• Zalo

Một tuần theo chân những người bám trụ bảo vệ rừng ở Đắk Nông

Phóng sựThứ Năm, 29/08/2024 09:18:00 +07:00 Google News

Một tuần theo chân những người bảo vệ rừng ở Đắk Nông, cùng ăn suối, ngủ rừng với họ, tôi mới hiểu vì sao ngày càng ít người mặn mà với công việc giữ rừng.

Dù vậy, vẫn còn đó những người kiên trì bám trụ với công việc vất vả này bằng thái độ lạc quan. Thật đáng nể phục. Tôi ước có một phép màu để cuộc sống của họ tốt lên…

Áp lực bủa vây người giữ rừng

Sau bữa cơm trưa, tôi theo nhóm bảo vệ rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ vào rừng. Tính luôn tôi, nhóm có 8 người, trong đó có anh Nguyễn Xuân Khương, Giám đốc, anh Đỗ Thành Tâm, Phó giám đốc và 5 bảo vệ, lên 4 chiếc xe máy, phi vào rừng.

Sau khoảng 5km chạy xe máy, chúng tôi bắt đầu phải đi bộ. “Đây là đỉnh núi, giờ mình bỏ xe lại, đi bộ, xuống đến thung lũng, chỗ thấp nhất, cách đây chục cây số, là trời tối. Đường xuống dốc cao, nhưng giờ đang mùa khô, nên cũng đỡ, chứ mùa mưa chắc anh không đi nổi”, Đoàn Ngọc Trường Vỹ, Trạm trưởng trạm bảo vệ Lộc Ninh (tên một trạm bảo vệ rừng phòng hộ Thác Mơ, không phải địa danh Lộc Ninh), nói với tôi.

Phút nghỉ ngơi của lực lượng tuần tra rừng Khu bảo tồn Nâm Nung.

Phút nghỉ ngơi của lực lượng tuần tra rừng Khu bảo tồn Nâm Nung.

Khi màn đêm buông xuống, nhóm chúng tôi quây quần bên đống lửa, nhấm nháp ly rượu đế từ những chiếc ly làm từ đốt cây lồ ô. Về khuya, sương xuống kéo theo cái lạnh. “Anh đã bao giờ thưởng thức đặc sản cá suối, rau rừng, uống rượu bằng ly lồ ô giữa rừng đêm như thế này chưa? Đây là một trong những thứ làm cánh bảo vệ tụi tôi mê rừng”, anh Khương cười, hỏi tôi.

Theo trải lòng của những bảo vệ rừng, thì một trong số những áp lực gần như không thể giải quyết mà họ phải đối mặt hằng ngày, là gia đình, kinh tế.

Thu nhập của anh em phổ biến từ 5-8 triệu đồng/tháng, phải tằn tiện mới đủ xoay xở. Nếu có những việc đột xuất như hiếu hỉ, ốm đau… là phải vay mượn. Nếu so sánh thì thấy bất cập, chúng tôi là những người giữ “rừng vàng”, công việc vô cùng nặng nhọc, nguy hiểm, nhưng ngay cả lãnh đạo như tôi và anh Tâm mà lương không bằng 1 anh bảo vệ ngân hàng làm việc tháng 15 ngày. Ở đây, ai không phải “ăn trước trả sau” là may mắn lắm”, anh Khương nói.

Bữa trưa của lực lượng bảo vệ rừng Nam Tây Nguyên.

Bữa trưa của lực lượng bảo vệ rừng Nam Tây Nguyên. 

Đoàn Ngọc Trường Vỹ sinh năm 1985, quê Quảng Nam. Làm việc từ năm 2007, nhưng đến nay, tổng thu nhập của Vỹ cũng chỉ có 8 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, trừ các khoản chi phí ăn uống, xăng xe… hết gần 1 nửa, chưa tính các khoản phát sinh; còn lại đưa về cho vợ. Vỹ có 2 con gái, 12 và 9 tuổi. Nhà ở cách chỗ làm 40 cây số.

“Vợ em làm giáo viên mầm non cách nhà cũng mấy chục cây, sáng 6 giờ đi, chiều 6 giờ mới về đến nhà. 2 đứa nhỏ ở nhà phải tự lập từ nhỏ, nhiều lúc nghĩ thấy xót, mà không biết làm sao”, Vỹ tâm sự.

Lò Hoàng Thùy, dân tộc Thái, sinh năm 1983, nhân viên Trạm bảo vệ rừng Đăk Bor, cũng có cuộc sống khá chật vật. Vợ chồng anh có đến 3 con nhỏ, lương hơn 7 triệu.

Mỗi tháng, vừa lãnh lương xong là phải trả nợ 3 triệu cho quán tạp hóa. Sau đó lại mua sẵn gạo, mắm muối, sữa cho con, mang về nhà ăn cả tháng. Vì ăn trước trả sau, nên mỗi tháng em chỉ phụ vợ được khoảng 2 triệu”, Hoàng Thùy nói.

Những chàng trai yêu rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ trong đêm giữa rừng.

Những chàng trai yêu rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ trong đêm giữa rừng.

Điểu Nguyên, chàng trai người M’nông sinh năm 1991, nhân viên bảo vệ trạm Đắk Bor, thâm niên 12 năm giữ rừng, lương 7 triệu đồng, nhà ở tận Đắk Lắk, cách đây 160km.

Cách 2 tuần em mới được nghỉ 2 ngày về thăm nhà. Vợ em làm giáo viên, kinh tế không đến mức quá khó khăn. Em chỉ buồn là mình đi biền biệt, 2 đứa con quen cảnh vắng cha rồi, nên đi lâu không nhớ, về cũng không “bám” cha. Vợ cũng vậy, xa chồng riết quen, việc gì ở nhà cũng tự làm được, nên về nhà thấy mình như người thừa”, Nguyên tâm sự.

 Trăn trở

Dù tỉnh Đắk Nông chỉ còn lại những khoảnh rừng ít ỏi, nhưng công tác bảo vệ ngày càng nghiêm ngặt hơn, và cũng phải đối mặt với vô vàn khó khăn hằng ngày. Một trong số đó là sự bất ổn về nhân sự của lực lượng bảo vệ.

Do đặc thù công việc vất vả, hiểm nguy, trách nhiệm, trong khi chế độ đãi ngộ quá thấp, nên lực lượng bảo vệ rừng cứ “rơi rớt” dần. Có đơn vị chỉ còn 50% quân số. Đồng nghĩa, những người còn lại sẽ “gánh” diện tích của những người đã nghỉ, có khi gấp đôi, nhưng thu nhập không tăng.

Một con dốc phải vượt qua trên đường tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng Nam Tây Nguyên.

Một con dốc phải vượt qua trên đường tuần tra của lực lượng bảo vệ rừng Nam Tây Nguyên. 

Có lẽ, lý do chính khiến những người còn lạc quan, gắn bó với rừng, là yêu rừng. Nhưng, liệu tình yêu ấy có đủ sức tiếp tục giữ chân họ khi họ có cơ hội công việc tốt hơn? Hoặc một lúc nào đó, khi gia đình, con cái ngăn cản, níu kéo, liệu tình yêu rừng ấy có đủ mạnh để giữ bước chân họ?

Những ngày tiếp xúc với họ, tôi nhận ra, họ đã quen với cuộc sống thiếu đủ thứ trong rừng, quen với những vất vả rồi. Họ cũng đã lường trước, đã quen và sẵn sàng đối mặt với nguy hiểm như thiên tai, lũ quét, bệnh tật hay cả lâm tặc rồi.

Nhưng, có thể có một nguyên nhân rất bình thường khác, họ lại không thể vượt qua. Đó là gia đình, con cái. Nghe họ tâm sự, tôi mới biết, phần lớn những người nghỉ việc ở các đơn vị bảo vệ rừng Thác Mơ, Nâm Nung, hay Nam Tây Nguyên… là vì gia đình.

Và vượt suối mùa lũ.

Và vượt suối mùa lũ. 

