• Zalo

Giáo viên: Học sinh hư, lực học kém sao lại đổ lỗi cho thầy cô?

Diễn đànThứ Sáu, 15/09/2023 11:09:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Áp lực bủa vây, lại phải kiêm nhiệm quá nhiều việc khiến thầy cô giáo ám ảnh với công tác chủ nhiệm.

Cô Đặng Thúy, 28 tuổi, giáo viên Ngữ văn tại một trường cấp 2 ở Hà Nội đánh giá, giáo viên chủ nhiệm bận "trăm công nghìn việc", bị bủa vây bởi muôn vàn áp lực. "Dù công tác ở trường công lập hay trường tư thục thì giáo viên chủ nhiệm cũng rất căng thẳng, vất vả", cô nói.

Giáo viên chủ nhiệm kiêm "bảo mẫu"

Theo cô Thuý, giáo viên giảng dạy bình thường thì đến tiết lên lớp, hết tiết ra về mà không phải "gánh" thêm áp lực làm chủ nhiệm. Trong khi giáo viên chủ nhiệm không khác gì "bảo mẫu", vì không phải học sinh nào cũng ngoan ngoãn và nghe lời, nhiều em vẫn vi phạm, gây gổ đánh nhau dù thầy cô đã nhắc nhở nhiều lần. 

Điều đáng nói, con cái gây chuyện, phụ huynh lại chất vấn giáo viên chủ nhiệm. Thậm chí, một số bậc cha mẹ trước đó thừa nhận "con chưa ngoan" nhưng sau đó lại quay ngoắt đổ lỗi vì "thầy cô chưa sát sao uốn nắn".

Nhiều thầy cô áp lực vì công tác chủ nhiệm. (Ảnh min họa: Đặng Thúy)

Nhiều thầy cô áp lực vì công tác chủ nhiệm. (Ảnh min họa: Đặng Thúy)

"Nhiều em học sinh ngỗ ngược, trốn học, lực học kém... phụ huynh vẫn bảo vệ con bằng câu nói 'con tôi ở nhà rất ngoan', rồi đổ trách nhiệm cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm", cô Thúy thở dài và kể thêm, một số người không giữ được bình tĩnh còn lên trường để mắng chửi, dọa nạt giáo viên chủ nhiệm.

Một lớp hơn 30 em học sinh đang trong độ tuổi "nổi loạn" nên việc giải quyết các vấn đề phát sinh mẫu thuẫn cũng khiến giáo viên "đau đầu". 

Ngoài ra, học sinh đôi khi cũng chơi theo nhóm, "chia bè kết cánh", giáo viên dù có sâu sát đến đâu cũng khó kiểm soát, bao quát tất cả các em được.

"Làm chủ nhiệm không chỉ áp lực công việc, học sinh, phụ huynh mà đôi khi còn bị dư luận xã hội lên án", cô kể và đưa ra ví dụ, học sinh đánh nhau thì thầy cô sẽ bị chỉ trích là thiếu gần gũi, không quan tâm đến học trò. Có những việc bé xé ra to, thầy cô áp lực tâm lý nặng nề. 

Kiêm nhiệm "trăm công nghìn việc"

14 năm trong ngành giáo dục, cô Lê Linh (37 tuổi) làm công tác chủ nhiệm đến 10 năm, đang giảng dạy tại một trường THCS ở ngoại thành Hà Nội. Với cô Linh, giáo viên chủ nhiệm muốn hoàn thành nhiệm vụ phải có "ba đầu sáu tay" vì kiêm nhiệm quá nhiều việc không tên.

"Định mức của giáo viên cấp 2 là 19 tiết, nếu làm chủ nhiệm sẽ được trừ 4 tiết", cô chia sẻ và phân tích thêm, giáo viên chủ nhiệm tham gia chào cờ đầu tuần được tính một tiết, tổ chức sinh hoạt lớp được tính thêm một tiết. Tuy nhiên, hai tiết còn lại, giáo viên chủ nhiệm phải gánh núi công việc, tính bao nhiêu cũng không đủ so với công sức bỏ ra.

