Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), quả khế chứa khoảng 60% cellulose, 27% hemicellulose và 13% pectin. Hàm lượng axit và thành phần dinh dưỡng của khế thay đổi theo độ chín.
Khế rất giàu chất chống oxy hóa như vitamin C, β-carotene và axit galic. Đây cũng là nguồn cung cấp nhiều khoáng chất quan trọng như magie, sắt, kẽm, mangan, kali và phốt pho. Đặc biệt, khế có hàm lượng calo thấp nhưng lại giàu chất xơ, giúp kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả.
Bên cạnh đó, quả khế chứa protein (0,5%), dầu (0,2%), carbohydrate (4,8%), đường toàn phần (3,5 - 11%), axit oxalic (1%) và nhiều loại vitamin quan trọng như A, C, B1, B2, PP.
Theo y học cổ truyền, khế vị chua, ngọt, tính bình, có tác dụng tiêu viêm, lợi tiểu, làm long đờm và tiết nước bọt. Khế không chỉ được sử dụng như một loại trái cây mà còn có thể chế biến thành nhiều bài thuốc đơn giản, dễ áp dụng trong đời sống.

Khế rất giàu chất chống oxy hóa. (Ảnh minh hoạ)
Một số bài thuốc dân gian từ quả khế
Trị ho, đau họng: Ép 100 - 150g khế tươi lấy nước uống trong 3 - 5 ngày.
Chữa tiểu tiện khó khăn: Sắc 7 quả khế (lấy 1/3 phần gần cuống) với 600ml nước, còn 300ml, uống khi ấm nóng. Kết hợp giã nát một quả khế với một củ tỏi, đắp lên rốn trong 3 - 5 ngày.
Trị cảm cúm (sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ thể): Nướng 3 quả khế, vắt lấy nước cốt hòa cùng 50ml rượu trắng, uống trong 3 ngày. Không nên uống khi quá no hoặc quá đói.
Một số bài thuốc phổ biến từ hoa khế
Chữa ho khan, ho có đờm: Dùng hoa khế (sao với nước gừng) 12g, cam thảo nam 12g, tía tô 10g, kinh giới 10g, gừng tươi 3 lát. Sắc 750ml nước còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Chữa cảm nắng: Giã 100g lá khế bánh tẻ tươi với 40g lá chanh, vắt lấy nước uống. Bã đắp lên thái dương và gan bàn chân.
Chữa dị ứng, mẩn ngứa: Uống nước sắc từ 20g lá khế tươi hoặc nấu nước tắm từ 30 - 50g lá khế.
Phòng bệnh sốt xuất huyết: Sắc lá khế 16g với sắn dây, lá dâu, lá tre, mã đề, sinh địa mỗi thứ 12g, uống hằng ngày trong mùa dịch sốt xuất huyết.
Lưu ý khi sử dụng khế
Dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng khế một cách tùy tiện. Những người có bệnh lý về thận cần đặc biệt cẩn trọng, vì khế chứa axit oxalic có thể gây hại cho thận nếu tiêu thụ quá nhiều.
Ngoài ra, một số loại thuốc có thể tương tác với thành phần trong khế, làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Vì vậy, trước khi dùng khế như một bài thuốc, người dân nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y học cổ truyền để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Khế không chỉ là loại trái cây thơm ngon, ít calo, giàu vitamin C, chất xơ và chất chống oxy hóa mà còn là một vị thuốc quý trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích và tránh các tác dụng phụ không mong muốn, cần sử dụng khế đúng cách và có sự tư vấn từ chuyên gia.
Bình luận