Anh đi thực tế với chúng tôi vài ngày, đã cảm nhận nó vất vả thế nào. Thực ra, những thứ anh thấy đó, chúng tôi quen rồi. Nhưng, liên quan đến gia đình, thì không ai quen được. Ai cũng có gia đình, mình đi làm vì đam mê, vì việc chọn mình, và đi làm để chăm lo cho gia đình. Cho nên, nếu công việc khiến gia đình bất ổn, thu nhập thấp, vợ con thiếu thốn, trong khi mình cứ đi biền biệt, thấy day dứt, có lỗi với vợ con.

Đến khi người phụ nữ của mình ở nhà không thể tiếp tục chịu đựng thêm nữa, họ phải tìm cách thuyết phục chồng tìm công việc khác, chưa tính đến công việc đó mang lại thu nhập cao hơn, ít nhất là có nhiều thời gian gần gũi vợ con, chăm sóc gia đình. Và đó là nguyên nhân quan trọng nhất khiến người bảo vệ rừng quyết định bỏ rừng”.

Trong số các chủ rừng ở Đắk Nông tôi gặp, ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tây Nguyên, huyện Tuy Đức, là người có những chia sẻ khá sâu về những khó khăn, bất cập ở hiện tại và cả trong tương lai gần đối với các đơn vị lâm nghiệp nói chung.

“Khó khăn trong các đơn vị lâm nghiệp thì cơ bản như nhau, Nam Tây Nguyên cũng như các đơn vị khác, mỗi năm cũng có khoảng hơn chục người nghỉ việc, cũng nhiều người bị trục trặc vấn đề gia đình.

Đó là vấn đề mà đơn vị chủ rừng có thể giải quyết, chỉ cần có đối sách phù hợp. Còn khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách, thì chỉ có thể “kiến nghị” các cấp. Sắp tới, Nhà nước sẽ cho các tổ chức, doanh nghiệp lâm nghiệp thuê rừng sản xuất, đất rừng sản xuất để kinh doanh theo Luật Lâm nghiệp và Luật Đất đai. Nghĩa là những đơn vị chủ rừng như chúng tôi sẽ phải trả tiền thuê đất rừng để kinh doanh.

Theo luật, thì đơn vị sản xuất kinh doanh là người quyết định việc trồng cây gì, nuôi con gì, vì chúng tôi là người hiểu rõ nhất cần phải làm gì, làm thế nào để phát triển. Đó là vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp tư nhân hay Nhà nước.

Nhưng, ngay cả vấn đề này chúng tôi cũng không được tự quyết. Theo tôi, cơ chế chính sách về lâm nghiệp chưa phù hợp với đặc thù của loại hình lâm nghiệp nên chưa tạo được động lực phát triển, hạn chế quyền tự chủ trong tổ chức sản xuất kinh doanh của các công ty lâm nghiệp”, ông Bình nói.

Muốn có những con người hết lòng với rừng thì phải có lương bổng, chế độ đãi ngộ tương xứng. Đến thăm một hạt kiểm lâm, một chốt kiểm lâm trong rừng, tận mắt thấy cuộc sống của anh em bảo vệ, nhìn cơ sở vật chất của họ, thấy đau lòng. Còn quá nhiều khó khăn, công việc vất vả, thiếu thốn đủ thứ, trong khi thu nhập quá thấp.

Theo tôi, chưa cần đến Trung ương, mà ngay tại mỗi địa phương có rừng, có thể chủ động tìm giải pháp để cải thiện đời sống anh em bảo vệ. Ví dụ, huy động nguồn lực tại chỗ là những doanh nghiệp khai thác lâm sản, những tổ chức hưởng lợi từ rừng ở địa phương cùng góp sức chăm lo đời sống lực lượng trực tiếp bảo vệ rừng.

Bên cạnh đó, lực lượng bảo vệ rừng tự tổ chức làm thêm một số công việc như canh tác, trồng rau, nuôi trồng gia cầm dưới tán rừng. Đó là những việc nhỏ góp phần cải thiện phần nào đời sống lực lượng bảo vệ rừng”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói tại hội nghị trực tuyến về công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày 5/5/2024.

(Nguồn: Báo Nông Nghiệp)

Link: https://nongnghiep.vn/tran-tro-tu-nhung-chuyen-di-rung-d388973

Bình luận
vtcnews.vn