• Zalo

Đột quỵ có phải tai biến mạch máu não?

Bệnh và thuốcThứ Tư, 30/12/2020 18:15:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều người thắc mắc, đột quỵ và tai biến mạch máu não có khác nhau hay đều là một bệnh.

Theo các chuyên gia, nhiều người cho rằng đột quỵ và tai biến mạch máu não là hai bệnh khác nhau, nhưng thực chất, đây đều là tên gọi chung của một bệnh.

Đột quỵ và tai biến mạch máu não đều chỉ một tình trạng bệnh cấp tính, gây ra bởi sự thiếu máu đột ngột của một phần hay toàn bộ não bộ. Khi thiếu máu xảy ra ở não, màng oxy và chất dinh dưỡng nuôi dưỡng não sẽ không đến được các tế bào não, làm các tế bào này chết.

Hậu quả sau đó rất nặng nề, khiến người đột quỵ (tai biến) bị ảnh hưởng tới tri thức, vận động, tê liệt, hôn mê thậm chí là tử vong. Nguyên nhân tử vong thường gặp với hai dạng chính là nhồi máu não (tắc mạch máu não) và xuất huyết não (vỡ mạch máu não).

Về thuật ngữ, tai biến mạch máu não chỉ nơi khởi phát bệnh là tại các mạch máu nuôi não bộ khi dòng máu bị chặn lại hoặc bị vỡ. Còn đột quỵ chỉ sự cấp tính của bệnh. Tuy nhiên, cả hai cách gọi đều thể hiện tính chất đột ngột, nguy hiểm của bệnh, có thể gây di chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong.

Đột quỵ có phải tai biến mạch máu não? - 1

Một bệnh nhân bị đột quỵ được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Dấu hiệu đột quỵ

Biểu hiện đột quỵ rất đơn giản, người dân có thể nhận biết được. Các dấu hiệu này được tóm tắt bằng chữ F.A.S.T gồm:

F (Face): Đầu tiên là biến đổi ở mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.

A (Arm): Yếu liệt tay chân. Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó.

S (Speech): Ngôn ngữ bất thường, nói khó.

T (Time): Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115, đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.

Ngoài ra, người bị đột quỵ cũng có một trong những dấu hiệu như: Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ; Tê mỏi chân tay, cử động khó, khó cử động, tê liệt một bên cơ thể; Rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, gặp khó khăn trong việc suy nghĩ từ để nói, không diễn đạt được, có cảm giác mơ hồ; Khó phát âm, nói ngọng bất thường, môi lưỡi tê cứng và đau đầu dữ dội, cơn đau đến nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.

Phòng ngừa thế nào?

Để phòng ngừa đột quỵ trong mùa đông, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên giữ cho cơ thể đủ ấm, hạn chế đi ra ngoài đường khi nhiệt độ quá thấp, tránh những đợt gió lạnh bất thường, không bước ra ngoài ngay khi thức dậy, tránh để cơ thể bị thay đổi nhiệt độ đột ngột, không tắm quá khuya hoặc tắm quá lâu để ngăn ngừa tình trạng sốc nhiệt.

Người dân cũng cần lưu ý, khi tỉnh giấc buổi sáng hoặc vệ sinh lúc đêm khuya, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay lập tức mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi.

Ngoài ra, mọi người nên thực hiện chế độ ăn đủ chất để đảm bảo cơ thể có đủ năng lượng chống rét, bổ sung các loại vitamin A, C giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, không quên có những hoạt động rèn luyện thân thể, tập thể thao thường xuyên để nâng cao sức khỏe.

Để phòng tránh nguy cơ đột quỵ, người dân cũng cần xây dựng một chế độ sinh hoạt khoa học, tránh sử dụng rượu bia, chất kích thích… Đặc biệt những người có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường, béo phì hay tim mạch cần chủ ý tới sức khoẻ, uống thuốc đầy đủ, đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn