Truyền thông Trung Quốc dẫn thông tin từ Văn phòng kỹ thuật không gian Trung Quốc cho biết, các bộ phận của tên lửa Trường Chinh 5B rơi trở lại bầu khí quyển lúc 10h24 theo giờ Bắc Kinh (9h24 giờ sáng nay 9/5 giờ Việt Nam), và rơi xuống vị trí có tọa độ 72,47 kinh độ đông và 2,65 độ vĩ bắc.
Từ tọa độ này, điểm rơi được xác định là ở phía Tây quần đảo Maldives, CNA cho biết. Theo Văn phòng kỹ thuật không gian Trung Quốc, phần lớn các bộ phận của tên lửa đã bị phá hủy khi bay vào bầu khí quyển Trái đất.
Space-Track, dịch vụ giám sát hoạt động không gian dựa trên dữ liệu của quân đội Mỹ, cũng xác nhận các mảnh vỡ của tên lửa này đã rơi trở lại bầu khí quyển mà không gây nguy hiểm.
"Chúng tôi tin rằng tên lửa đã rơi xuống Ấn Độ Dương, nhưng đang chờ dữ liệu chính thức từ @18SPCS", Space-Track đăng dòng Tweet cho biết, đề cập đến một phi đội của Lực lượng Không gian Mỹ.
Trước đó, Quân đội Mỹ cho biết, họ đang theo dõi chặt chẽ quỹ đạo mảnh vỡ khổng lồ nặng 22 tấn, dài 30m và rộng 5m của tên lửa Trường Chinh 5B (có kích thước tương đương 1 toà nhà 10 tầng) và cho rằng nó sẽ gây ra mối đe dọa lớn khi rơi xuống Trái Đất.
Tên lửa Trường Chinh 5B Y2 được phóng ngày 29/4 để đưa module lõi của Trạm không gian Thiên Cung vào quỹ đạo. Đến ngày 5/5, nhiều phương tiện truyền thông quốc tế đưa tin, tầng lõi của tên lửa đang “rơi không kiểm soát” vào quỹ đạo Trái Đất.
Bình luận