(VTC News) – Sau nhiều đợt điều chỉnh giảm từ đầu năm nay, lãi suất không những không “nghỉ ngơi” mà còn tiếp tục đi xuống trong những ngày đầu tháng 10.
Liên tục điều chỉnh giảm
Từ đầu năm 2014, thị trường ngân hàng chứng kiến nhiều đợt giảm lãi suất của các nhà băng. Theo báo cáo kết quả hoạt động ngân hàng 9 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VND đã giảm 0,5-1,5%/năm so với cuối năm 2013.
Tại thời điểm cuối tháng 9, lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 6-7,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, kỳ hạn trên 12 tháng 7,3-7,8%/năm.
Không chỉ lãi suất của các khoản vay mới giảm, lãi suất của các khoản vay cũ tiếp tục được các tổ chức tín dụng tích cực điều chỉnh.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đến ngày 18/9/2014, dư nợ cho vay có lãi suất trên 15%/năm chiếm 4,25% tổng dư nợ cho vay, giảm so với tỷ trọng 6,3% cuối năm 2013; dư nợ có lãi suất trên 13%/năm chiếm 12,16% tổng dư nợ cho vay, giảm so với tỷ trọng 19,72% cuối năm 2013.
Lãi suất tiếp tục giảm |
Ngân hàng Nhà nước đánh giá động thái giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường tiền tệ.
Lãi suất huy động giảm khiến nguồn vốn cho vay trở nên rẻ hơn. Hiện nay, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-8%/năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức khoảng 9-10%/năm đối với ngắn hạn; 10,5-12%/năm đối với trung và dài hạn.
Theo Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả chỉ ở mức 6-7%/năm.
Dù lãi suất huy động giảm, dòng tiền vẫn chảy vào ngân hàng. Chị Lê Thanh Bình (Hai Bà Trưng – Hà Nội) khẳng định dù lãi suất có thấp hơn hiện tại thì chị vẫn gửi tiết kiệm vì các kênh đầu tư khác như chứng khoán hay bất động sản đều không an toàn như gửi tiết kiệm.
Nhiều người có cùng quan điểm với chị Lan nên 9 tháng qua, khi lãi suất giảm, tiền gửi tiết kiệm của người dân vẫn tăng. Cụ thể, huy động vốn tăng 11,01% (huy động bằng VND tăng 12,37%, huy động bằng ngoại tệ tăng 2,78%) so với cuối năm 2013
Giảm sâu thêm
Lãi suất đã giảm khá mạnh từ đầu năm nhưng Ngân hàng Nhà nước khẳng định vẫn tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay (kể cả các khoản cho vay cũ).
Đầu tháng 10, hàng loạt ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất. Trong đó, Vietcombank nhận được sự quan tâm lớn vì ngân hàng này thường xuyên “mở màn” cho những đợt giảm lãi suất trong hệ thống ngân hàng.
Cuối tháng 8, mức lãi suất tại Vietcombank là 4,8%/năm áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng. Tuy nhiên, từ tháng 10, lãi suất “sàn” được điều chỉnh xuống 4,5%/năm. Các kỳ hạn còn lại cũng giảm từ 0,2%/năm tới 0,3%/năm.
Từ 30/9, ACB cũng giảm lãi suất. Ở kỳ hạn 1 và 2 tháng, ACB áp dụng mức lãi suất 5,1%/năm thay vì 5,5%/năm như trước đây. Mức lãi suất cao nhất tại ACB là 7,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng. Trước đây, khách gửi tiết kiệm ở kỳ hạn này được trả lãi 7,4%/năm.
Nhanh tay hơn, từ 18/9, mức lãi suất thấp nhất tại Sacombank được điều chỉnh xuống còn 5%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, giảm 0,5% so với tháng 8. Tuy nhiên, mức lãi suất cao nhất vẫn được giữ nguyên ở mức 8%/năm áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng.
Techcombank cũng là một trong những ngân hàng “chạy đua” giảm lãi suất. Mức lãi suất huy động cao nhất tại ngân hàng này giảm từ 7,6%/năm xuống 7,3%/năm. Kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng có mức lãi suất là 5,24 – 5,48%/năm, giảm so với mức 5,3 – 5,58%/năm trước đó.
Bảo Linh
Bình luận