• Zalo

Người đàn ông ở Hà Nội bị lừa hơn 850 triệu đồng qua 'hỗ trợ' VNeID

Bản tin 113 Thứ Năm, 21/03/2024 07:40:39 +07:00Google News

Tin những kẻ lừa đảo là công an gọi điện để hỗ trợ căn cước công dân bị lỗi hệ thống, một người đàn ông ở Hà Nội bị lừa mất hơn 850 triệu đồng.

Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng và truyền thông có nhiều cảnh báo về việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội, về tội phạm công nghệ cao nhưng không ít người vẫn "sập bẫy" trước những chiêu trò tinh vi của bọn lừa đảo.

Nổi lên gần đây là phương thức lợi dụng việc lực lượng công an ra quân hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID, các đối tượng tạo các phần mềm giả mạo, sau đó giả danh công an yêu cầu người dân cài đặt để chiếm quyền điều khiển điện thoại di động rồi chiếm đoạt tài sản trong ứng dụng ngân hàng điện tử.

Một ngày bị lừa hơn 850 triệu

Mới đây nhất, khoảng 8h35 ngày 12/3, anh P.Đ.A trú tại chung cư Hà Nội Homeland (Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0982.474..., tự xưng là Tuấn - Công an Quận Long Biên đang ở phường Bồ Đề hỗ trợ căn cước công dân của một số người bị lỗi hệ thống.

Theo trí nhớ của anh Đ.A, trang web phần mềm có giao diện màu đỏ hình Quốc huy, bên trên ghi là dịch vụ công. (App: Dịch vụ công.apk)

Theo trí nhớ của anh Đ.A, trang web phần mềm có giao diện màu đỏ hình Quốc huy, bên trên ghi là dịch vụ công. (App: Dịch vụ công.apk)

Theo lời chia sẻ của anh Đ.A, người này tự xưng công an, yêu cầu anh đến phường Bồ Đề để được hỗ trợ, nhưng anh A. từ chối vì đã đi làm và hẹn lại sáng hôm sau sẽ trực tiếp đến.

“Đối tượng đồng ý và gửi cho tôi một tin nhắn với nội dung: “0981.193... số điện thoại chị Hồng, đội quản lý hành chính trên quận, anh lúc nào lên quận cập nhật lại căn cước công dân, em hẹn chị Hồng hỗ trợ anh nhé”, anh Đ.A nói.

Đến khoảng 18h cùng ngày, có số điện thoại 0981.193... gọi vào máy Đ.A, tự xưng là Hồng - Công an quận Long Biên. Người phụ nữ này yêu cầu anh Đ.A đến Công an phường Bồ Đề để được hỗ trợ xử lý thẻ căn cước đang bị lỗi hệ thống. Lúc này anh Đ.A hẹn sáng mai, vì đang đi làm xa, chưa về kịp.

Theo lời kể của nạn nhân, giọng điệu của người phụ nữ này rất gấp gáp, vì áp lực chỉ tiêu: "Người phụ nữ này đề nghị tôi update thông tin qua hệ thống phần mềm. Thao tác này được thực hiện từ xa”, anh Đ.A kể lại.

Do chưa được nghe về các thông tin cảnh báo lừa đảo mà các cơ quan truyền thông phổ biến nên anh Đ.A đồng ý.

Anh Đ.A cho biết, đầu tiên người phụ nữ này hướng dẫn anh vào Chrome, vào mục tìm kiếm tải một đường link dịch vụ công và anh làm theo các bước hướng dẫn, download rồi cài về máy, cấp quyền truy cập để được hỗ trợ xử lý thẻ căn cước. Theo trí nhớ của anh Đ.A, trang web phần mềm này có giao diện màu đỏ hình Quốc huy, bên trên ghi là dịch vụ công (App: Dịch vụ công.apk)

Theo anh Đ.A, quá trình này diễn ra trong khoảng 50 phút, giai đoạn cuối, anh Đ.A có cho app chụp lại mặt trước thẻ căn cước công dân và chuyển khoản 12.000 đồng vào số tài khoản Kho bạc quận Long Biên.

