Các nhà thiên văn lần đầu tiên phát hiện một hố đen đang bay qua không gian liên sao với tốc độ 5,6 triệu km/h (gấp 4.500 lần tốc độ âm thanh). Nếu ở trong Hệ Mặt Trời, hố đen này có thể di chuyển từ Trái Đất đến Mặt Trăng trong 14 phút, theo NASA.
Nhóm nghiên cứu phát hiện hố đen khi đang sử dụng kính viễn vọng không gian Hubble để quan sát thiên hà lùn RCP 28, cách Trái Đất khoảng 7,5 tỷ năm ánh sáng. Hố đen này có thể đã bị hai hố đen khác đẩy ra khỏi thiên hà quê hương và lang thang trong vùng liên sao.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí Astrophysical Journal Letters ngày 6/4 cho biết thay vì nuốt chửng các ngôi sao, hố đen lao nhanh và tạo ra một vệt sao giữa không gian dài hơn 200.000 năm ánh sáng. Vệt này hướng ra từ trung tâm của một thiên hà, nơi thường có một hố đen siêu khối lượng.
Các nhà nghiên cứu tin rằng khí có thể đang bị sốc và nóng lên từ chuyển động của hố đen, hoặc nó có thể là bức xạ từ một đĩa bồi tụ xung quanh hố đen.
“Chúng tôi nghĩ rằng mình đang chứng kiến một sự hình thành sau hố đen, nơi khí nguội đi và có thể hình thành các ngôi sao, Chúng tôi đang quan sát chặt chẽ sự hình thành sao theo sau hố đen”, Pieter van Dokkum, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Yale, cho biết.
“Tôi chỉ quét qua hình ảnh Hubble và nhận thấy có một vệt nhỏ. Tôi nghĩ rằng đó là một tia vũ trụ chiếu vào máy ảnh. Nhưng khi loại bỏ các tia vũ trụ, chúng tôi nhận ra vệt sáng vẫn còn đó. Nó không giống những gì chúng ta từng thấy trước đây”, ông nói thêm.
Nhận thấy sự kỳ lạ, van Dokkum và nhóm của ông đã thực hiện quan sát quang phổ với Đài thiên văn WM Keck ở Hawaii. Ông mô tả vệt sao là “khá đáng kinh ngạc, rất, rất sáng và rất bất thường”.
Các nhà nghiên cứu sẽ thực hiện các quan sát tiếp theo với Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA và Đài quan sát Tia X Chandra để xác nhận lời giải thích về hố đen.
Kính viễn vọng Không gian Nancy Grace Roman sắp tới của NASA sẽ cung cấp cái nhìn rõ ràng hơn về vũ trụ, có thể tìm thấy những vệt sao chưa từng có.
Bình luận