Tại chương trình diễn ra ngày 19/2, ông Taguchi Yoshinori, Giám đốc Ban Chính sách Thông tin, Hiệp hội Bán dẫn & Đổi mới Kỹ thuật số Kyushu (SIIQ) cho biết, mục tiêu của Chính phủ Nhật Bản trong Chiến lược ngành công nghiệp bán dẫn là tăng tổng doanh thu của các doanh nghiệp Nhật Bản từ 5.000 tỷ yên (33 tỷ USD) vào năm 2020 lên 15.000 tỷ yên (99 tỷ USD) vào năm 2030.

Nhật Bản - Việt Nam thảo luận hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn. (Ảnh: Minh Hoàn)
Chia sẻ tại “Chương trình kết nối hợp tác bán dẫn Việt Nam - Nhật Bản”, ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) - cho biết, Việt Nam đã hình thành được một hệ sinh thái bán dẫn có quy mô lớn trong khu vực với sự tham gia của NVIDIA, Qualcomm, Intel, Amkor, Hana Micron, LAM Research, Marvell, Qorvo, Ampere, Infineon và rất nhiều doanh nghiệp công nghệ cao trong ngành điện tử.
Nhật Bản cũng có sự hiện diện đáng kể của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn, ví dụ như Renesas đang đặt cứ điểm nghiên cứu và phát triển lớn nhất thế giới tại Việt Nam với gần 1.500 kỹ sư. Mối quan hệ hợp tác này sẽ giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu và giúp vùng Kyushu tiếp tục phát huy vai trò là Đảo Silicon của Nhật Bản, qua đó giúp Nhật Bản phát triển, tăng cường vị thế trong ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Cũng tại chương trình, ông Nguyễn Vinh Quang - Sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) - đề xuất sáng kiến thành lập 2 liên minh để hiện thực hóa và đẩy mạnh mối quan hệ giữa Việt Nam – Nhật Bản trong lĩnh vực bán dẫn. Liên minh số 1 là liên minh Giáo dục, tập trung vào việc thúc đẩy đào tạo nhân lực bán dẫn chất lượng cao cho cả 2 quốc gia; Liên minh số 2 là liên minh Chuỗi sản xuất để đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, đồng thời phát triển công nghệ và làm từng bước tham gia sâu vào chuỗi giá trị bán dẫn cho cả Việt Nam và Nhật Bản.
Chính phủ Nhật Bản đang quyết tâm “tìm lại ánh hào quang” về công nghiệp bán dẫn, vực dậy vùng Kyushu - thủ phủ về điện tử và bán dẫn của Nhật Bản, với việc thu hút, đầu tư 108 dự án với tổng giá trị khoảng 31 tỷ USD, trong đó có 2 dự án nhà máy sản xuất chip tỷ USD của Tập đoàn TSMC, số 1 thế giới về sản xuất chip.
Với mục tiêu đó, Đoàn “Tổ hợp liên danh phát triển nguồn nhân lực bán dẫn Kyushu” của Nhật Bản gồm Cục Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Kyushu, các doanh nghiệp Tera Probe, Nisso, World Intec, Viện Công nghệ Fukuoka, Viện Công nghệ Quốc gia (KOSEN), Hiệp hội Bán dẫn và Đổi mới kỹ thuật số Kyushu (SIIQ) có nhu cầu hợp tác với Việt Nam về bán dẫn, đặc biệt là về nguồn nhân lực.
Trong triển khai Chiến lược ngành công nghiệp bán dẫn, Chính phủ Nhật Bản chia ra 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là đảm bảo nền tảng sản xuất chất bán dẫn tiên tiến phục vụ AI (Trí tuệ nhân tạo) và IoT (Internet vạn vật). Giai đoạn 2 là tăng cường liên kết với Mỹ nghiên cứu công nghệ bán dẫn thế hệ tiếp theo và làm chủ công nghệ trong nước. Giai đoạn 3 là liên kết toàn cầu đẩy nhanh hiện thực hóa và triển khai công nghệ tương lai như là công nghệ hợp nhất quang điện.
Vùng Kyushu (được mệnh danh là Đảo Silicon), là thủ phủ về điện tử và bán dẫn của Nhật Bản, cần một lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, theo khảo sát, tình trạng thiếu nhân lực ngành bán dẫn ở Kyushu dự kiến khoảng 1.000 người /năm. Trong đó, các ngành nghề chính sẽ thiếu hụt ngày càng nhiều là thợ vận hành và kỹ sư sản xuất trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Riêng ngành nghiên cứu và phát triển bán dẫn sẽ thiếu hụt trong ngắn hạn.
Bình luận