Tờ Politico ngày 14/7 dẫn nguồn tin cho biết, các nước châu Âu vẫn chưa nhận được sự chấp thuận từ Washington về việc đào tạo phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất.
Nỗ lực của phương Tây trong việc giúp Kiev mua máy bay chiến đấu F-16 và đào tạo phi công lần đầu tiên được Anh và Hà Lan công bố vào giữa tháng 5. Đến nay, tổng cộng 11 quốc gia hỗ trợ sáng kiến này với một trung tâm đào tạo dự kiến sẽ được thành lập ở Romania.
Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa phê duyệt yêu cầu huấn luyện phi công láI F-16, cũng như chuyển giao thiết bị mô phỏng chuyến bay và các tài liệu cần thiết cho việc đào tạo.
Trong khi đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Garron Garn cho biết yêu cầu này của Ukraine “đang được xem xét”.
William LaPlante, người đứng đầu các chương trình mua sắm thiết bị quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho rằng Lầu Năm Góc cần thời gian để "chuẩn bị sẵn sàng các hướng dẫn kỹ thuật và các gói dữ liệu công nghệ cũng như kế hoạch duy trì” trước khi phê duyệt việc chuyển giao.
Trong những tháng gần đây, Ukraine nhiều lần yêu cầu các nước phương Tây viện trợ máy bay phản lực F-16, nhấn mạnh F-16 có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại sức mạnh không quân Nga.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết Kiev có thể triển khai những chiếc F-16 đầu tiên vào cuối tháng 3/2024.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, nếu những chiếc F-16 được gửi đến Ukraine, chúng sẽ "bị đốt cháy" như các khí tài khác mà phương Tây gửi cho Kiev. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov mô tả gói viện trợ F-16 cho Ukraine là một động thái leo thang căng thẳng và chúng có thể mang vũ khí hạt nhân.
Đầu tháng 6, các quan chức cấp cao Mỹ cho hay, sự hỗ trợ trong tương lai của Washington cho Kiev phụ thuộc vào kết quả của cuộc phản công được kỳ vọng của nước này.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết cuộc phản công đang diễn ra của Ukraine không đạt được kết quả lạc quan. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu, kể từ đầu cuộc xung đột, Kiev mất hơn 26.000 binh sĩ và khoảng 3.000 đơn vị thiết bị quân sự hạng nặng.
Trong khi đó, các quan chức Ukraine, bao gồm cả Tổng thống Vladimir Zelensky, đổ lỗi thất bại này là do viện trợ quân sự chậm trễ của phương Tây.
Bình luận