Từ khi vào lớp 10, Nguyễn Khôi Nguyên (SN 2007, Trà Vinh) đã xác định vào đại học bằng hình thức xét học bạ. Được nhiều học sinh khoá trên tư vấn hình thức này dễ trúng tuyển đại học hơn, Nguyên đã lên kế hoạch học tập bài bản để sở hữu học bạ đẹp với số điểm các môn cao chót vót.
Nguyên có nguyện vọng trở thành sinh viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM nhưng mới đây, trường này thông báo từ 2025 sẽ không tuyển sinh theo hình thức xét học bạ. Thông tin này khiến Nguyên hụt hẫng, bồn chồn.

Nhiều thí sinh hụt hẫng vì trường đại học bỏ xét học bạ. (Ảnh minh họa)
Theo dõi các kỳ tuyển sinh trước, Nguyên cho hay để vào trường Đại học Sư phạm TP.HCM bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp rất khó. Đặc biệt, ngành sư phạm Lịch sử mà Nguyên muốn theo đuổi không chỉ lấy điểm đầu vào cao (28,6 điểm năm 2024) mà còn có tỷ lệ cạnh tranh gần như lớn nhất trong tất cả các ngành.
Do đó Nguyên cho rằng, xét học bạ là phương án "an toàn". Với sự đầu tư, cố gắng trong 3 năm học, Nguyên khá tự tin vào học bạ của mình. "Trường bỏ xét học bạ chắc em cũng phải tính phương án khác", Nguyên bày tỏ sự lo lắng. Vì dù là học sinh giỏi nhưng Nguyên không nắm chắc "phần thắng" khi xét tuyển vào trường Đại học Sư phạm TP.HCM bằng phương thức khác.
Cũng có chung sự hút hẫng, Trần Bảo Ngọc Châu (SN 2007, Hà Nội) cho biết từ năm 2025, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng không tuyển sinh theo hình thức xét học bạ. "Từ trước đến nay em vẫn đinh ninh trường xét học bạ nhưng trường đã bỏ hoàn toàn các phương thức liên quan đến kết quả học tập 3 năm cấp 3", Châu nói.
Đại học Kinh tế Quốc dân là ngôi trường được đánh giá cao, lượng thí sinh mỗi năm đều lớn, do đó để cạnh tranh có 1 suất vào trường không phải điều đơn giản. Muốn trở thành sinh viên trường này giờ đây chỉ còn ba lựa chọn: xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp hoặc xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Tuy nhiên Châu không có giải học sinh giỏi và chứng chỉ ngoại ngữ nên không thể xét theo hai phương thức đầu. "Nếu giờ mới học để thi chứng chỉ tiếng Anh thì tốn kém quá", Châu nói và cho hay sẽ chăm chỉ ôn thi để có đểm tốt nghiệp cao vì đây là con đường duy nhất nữ sinh này có thể chọn lựa.
Ngoài trường Đại học Sư phạm TP.HCM, trường Đại học Kinh tế Quốc, nhiều trường khác cũng bỏ phương thức xét tuyển học bạ từ năm sau.
Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết năm 2025 vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhiều năm nay, trường không xét tuyển riêng bằng kết quả học bạ. Từ năm 2022 trở về trước, trường cũng chỉ dùng điểm học bạ là điều kiện khi tuyển sinh theo các phương thức khác. Tuy nhiên hiện tại trường đã bỏ yêu cầu này.
Trường Đại học Y Hà Nội, trường Đại học Luật TP.HCM cũng không xét tuyển bằng học bạ vì lo ngại thiếu công bằng cho các thì sinh vì quy chuẩn thi và tính điểm ở mỗi trường THPT là khác nhau.
Một số chuyên gia khuyến nghị nên bỏ tuyển sinh dựa vào học bạ vì đây là hình thức tuyển sinh sớm, sinh ra nhiều hệ luỵ.
PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết đa số các trường xét tuyển sớm đều vào thời điểm học sinh lớp 12 còn chưa kết thúc chương trình THPT, điều này không hợp lý.
"Chưa kể trong công tác tuyển sinh, có những trường yêu cầu thí sinh phải đặt nguyện vọng xét tuyển sớm lên đầu trong thứ tự nguyện vọng đăng ký lên hệ thống. Việc này vừa không công bằng giữa các cơ sở đào tạo vừa làm mất cơ hội của thí sinh", PGS.TS Phúc nói.
Thầy Đinh Xuân Phúc (Giảng viên Trung tâm Toán học Mathfun) khuyên học sinh không nên "đặt cược" vào một hình thức xét tuyển nào bởi điều này sẽ khiến các em tự giới hạn cơ hội của mình.
Việc chỉ chăm chăm vào một phương thức duy nhất mang đến nhiều rủi ro vì mỗi năm, quy chế tuyển sinh của mỗi trường đều có sự thay đổi chưa kể những biến động trong kỳ thi tốt nghiệp. "Do đó các em nên học thật thi thật và linh hoạt với các hình thức xét tuyển", thầy Phúc nói.
Bình luận (17)
Bỏ xét tuyển đại học thực sự là 1 quyết định đúng đắn và đảm bảo công bằng hơn, giảm tiêu cực trong giáo dục và các trường đại học cũng có những sinh viên chất lượng thực sự. Những bạn thực tế học lực chưa tốt, chưa đẹp như chất lượng học bạ sẽ nhường chỗ cho những bạn giỏi thực lực từ đó tạo ra xh công bằng hơn, văn minh và phát triển hơn.
Xét học bạ chỉ là cái cớ để moi tiền những người muốn mang danh học đại học nhưng điểm lại thấp. Trong khi đó ai dám đảm bảo rằng ko có tiêu cực của nhà trường trong quá trình tạo học bạ cho học sinh. Đặc biệt là thầy cô Việt hay có tình thương đối với học sinh, ai cũng mong học sinh mình dạy đỗ đại học. Những trường đại học biết rõ tâm lý này của sinh viên, phụ huynh, giáo viên nên mới bày ra chiêu này. Tâm lý phụ huynh lại cứ muốn con em mình học đại học nên sẵng sàng bỏ tiền ra mặc dù học phí đại học xét học bạ ở nhiều trường mắc hơn rất nhiều so với những người xét bằng điểm thi. Một lý do nữa là giữa một người đóng gần 30-40tr/năm vs một người chỉ đóng khoảng 15tr/năm mà chương trình học cũng xem xem nhau thì bạn sẽ chọn ai. Điển hình là HUTECH (TPHCM). Chung quy lại chỉ có điểm cao mới có quyền được lựa chọn, còn thấp mà muốn có trường đại học để làm bến đỗ thì phải chấp nhận cuộc chơi của trường đó. Cái gì cũng có cái giá của nó. Họa may ra vào đc thì nên cố gắng học hành để đạt kết quả tốt.
Phải tham khảo thông tin, ý kiến từ nhiều người có kinh nghiệm, đặc biệt giáo viên chứ chỉ nghe từ 1 phía rồi làm theo thì sao trách được. Phương thức xét tuyển trong giai đoạn này đang chưa ổn định mà chỉ nghe 1 phía thế thì không tốt. Với lại còn rất nhiều phương thức khác mà, vào SP có thể tham khảo đánh giá chuyên biệt, nếu tự tin kiến thức thì ĐGCB còn có tỉ lệ cao hơn học bạ.
Bỏ xét học bạ là đúng rồi, hậu quả vài năm qua thì ai cũng thấy thôi. Lạm phát điểm dẫn đến chất lượng sinh viên các trường sụt giảm. Nếu là các bạn có thành tích tốt, chăm mà lúc thi gặp vấn đề gì đó thì đó là tấm vé thứ 2 cho các bạn thì quá tốt. Nhưng đó là hsg chứ lúc mình còn đi học thì mình đã được 1 vài bạn kể lại là có thể sửa điểm lại, kể cả điểm lớp 10 11. Thầy cô thì tùy người sẽ thương trò của mình nên cũng để điểm quá trình cao chót vót. Nên lúc đó không biết học bạ các bạn đẹp do sao thì mình không biết.
Những môn không thì ĐH mà muốn điểm cao, học bạ đẹp thì cũng phải học thêm nếu không thì sẽ chẳng bao giờ có học bạ đệp.
Rất hiểu tâm lý hụt hẫng của các con nhưng việc bỏ xét học bạ là quá chuẩn, tránh những tiêu cực
Việc dừng xét học bạ đúng ra là bộ GD cấm hẳn cái trò mèo này. Nhiều học sinh học rất ngu và rất dốt nhưng sinh sống tại đia phương có bố mẹ quan hệ ngoại giao tốt, có bố mẹ làm trong nghành giáo dục, có bố mẹ là con ông cháu cha ....... học bạ đều cao chót vót, dẫn đếm một xã hội không công bằng và rất nhiều hệ lụy cho mai sau. Bỏ ngay ,!, dừng ngay , ! và cấm ngay cái hình thức này.