• Zalo

Những điều đặc biệt về ứng viên GS, PGS năm 2022 ở vòng xét cuối cùng

Tin tức - Sự kiệnThứ Ba, 18/10/2022 14:52:14 +07:00Google News

Một số điều đặc biệt về danh sách 36 ứng viên GS và 358 ứng viên PGS năm 2022 vừa được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận.

1 ngành trắng ứng viên

Năm nay, ngành Tâm lý học không có ứng viên nào được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét công nhận tại Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Trước đó, ở ngành này có 1 ứng viên PGS được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét tại Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành. Tuy nhiên ở vòng xét của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành, ứng viên này đã bị loại. Do vậy, đây là ngành duy nhất không có ứng viên nào vào vòng cuối của năm nay.

9 ngành có 100% ứng viên được thông qua

9 ngành có 100% ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành thông qua ở vòng xét này.

Cụ thể, liên ngành Chăn nuôi – Thú y- Thuỷ Sản có 15 ứng viên; Ngành Cơ học 5 ứng viên; Ngành Dược 4 ứng viên; Ngành Khoa học An ninh có 18 ứng viên; Ngành Luật học có 6 ứng viên; Ngành Luyện kim có 1 ứng viên; Ngành Ngôn ngữ học có 2 ứng viên; Liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học có 2 ứng viên; Ngành Văn học có 3 ứng viên.

Những điều đặc biệt về ứng viên GS, PGS năm 2022 ở vòng xét cuối cùng - 1

Khoa học An ninh và Khoa học quân sự có bao nhiêu ứng viên?

Hai ngành Khoa học An ninh và Khoa học Quân sự không công khai ứng viên ở các vòng xét cũng như thông tin trên website của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Tuy nhiên, thông tin từ Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết đối với ngành Khoa học An ninh, ở vòng xét của Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét tại Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành 18 ứng viên, trong đó 1 ứng viên GS và 17 ứng viên GS. 100% ứng viên đã được Hội đồng Giáo sư ngành đề nghị xét tại Hội đồng Giáo sư Nhà nước.

Đối với ngành Khoa học Quân sự ở vòng xét của Hội đồng Giáo sư Cơ sở đề nghị xét tại Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành có 22 ứng viên, trong đó 22 người này đều là ứng viên PGS. 20 ứng viên đã được Hội đồng Giáo sư Ngành, liên ngành đề nghị xét tại Hội đồng Giáo sư Nhà nước, đạt tỉ lệ 91%.

Ngành Kinh tế dẫn đầu số lượng ứng viên

Ngành Kinh tế dẫn đầu số lượng ứng viên năm nay khi có 48 ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành đề nghị xét tại Hội đồng Giáo sư Nhà nước. Tiếp đến là liên ngành Hoá học - Công nghệ Thực phẩm với 44 ứng viên;  Y học đứng vị trí thứ 3 với 43 ứng viên. 

Một số ngành có số ứng viên rất ít như Luyện kim 1 ứng viên, Ngôn ngữ học 2 ứng viên; Văn học 3 ứng viên; Liên ngành Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học có 2 ứng viên.

Ứng viên già nhất và trẻ nhất

Không tính ngành Khoa học Quân sự và Khoa học An ninh (do không công khai thông tin), ứng viên GS lớn tuổi nhất là Nguyễn Văn Chính sinh 28/10/1956, ngành Sử học hiện công tác tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội.

Trong khi đó, ứng viên GS trẻ tuổi nhất năm nay sinh năm 1979 là Lê Văn Cảnh, sinh ngày 11/11/1979, ngành Cơ học hiện công tác tại Đại học Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM.

Ngoài ra, có 2 ứng viên cũng sinh năm 1979 là ứng viên Nguyễn Ngọc Minh, sinh ngày 5/1/1979, ngành Khoa học Trái đất, hiện công tác tại Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội; Ứng viên Chu Mạnh Hoàng, sinh ngày 13/7/1979, ngành Vật lý, hiện công tác Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đối với PGS, ứng viên trẻ nhất sinh năm 1989 là Đoàn Văn Trường sinh 14/4/1989, ngành Xã hội học, hiện công tác tại Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

Ngoài ra, có 2 ứng viên cũng sinh năm 1989 là ứng viên Phạm Minh Quân sinh ngày 5/4/1989, ngành Hóa học, hiện công tác tại Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Ứng viên Hoàng Thanh Tùng, sinh ngày 26/3/1989, ngành Sinh học, hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Những người nổi tiếng

Nhà ngoại giao Nguyễn Hồng Thao và Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy là 2 ứng viên nổi tiếng năm nay.

Ông Nguyễn Hồng Thao là ứng viên GS duy nhất của ngành Luật học. Ông Nguyễn Hồng Thao bảo vệ luận án tiến sỹ về luật biển tại ĐH Paris I Pantheon – Sorbone và có tác phẩm duy nhất đến nay về các vấn đề của luật biển Việt Nam được giải thưởng quốc tế.

Ông từng kinh qua các vị trí như Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Trưởng đoàn đàm phán các hiệp định biên giới với các nước láng giềng của Việt Nam, cố vấn pháp lý cho dự thảo Luật biển Việt Nam năm 2012, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Malaysia (2011-2014) và Đại sứ tại Kuwait (từ năm 2014).

Năm 2016, ông Nguyễn Hồng Thao đạt 120/191 phiếu và trúng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế. Năm 2021, PGS.TS. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tiếp tục tái đắc cử vào vị trí thành viên Ủy ban Luật quốc tế của Liên Hiệp Quốc (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027 với số phiếu 145/193, xếp thứ 4 trong số 11 ứng cử viên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau ứng cử viên Ấn Độ, Thái Lan và Nhật Bản. Ông Nguyễn Hồng Thao là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này là thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hiệp Quốc.

NSƯT Bùi Công Duy là ứng viên PGS ngành Nghệ thuật. Ông sinh năm 1981, từng đạt rất nhiều giải thưởng quốc tế lớn, trong đó có giải Nhất cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ năm 1997.

Bùi Công Duy tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ và nghiên cứu sinh tại nhạc viện Tchaikovsky (Nga) và là người nước ngoài đầu tiên trở thành thành viên của dàn nhạc dây danh tiếng trên thế giới Viourse Moscow. Ông đã tham gia 48 chương trình biểu diễn nghệ thuật trong và ngoài nước, huấn luyện học sinh, sinh viên đạt 23 giải thưởng quốc tế và 5 giải quốc gia.

Hiện nghệ sĩ Bùi Công Duy là Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ông cũng là Phó giám đốc trẻ nhất trong lịch sử 65 năm của Nhạc viện. 

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn