NASA đã kết hợp sức mạnh hai kính viễn vọng không gian hàng đầu của mình, Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) và Kính viễn vọng Không gian Hubble để tạo ra góc nhìn toàn diện, đầy màu sắc nhất về cụm thiên hà khổng lồ cách Trái Đất tới 4,3 tỷ năm ánh sáng.
Sử dụng 2 kính viễn vọng siêu mạnh để thăm dò cụm thiên hà khổng lồ có tên khoa học là MACS0416 ở bước sóng khác nhau, các thiết bị đã tìm thấy hàng loạt các ngôi sao khổng lồ, đủ hình thù, màu sắc khác nhau trong cụm thiên hà.
NASA cho biết, những màu sắc khác nhau biểu thị khoảng cách của các loại thiên hà nhỏ bên trong cụm thiên hà chủ. Trong bức ảnh, có nhiều thiên hà nhỏ màu xanh dương, màu đỏ xuất hiện rải rác xung quanh các đường ánh sáng vàng.
Các thiên hà màu xanh xuất hiện gần trung tâm cụm thiên hà khổng lồ MACS0416, nó cũng là nơi tập trung các hoạt động hình thành sao mãnh liệt nhất. Còn các thiên hà màu đỏ thì chứa nhiều bụi vũ trụ hơn, nó xuất hiện ở xa trung tâm cụm thiên hà chủ.
Đặc biệt, có một vật thể được phóng to trong bức ảnh mới, nó là một ngôi sao khổng lồ thon dài, màu đỏ hồng có biệt danh là "Mothra". Theo NASA, ngôi sao này được phóng đại lên ít nhất 4.000 lần để quan sát.
Haojing Yan, giáo sư thiên văn học tại Đại học Missouri và là tác giả chính của bài báo mô tả: “Chúng tôi gọi MACS0416 là Cụm thiên hà Cây Giáng sinh, vì nó rất sặc sỡ, chứa những khối sao sáng nhấp nháy bên trong nền cụm thiên hà”.
Ngoài ra, thông qua hai kính viễn vọng không gian hàng đầu của NASA, Giáo sư Haojing Yan cũng đã xác định được hơn một chục hiện tượng biến động quang phổ do siêu tân tinh trong cụm thiên hà gây ra, điều này cung cấp dữ liệu quan trọng để hiểu sâu sắc hơn về vũ trụ sơ khai, giúp giải quyết các câu hỏi về sự giãn nở, hình thành sao của vũ trụ.
Bình luận