Tổng Công ty 36 đã được thế chấp cho các khoản vay tại nhiều ngân hàng.

Trong các khoản vay dài hạn, hiện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam là chủ nợ lớn nhất với số tiền hơn 845 tỷ đồng. Tổng Công ty 36 cũng đang nợ Ngân hàng Phát triển Nhà Hà Nội khoản vay dài hạn hơn 137 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cũng đồng thời là chủ nợ của hai khoản vay ngắn hạn khác của Tổng Công ty 36 với số tiền gần 250 tỷ đồng. Ông chủ lớn nhất trong các khoản vay ngắn hạn của Tổng Công ty 36 là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng với số tiền hơn 329 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam đứng thứ hai với số tiền gần 309 tỷ đồng. Ngoài ra, chủ nợ của Tổng Công ty 36 còn có Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

Theo báo cáo tài chính riêng, các khoản vay ngắn hạn đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, tài sản thế chấp gồm toà nhà văn phòng tại 141 Hồ Đắc Di (Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội), toà nhà văn phòng chi nhánh tại 1075 Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội) và các tài sản khác.

Khoản vay với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, tài sản thế chấp là toàn bộ máy móc thiết bị thi công đã qua sử dụng của Tổng Công ty 36.

Khoản vay ngắn hạn với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, tài sản đảm bảo là máy móc thiết bị, phương tiện vận tải theo hợp đồng thế chấp tài sản trước đó. Ngoài ra, áp dụng biện pháp đảm bảo bổ sung là toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng thi công công trình do ngân hàng công thương cấp tín dụng.

Khoản vay ngắn hạn với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng, tài sản thế chấp là quyền đòi nợ hình thành trong tương lai, quyền đòi nợ đã hình thành từ các dự án, các hợp đồng được ngân hàng chấp thuận và bằng hàng hoá hình thành trong tương lai.

Khoản vay ngắn hạn với Ngân hàng TMCP Đông Nam Á cũng được đảm bảo bằng quyền đòi nợ hình thành trong tương lai và quyền đòi nợ đã hình thành từ các dự án, các hợp đồng do SeABank tài trợ.

Riêng các khoản vay cá nhân (23 hợp đồng) là vay tín chấp, thời hạn 36 tháng, lãi vay 6%/ năm.

Az2

 Các khoản vay của Tổng Công ty 36 theo báo cáo tài chính quý 3/2016.

Đáng nói, khoản vay với Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội đang phát sinh tranh chấp, đã ra toà và hai bên đang tiếp tục giải quyết ở cấp xét xử cao hơn.Ở khoản vay dài hạn, liên quan đến gói vay hơn 822 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, báo cáo tài chính riêng của Tổng Công ty 36 không cho biết rõ tài sản được đảm bảo là gì, chỉ ghi “quy định trong hợp đồng bảo đảm”.

Như VTC News đã đưa, ngày 26/12, 43 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty 36 chính thức giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị đăng ký giao dịch 430 tỷ đồng. Với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.500 đồng/CP, so thời điểm đấu giá thành công lần đầu hồi giữa tháng 4, giá trị vốn hoá thị trường G36 giảm khá nhiều.

Nguyên nhân có lẽ xuất phát từ hoạt động kinh doanh không mấy ấn tượng của G36 thời gian gần đây.

Cụ thể, cáo bạch tài chính tính tới thời điểm hết tháng 6 cho thấy, nửa đầu 2016 lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của G36 là âm 27,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế là âm 21,4 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2016 cũng cho thấy bức tranh ảm đạm trong hoạt động kinh doanh của G36. Tính chung, sau 9 tháng, G36 lỗ 24,3 tỷ đồng sau thuế. Nguyên nhân được cho là do chi phí tài chính vượt trội, 117,7 tỷ đồng.

Ngoài lợi nhuận âm, G36 đang đối mặt nhiều khoản nợ và hàng tồn kho lớn.

Hoà Bình
Bình luận
vtcnews.vn