• Zalo

Học trực tuyến quá dài, học sinh lo thiếu kiến thức trước kỳ thi vào lớp 10

Diễn đànThứ Bảy, 08/01/2022 07:16:39 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều phụ huynh và học sinh lớp 9 ở Hà Nội cảm thấy hoang mang vì các em vẫn phải học trực tuyến trong khi kỳ thi chuyển cấp vào lớp 10 đang đến rất gần.

Kỳ thi đặc biệt vào lớp 10 ở Hà Nội năm học 2020 – 2021 diễn trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên địa bàn. Dù kỳ thi diễn ra thành công nhưng phụ huynh và thầy cô giáo đều cảm nhận được sự vất vả của học sinh. Việc chuyển sang học trực tuyến ngay sát thời gian thi là sự bất lợi, thiệt thòi cả kiến thức lẫn tâm lý cho các em khi đây chính là “thời điểm vàng” cho quá trình ôn tập.

Năm nay, dường như áp lực ôn thi chuyển cấp lại nặng hơn khi gần bước sang học kỳ II nhưng học sinh lớp 9 vẫn phải học trực tuyến. Cả phụ huynh và học sinh đều hoang mang, lo lắng, nếu tình hình dịch bệnh và học online tiếp tục kéo dài, nhiều em học sinh sẽ bị thiếu hụt kiến thức thi vào 10.

Học trực tuyến quá dài, học sinh lo thiếu kiến thức trước kỳ thi vào lớp 10 - 1

Hiện nay, học sinh lớp 9 vẫn đang bước vào học kỳ 2 bằng hình thức học trực tuyến với áp lực từ chính kiến thức, dịch bệnh và kỳ thi chuyển cấp.

Áp lực ôn thi chuyển cấp

Có con đang học lớp 9, anh Đỗ Xuân Thuần (Tây Hồ, Hà Nội) vô cùng lo lắng khi năm nay dịch bệnh bùng phát, con gái anh phải chuyển sang học trực tuyến từ đầu năm tới nay, nếu không được khái quát kiến thức trọng tâm, việc ôn thi sắp tới sẽ vô cùng vất vả: “Tôi bám sát việc học và ôn tập cùng con nhưng có vẻ việc học online không hiệu quả bởi lớp học đông, các thầy cô còn gặp khó khăn khi quản lý lớp nên giải đáp thắc mắc cho từng học sinh là điều không thể.

Học trực tuyến lâu ngày khiến các con dễ rơi vào tình trạng mệt mỏi, mất tập trung, thiếu động lực học tập, từ đó dẫn đến thiếu hụt kiến thức, kỹ năng”, anh Thuần cho hay.

Em Nguyễn Hải Yến (Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội) cùng thừa nhận bản thân khó theo kịp với các bài giảng trên lớp của các thầy cô. Với mục tiêu thi vào trường chuyên, Yến đã cố gắng rất nhiều trong quá trình học tập: “Ngoài học trực tuyến, em đều dành thời gian để ôn tập các kiến thức cơ bản. Tuy nhiên nhìn vào máy tính cả ngày cũng như tình hình dịch bệnh không thể ra ngoài gặp các bạn khiến em cũng khá căng thẳng. Hiện tại em cũng chỉ mong được quay trở lại trường để kịp ôn tập, chuẩn bị cho kì thi sắp tới”.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm áp lực cho học sinh phải giảm tải thi cử. Khi các  em vẫn phải lo thi 4 môn thì dù có giảm tải chương trình học thì học sinh vẫn buộc phải học đủ kiến thức theo chương trình mới có thể thi được.

Học trực tuyến cái gì cũng biết nhưng lại không biết gì

“Bản thân nhà trường cùng các thầy cô đều vô cùng lo lắng”, cô Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng trường THCS Thăng Long, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ khi được hỏi về việc ôn thi chuyển cấp cho các em học sinh lớp 9.

“Các em học sinh đang chịu khá nhiều áp lực khi phải vừa theo kịp kiến thức trên lớp vừa phải ôn thi chuyển cấp. Ngoài những giờ học chính, các thầy cô cũng giành 1 tuần 2 buổi để ôn tập và tổng hợp kiến thức, đặc biệt với 3 môn Toán, Văn, Anh. Nhà trường cũng nhận được rất nhiều phản ánh của phụ huynh về việc học trực tuyến khiến các con không theo kịp, tinh thần học tập bị ảnh hưởng nặng nề”, cô Hà cho biết.

Học trực tuyến quá dài, học sinh lo thiếu kiến thức trước kỳ thi vào lớp 10 - 2

Học trực tuyến áp lực với cả thầy và trò. (Ảnh minh họa)

Theo cô Hà, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, học online là giải pháp duy nhất, việc phải thi 4 môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trở thành áp lực rất lớn với học sinh. Bên cạnh đó, kỳ thi chuyển cấp thường có tỷ lệ chọi rất cao. Nhà trường cũng giúp các em ôn tập và phân bổ thời gian phù hợp với từng môn học, khuyến khích sự tương tác với thầy cô và bạn bè trong suốt quá trình học trực tuyến.

Nhiều giáo viên dạy lớp 9 cho rằng, học trực tuyến học sinh rơi vào tình trạng cái gì cũng biết nhưng thực tế lại không biết cái gì. Khi cô giáo giảng, các em nghe thấy rất hiểu, rất quen. Lúc cô giáo hỏi các em đều trả lời được nhưng đó là văn nói, các cô không không rèn được kỹ năng trình bày bài.

Cô Vũ Ái Vân, giáo viên dạy Toán trường THCS Gia Thuỵ (Long Biên) chia sẻ: “Bây giờ còn có hiện tượng học sinh không ghi bài mà ghi âm bài giảng rồi chỉ nghe lại, không viết bài. Vì vậy kỹ năng trình bày bài càng đi xuống”.

Cho đến hiện tại, Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn chưa tổng kết học kỳ và cũng chưa đưa ra định hướng cụ thể việc ôn và thi chuyển cấp đối với học sinh lớp 9. Lãnh đạo Sở GD-ĐT vẫn khẳng định, dù tình hình dịch trên địa bàn diễn biến phức tạp nhưng mọi thứ vẫn đang diễn ra bình thường, kể cả học và ôn tập cho học sinh lớp 9.

Phụ huynh, học sinh và cả giáo viên đều vô cùng lo lắng khi số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội tiếp tục leo thang đến hàng nghìn ca mỗi ngày, hiện học sinh vẫn đang bước vào học kỳ 2 bằng hình thức học trực tuyến với áp lực từ chính kiến thức, dịch bệnh và kỳ thi chuyển cấp.

Mai Trang(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn