• Zalo

Giảm nghèo không phải cuộc đua thành tích đo đếm bằng các con số

An SinhThứ Tư, 09/10/2024 07:52:11 +07:00 Google News

Giảm nghèo không phải cuộc đua thành tích đo đếm bằng các con số mà phải thực sự tạo dựng được cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất và tinh thần cho người dân.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đến nay, số nhà tạm, nhà dột nát còn lại cần hỗ trợ của cả nước là 153.881 căn, trong đó có 106.967 nhà xây mới (68.565 hộ nghèo, 38.402 hộ cận nghèo), 46.914 nhà sửa chữa (27.188 hộ nghèo, 19.726 hộ cận nghèo). Hiện, thành phố Hà Nội và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không còn nhà tạm, nhà dột nát.

Kinh phí cần huy động bổ sung để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khoảng 6.522,877 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đã huy động được tại lễ phát động Phong trào thi đua cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát đến năm 2025 là 320 tỷ đồng; kinh phí địa phương đã vận động được 44,178 tỷ đồng.

Mức hỗ trợ là 50 triệu đồng đối với hộ xây mới nhà ở và 25 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà ở, bằng mức hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo hiện nay.

Các địa phương đẩy mạnh quá trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. (Ảnh minh họa)

Các địa phương đẩy mạnh quá trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đây là số nhà cần hỗ trợ ngoài Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng giai đoạn 2021 - 2025 và hỗ trợ nhà ở cho người dân trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/01/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong chính sách xã hội và việc làm thỏa đáng, bền vững của Liên hợp quốc.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những nhiệm vụ đột phá và mang tính cách mạng, là một chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và nhân văn sâu sắc, góp phần mang lại mái ấm tình thương cho người bị thiên tai, hỏa hoạn, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, cho người nghèo, người yếu thế, để không ai bị bỏ lại phía sau, giúp người dân ổn định cuộc sống và có điều kiện thoát nghèo.

Ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, sau khi Chính phủ phát động Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp bàn để triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. 

Theo kết quả rà soát, tính đến tháng 8/2024, toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 3.640 hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, trong đó có 1.440 hộ cần hỗ trợ cải tạo, sửa chữa và 2.200 hộ cần hỗ trợ xây mới nhà ở. Dự kiến tổng nguồn vốn để cải tạo, sửa chữa và xây mới nhà ở là hơn 292 tỷ đồng huy động từ ngân sách Nhà nước, nguồn xã hội hóa và sự đóng góp của các đối tượng được hưởng lợi.

Tỉnh Quảng Bình phấn đấu, trong năm 2025 sẽ hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh đang khẩn trương rà soát, thống kê chính xác đối tượng hộ chính sách, hộ nghèo, cận nghèo... được hỗ trợ về nhà ở, phân loại đối tượng cần xây mới, sửa chữa về nhà ở, xác định rõ nguồn kinh phí hỗ trợ và có sự tính toán đến nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo không có đất ở, phải ở nhờ…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực phối hợp chỉ đạo, rà soát các đối tượng được ưu tiên hỗ trợ cải tạo, sửa chữa, xây mới về nhà ở theo tiêu chí đã được quy định, nghiên cứu đề xuất giải pháp đối với các hộ chưa có đất ở, bố trí cụ thể nguồn vốn nhằm thực hiện hiệu quả công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng đặc thù... 

Còn tại tỉnh Quảng Trị, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị cho biết HĐND tỉnh Quảng Trị thông qua đề án "Huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022-2026" (Đề án 197) với hơn 3.150 ngôi nhà sẽ được xây dựng mới.

Theo đề án trên, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát động phong trào chung tay hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, thu hút đông đảo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội đồng tình hưởng ứng. Qua đó, địa phương phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu xây mới 3.672 nhà ở cho hộ nghèo, đến cuối năm 2025 toàn tỉnh cơ bản không còn hộ nghèo ở nhà tạm.

Trong đó ưu tiên các huyện đã đăng ký lộ trình về đích xây dựng huyện nông thôn mới đến năm 2025, 9 xã miền núi đăng ký về đích nông thôn mới. Nguồn lực phân bổ từ ngân sách tỉnh, nguồn lực vận động xã hội hóa ưu tiên bố trí bù chênh lệch cùng các nguồn hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn tài trợ từ tổ chức, cá nhân để đảm bảo mức hỗ trợ xây nhà hộ nghèo theo quy định là 70 triệu/hộ miền núi, 60 triệu/hộ vùng đồng bằng, trung du.

Ông Lê Hồng Sơn cho biết từ khi phát động đến nay, Ban Chỉ đạo đề án 197 đã vận động, phối hợp hỗ trợ, đối ứng xây dựng mới 1.398 nhà (trong đó: 1.081 nhà vùng miền núi, 317 nhà vùng đồng bằng) với tổng trị giá 82,70 tỷ đồng.

Ông Lê Hồng Sơn khẳng định: “Giảm nghèo không phải cuộc đua thành tích đo đếm bằng các con số mà phải thực sự tạo dựng được cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất và tinh thần cho người dân, giúp người dân thoát hẳn cảnh đói nghèo một cách bền vững mà trước hết là có chỗ "an cư" để "lạc nghiệp. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỉnh Quảng Trị cơ bản xóa hết nhà ở tạm cho hộ nghèo”.

Nguyễn Trang(VOV.VN)

Link: https://vov.vn/xa-hoi/giam-ngheo-khong-phai-cuoc-dua-thanh-tich-ma-la-tao-dung-cuoc-song-day-du-hon-post1127061.vov?fbclid=IwY2xjawFyp2NleHRuA2FlbQIxMAABHSQCnWD5J3Egqm3LW8oB6XKIWt6P30JGlTFzeAXcFlPzz7mni9domXNxeA_aem_ZqZtzewINl6kjWRIR8RJJQ

Bình luận
vtcnews.vn