“Tôi kết thúc thao tác mà không biết mình bị lừa", anh Đ.A nói.

Đến 19h cùng ngày, anh Đ.A mở thẻ tài khoản ngân hàng thì phát hiện, tài khoản ngân hàng của mình có giao dịch tự chuyển đi hơn 20 triệu đồng vào số tài khoản khác.

Thấy bất thường, anh Đ.A vội vàng kiểm tra 3 tài khoản ngân hàng khác của mình thì phát hiện tiền trong các tài khoản trên điều bị chuyển sạch. Trong đó, có một tài khoản ngân hàng không truy cập vào được. Sau khi nhờ ngân hàng kiểm tra thì anh Đ.A mới “tá hoả” phát hiện, tài khoản đó đã bị hack và chạy trên một thiết bị khác.

Ngay tối hôm đó, anh Đ. A trình báo công an. Đến sáng 13/3, qua hệ thống các ngân hàng, nạn nhân nay mới biết mình đã bị lừa đảo gần 853 triệu đồng. Trong đó, khoảng 97% số tiền được chuyển đến số tài khoản một người tên Nguyễn Thoại Em.

Theo lời chia sẻ của anh Đ.A, số tiền anh bị lừa đảo là đặc biệt lớn, ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần và cuộc sống hiện tại của gia đình anh. Anh A. mong muốn cơ quan công an có biện pháp điều tra và truy vết, bắt giữ đối tượng trên, để cho những người dân như anh bớt đi nỗi lo.

“Tôi chia sẻ câu chuyện này lên đây với mong muốn sẽ không có thêm những nạn nhân tương tự. Tôi mong muốn ngân hàng là nơi chúng ta đã trao gửi niềm tin phải có trách nhiệm hơn, có sự chia sẻ và biện pháp an toàn, chắc chắn với tiền gửi của khách hàng.

Mong muốn các cơ quan an ninh sâu sát hơn nữa, điều tra nghiêm túc và có những biện pháp triệt để ngăn chặn hình thức tội phạm trên”, anh Đ.A bày tỏ.

Cơ quan công an không xử lý vụ việc qua điện thoại

Câu chuyện của anh Đ.A chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân khác, đang bị những kẻ lừa đảo lợi dụng sự phát triển của công nghệ để thực hiện các thao tác lừa đảo người dân với số tiền từ vài triệu cho đến vài tỷ đồng.

Trước thực trạng này, Bộ Công an đưa ra khuyến cáo: Người dân chỉ cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn chính thống trên App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android).

Người dân tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VNeID từ nguồn ngoài trên các trang web, kho ứng dụng không chính thống, từ các đường link lạ. Việc cập nhập sửa đổi thông tin công dân phải đến trực tiếp cơ quan công an.

Bộ Công an cũng chỉ đạo công an các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng nhà, gặp từng người để chính người dân hiểu đúng, hiểu rõ về VNeID.

Qua đó nâng cao ý thức cảnh giác, sớm nhận diện được các thủ đoạn lừa đảo giả danh cơ quan công an cài đặt và kích hoạt định danh điện tử.

Cơ quan công an cũng khuyến cáo, trường hợp công dân chưa cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID có thể đến cơ quan công an để được trực tiếp hướng dẫn; tuyệt đối không cung cấp thông tin, cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định trên điện thoại.

Nếu nhận được những cuộc gọi nghi vấn phải liên hệ cảnh sát khu vực hoặc cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn.

Nguyễn Hiền(VOV.VN)

Link: https://vov.vn/phap-luat/nguoi-dan-ong-o-ha-noi-bi-lua-hon-850-trieu-dong-qua-ho-tro-vneid-post1083722.vov

Bình luận
vtcnews.vn