• Zalo

Hòa thượng Thích Trí Quảng trở thành Đệ tứ Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Tin nóngThứ Ba, 29/11/2022 12:17:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Sáng 29/11, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhất tâm suy tôn Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng làm Đệ tứ Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Sáng 29/11, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc nhất tâm suy tôn Hòa thượng Thích Trí Quảng là Đệ tứ Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tại hội trường Cung Văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), hơn 1.000 đại biểu trang nghiêm chắp tay hướng theo bước chân của Đệ tứ Pháp chủ Thích Trí Quảng đang quang lâm lên lễ đài, chính thức trở thành lãnh đạo tối cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).

Sau khi an tọa chính vị, Đức Đệ tứ Pháp chủ Thích Trí Quảng niệm hồng danh Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Đáp lễ, cao tăng Giáo hội Phật giáo kính chúc Đức Đệ tứ Pháp chủ từ mẫn, ai lâm, thích thọ, trước khi dâng y cà sa và lắng nghe ngài ban đạo từ.

Hòa thượng Thích Trí Quảng trở thành Đệ tứ Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - 1

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng được Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhất tâm suy tôn ngôi vị Pháp chủ, là tôn hiệu cao nhất đứng đầu Giáo hội Phật Việt Nam.

Mở đầu đạo từ, Đệ tứ Pháp chủ nhắc lại thời khắc năm 1981 khi các chư tôn đức trưởng lão, 9 hệ phái Phật giáo từ miền Bắc tới miền Nam một lòng muốn thống nhất dưới một ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam sau khi nước nhà vừa thống nhất.

“Đại hội lần thứ nhất chỉ có hơn 100 đại biểu nhưng các vị là những viên ngọc quý của Phật giáo Việt Nam. Nhờ nhân duyên đó, trải qua 8 nhiệm kỳ, hôm nay chúng ta được thừa hưởng sự nghiệp của chư vị tiền nhân”, Hoà thượng Thích Trí Quảng nhớ lại trước khi một lần nữa nhấn mạnh truyền thống đoàn kết của Phật giáo Việt Nam.

Hoà thượng Thích Trí Quảng cho biết, trước khi viên tịch, Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ rất lo lắng về những khiếm khuyết của tăng ni Giáo hội, nên có cho gọi Hoà thượng tới để ký thác, mong Hoà thượng và chư tôn đức trong Hội đồng Chứng minh cố gắng xây dựng Hội đồng Giám luật để chấn chỉnh đạo phong.

“Đạo phong, cốt cách mà khiếm khuyết sẽ làm tổn thương Giáo hội. Cho nên hôm nay, Đại hội chúng ta đặt "Trí tuệ và Kỷ cương" là hai việc quan trọng nhất để phát triển bền vững”, Đệ tứ Pháp chủ ban đạo từ.

Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng được Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhất tâm suy tôn ngôi vị Pháp chủ, là tôn hiệu cao nhất đứng đầu Giáo hội Phật Việt Nam.

Với ngôi vị này, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng là người đứng đầu Hội đồng Chứng minh, thay mặt Hội đồng Chứng minh ban hành các giáo chỉ và văn bản quan trọng nhất của Giáo hội, đại diện cho Giáo hội trong các hoạt động đối ngoại.

Được suy tôn ngôi vị Pháp chủ, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng là Đệ tứ Pháp chủ (Pháp chủ đời thứ tư) của GHPGVN, nối tiếp ngôi vị và những thành tựu to lớn của Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ đã viên tịch hồi tháng 10/2021. Đây là ngôi vị tại vị suốt đời.

Hòa thượng Thích Trí Quảng trở thành Đệ tứ Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam - 2

Hòa thượng Thích Trí Quảng.

Theo cổng thông tin GHPGVN, Trưởng lão Hòa thượng, Giáo sư, Tiến sĩ Phật học Thích Trí Quảng là một trong những vị thiền sư có đức cao trọng vọng, được đông đảo quý Tăng ni, Phật tử trên khắp cả nước yêu mến, kính trọng.

Ngài có tên khai sinh là Ngô Văn Giáo, sinh ngày 15/1/1940 tại xã Phú Mỹ Hương, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh, xuất gia năm 10 tuổi, thọ giới Tỳ kheo năm 1960, sau đó tiếp thụ với nhiều vị thiền sư tiền nhân.

Sau này, ngài tu học tại Đại học Rissho (Tokyo, Nhật Bản). Đến khi về nước, Hòa thượng Thích Trí Quảng đã tốt nghiệp học vị Tiến sĩ. Từ năm 1973 - 1975, Hòa thượng Thích Trí Quảng được GHPGVN thống nhất bổ nhiệm làm Tổng vụ trưởng Tổng vụ Phiên dịch và Trước tác.

Từ năm 1981 - 2007, Hòa thượng làm Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương của GHPGVN, phụ trách đào tạo Tăng sĩ về hoằng pháp. Hòa thượng Thích Trí Quảng được công nhận là Chứng minh Đạo sư Thiên Thai Thiền giáo tông đời thứ 43.

Hòa thượng Thích Trí Quảng trụ trì Việt Nam Quốc Tự - Trụ sở của Ban trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM thuộc GHPGVN và nhiều chức vụ quan trọng khác trong Giáo hội. Ngày 13/1/2015, hội nghị kỳ 4 - khóa VII Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN đã nhất trí suy tôn Hòa thượng Thích Trí Quảng lên ngôi vị Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN. Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần VIII được tổ chức vào tháng 11/2017, Hoà thượng được tái suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh GHPGVN.

Sau khi Đệ tam Pháp chủ Thích Phổ Tuệ viên tịch, ngày 1/12/2021, tại phiên họp đặc biệt của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh đề cử Quyền Pháp chủ GHPGVN và giữ ngôi vị đó cho đến khi chính thức được suy tôn là Đệ tứ Pháp chủ.

Sau gần 2 ngày làm việc, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2002 – 2007, đã thành công viên mãn. Với chủ đề "Kỷ cương, trách nhiệm, đoàn kết, phát triển", hơn 1.000 đại biểu đã tổng kết, đánh giá thành tựu Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022), đồng thời hoạch định đề ra phương hướng hoạt động Phật sự, nhiệm vụ chiến lược phát triển Giáo hội trong 5 năm tiếp theo của nhiệm kỳ IX (2022-2027).

Trọng tâm của đại hội lần này là việc tu chỉnh Hiến chương, nêu cao kỷ cương, giới luật để gìn giữ và tiếp tục đề cao giá trị Phật giáo trong xã hội hiện đại. Trong đó có nội dung xác định tài sản chung và tài sản cá nhân cũng như quy định rõ hơn về việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa, không cấp cho nhà tu hành. Trong số 12 mục tiêu chương trình tổng quát trong nhiệm kỳ mới (2022-2027) được thảo luận tại Đại hội, nhiệm vụ "Nêu cao kỷ cương, giới luật" được đặt lên hàng đầu.

Ngoài ngôi vị Đệ tứ Pháp chủ, Đại hội IX Giáo hội Phật giáo Việt Nam còn suy tôn Hội đồng Chứng minh; suy cử Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ 2022-2027; nghi thức tấn phong Giáo phẩm tại đại hội. Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX nhiệm kỳ 2022 - 2027 là sự kiện trọng đại của Phật giáo Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với hoạt động của các tôn giáo có đường hướng hành đạo tích cực, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Quý Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn