Sáng 8/12, bên lề kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội, trả lời về hiện tượng vỉa hè lát đá bị vỡ, hỏng sau thời gian ngắn sử dụng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, các tuyến vỉa hè bị nứt, vỡ chủ yếu là những tuyến được làm trước giai đoạn ban hành quyết định 1303 năm 2019 của UBND thành phố (quyết định về việc ban hành thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn TP Hà Nội).

Hà Nội hiện có khoảng 255 tuyến phố, hè được lát đá tự nhiên, chủ yếu tập trung ở một số quận như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân. (Ảnh: Đắc Huy).
"Những tuyến đường mà báo chí phản ánh toàn những dự án thi công trước thời điểm này (trước khi ban hành quyết định 1303 năm 2019), lúc đó đang thực hiện thi công theo quyết định cũ. Thời điểm này, chất lượng đá sử dụng để lát vỉa hè trước khi có quyết định 1303 của thành phố được khai thác bằng phương pháp nổ mìn, cho nên đá bị om. Ngoài ra, đá marble thường có gân đá, không được đồng chất, khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý", ông Phong lý giải.
Ông Phong đánh giá, hiện các tuyến đường dùng đá granite "rất đẹp, rất bền".
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, việc lát đá vỉa hè được UBND thành phố giao các quận huyện có trách nhiệm phê duyệt dự án, phòng quản lý đô thị quận huyện quản lý chất lượng các tuyến phố lát đá trên địa bàn.

Đoạn vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi không chỉ đầy vết nứt mà còn có những chỗ đá vỡ vụn. (Ảnh: Đắc Huy).
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng đã có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tăng cường quản lý các dự án lát đá vỉa hè.
Cụ thể, UBND thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc thực hiện Văn bản số 1385 ngày 8/4/2019 của UBND thành phố về việc chỉ đạo thực hiện các dự án đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè các tuyến phố trên địa bàn một số quận và văn bản đề nghị của Sở Xây dựng số 8258 ngày 10/11/2022.
Cùng với đó, thành phố yêu cầu các đơn vị khẩn trương kiểm tra đánh giá, thực hiện các giải pháp đồng bộ để khắc phục tình trạng hỏng hóc, xuống cấp của vỉa hè, đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện khi tham gia giao thông và mỹ quan đô thị.
UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành thành phố và đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Sở Xây dựng hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã trong việc sử dụng vật liệu lát hè, vỉa hè, kết cấu hè và thẩm định, quy trình kỹ thuật trong thi công xây dựng, quản lý chất lượng xây dựng công trình theo phân cấp, đảm báo phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Bình luận (8)
Khác gì ông giám đốc sở GTVT Tp. HCM lý giải đường ít người đi nên nhựa thối tạo nên ổ voi . Trình độ vật lý - hóa học đâu rồi. Đây là kết cấu nền khi lát ẩu ăn gian vật tư làm cho nền yếu khi xe tải trọng lớn đè lên gây vỡ, bể. nguyên tắc vậy lý vật chịu lực thẳng đứng và lực nằm ngang, khi nền móng yếu thì lực nằm ngang tạo nên điểm cứng và mềm trọng lực dồn vào một chỗ với sức đè lớn hơn sức chịu của viên đá thì nó bể thôi, Nếu làm nền móng chắc không ăn bớt vật tư lát chuẩn êm cục đá thì 70 năm chứ 100 năm cũng không hư được,
ông giám đốc sở nói thế thể hiện trình độ.
Cứ cho là lời ông Giám đốc Sở Xây dựng và Phó Chủ tịch thành phố nói là đúng thì Hà Nội nên nêu rõ những tuyến đường nào được lát sau khi có Quyết định 1033 để người dân được biết và giám sát
cái này là do nền kém chất lượng nên bị lún và nất.
Đá nầy mà xây nhà thì mưa sẽ như nào nhỉ ...
Tôi thấy phải kiểm tra lại trình độ của ông giám đốc sở này
Ối trời ơi, nước ngoài họ có giống mình không ấy nhỉ