Đó là xây dựng kế hoạch chủ nhiệm từ đầu năm với hàng tá nhiệm vụ cũng như chỉ tiêu. Trong đó, chỉ tiêu quan trọng nhất là về học lực và hạnh kiểm, cuối năm lớp phải đạt được trên cơ sở chỉ tiêu chung của trường.

Giáo viên chủ nhiệm phải kiêm nhiệm quá nhiều việc không tên. (Ảnh minh họa)

Giáo viên chủ nhiệm phải kiêm nhiệm quá nhiều việc không tên. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, thầy cô cũng kiêm nhiệm thêm việc hoàn thành các loại sổ liên quan đến công tác chủ nhiệm. Hay riêng việc chuẩn bị nội dung sinh hoạt hàng tuần cũng "ngốn" thời gian rồi.

Nữ giáo viên kể, cuối mỗi học kỳ hay cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm cũng phải làm hồ sơ để đánh giá những mặt đã đạt hay chưa đạt trong năm học qua, rồi chuẩn bị cho các cuộc họp phụ huynh. Ngoài ra, giáo viên cũng phải kiêm thêm công việc thu các khoản từ cha mẹ học sinh.

"Cách đây gần chục năm, hiệu trưởng quy định giáo viên chủ nhiệm phải thu tiền 2 đợt. Đợt 1 hoàn thành trước 1/11, chỉ tiêu là 70% tổng các khoản thu; đợt 2 hoàn thành trước 1/12, chỉ tiêu là 100% khoản thu, nếu không thu đủ thì hạ bậc thi đua. Nghĩ lại tôi vẫn thấy áp lực đến nghẹt thở", cô Linh tâm sự.

Chưa kể, hàng tuần, trong buổi sinh hoạt dưới cờ, nhiều giáo viên chủ nhiệm bị nhắc nhở khi lớp nằm trong top cuối về thành tích thi đua, nề nếp. 

Nỗi niềm khó ai thấu

Nhắc đến áp lực giáo viên chủ nhiệm, cô Nguyễn Yến Nhi, 32 tuổi, công tác tại một trường cấp 3 ở Hà Tĩnh, chỉ biết nén tiếng thở dài.

Mỗi ngày, cô Nhi dậy từ 5 giờ sáng, sau khi gọi con gái lớp 2 thức giấc, vệ sinh cá nhân, ăn uống, cô chuẩn bị đồ dùng để đi dạy. Vì giờ dạy của cô và giờ học của con trùng nhau nên công việc đưa đón con hầu như đều do chồng cô phụ trách.

"7 giờ học sinh vào lớp thì giáo viên chủ nhiệm phải có mặt trước để ổn định lớp, tham gia sinh hoạt đầu giờ. Thế nên, rất khó để chúng tôi làm tròn vai trò của một người mẹ, người vợ được. Nhiều lúc nghĩ thương chồng con nhưng đành ngậm ngùi tặc lưỡi cho qua", cô Nhi nghẹn ngào.

Cô kể, nhiều tối con gái nũng nịu, trách mẹ không đón lúc tan học hay cùng con tham gia các hoạt động ở trường. Là một người mẹ, cô nghẹn đắng trong tim vì có quá ít thời gian dành cho gia đình. Buổi tối, cô còn phải chấm bài, soạn giáo án... lúc xong việc thì con cũng đã ngủ ngon.

Bên cạnh đó, theo cô Nhi, dù là giờ nghỉ trưa hay buổi tối, không ít lần phụ huynh gọi điện hàng tiếng than vãn về tình hình của con cái, cả những chuyện xảy ra ngoài môi trường học đường. Hay đôi lúc cô cũng phải trao đổi với cha mẹ học sinh về vấn đề học tập, rèn luyện của từng em. 

"Nhiều phụ huynh không hợp tác với giáo viên, tôi nói gì cũng chỉ nhận lại sự thờ ơ. Nếu không có sự phối kết hợp giữa thầy cô và cha mẹ học sinh, thì công tác giáo dục rất khó đạt hiệu quả", cô nói và khẳng định, làm giáo viên đã vất vả, giáo viên chủ nhiệm còn mệt mỏi gấp nhiều lần. Thậm chí, nhiều người còn vào trạng thái căng thẳng kéo dài.

NHI NHI
Bình luận
vtcnews.vn