• Zalo

Doanh thu sản phẩm bao bì dưới 30 tỷ/năm được loại trừ trách nhiệm EPR

Tin tức xanhThứ Tư, 26/03/2025 13:43:00 +07:00Google News

Nhóm nhà sản xuất, nhập khẩu có doanh thu bán các sản phẩm thuộc nhóm bao bì dưới 30 tỷ đồng/năm... sẽ được loại trừ trách nhiệm EPR.

Loại trừ trách nhiệm EPR đối với một số nhóm nhà sản xuất

"Một trong những thay đổi quan trọng của Nghị định 05/2025/NĐ-CP vừa ban hành, đó là quy định rõ việc loại trừ trách nhiệm EPR đối với một số nhóm nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì. Trong đó bao gồm nhà sản xuất, nhập khẩu có doanh thu bán các sản phẩm thuộc nhóm bao bì dưới 30 tỷ đồng/năm...", ông Nguyễn Văn Phan (Văn phòng EPR) cho biết tại Hội thảo tập huấn triển khai thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) diễn ra mới đây.

Nhà sản xuất, nhập khẩu có doanh thu bán các sản phẩm thuộc nhóm bao bì dưới 30 tỷ đồng/năm sẽ được loại trừ trách nhiệm EPR. (Ảnh: Canva)

Nhà sản xuất, nhập khẩu có doanh thu bán các sản phẩm thuộc nhóm bao bì dưới 30 tỷ đồng/năm sẽ được loại trừ trách nhiệm EPR. (Ảnh: Canva)

Theo đó, trách nhiệm mở rộng của Nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility – EPR) là cách tiếp cận của chính sách Môi trường. EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ.

Ông Phan cho hay Nghị định số 05/2025/NĐ-CP vừa ban hành, trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu được quy làm 2 nội dung. Đối với trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất các sản phẩm săm lốp, dầu nhớt, pin, ắc quy và một số loại bao bì có trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện và điện tử có trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm phương tiện giao thông có trách nhiệm tái chế từ ngày 01/01/2027.

Đối với trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải, nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm pin dùng một lần, tã lót, kẹo cao su, thuốc lá,… một số sản phẩm nhựa tổng hợp và bao bì thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải từ ngày 01/01/2022. Bao bì, pin sạc - ắc quy, dầu nhớt, săm lốp, sản phẩm điện, điện tử, phương tiện giao thông nằm trong nhóm danh mục bắt buộc phải đóng góp EPR. Trong đó, các nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì chịu ảnh hưởng chính.

Đặc biệt, một trong những thay đổi quan trọng của Nghị định 05 vừa ban hành, đó là quy định rõ việc loại trừ trách nhiệm EPR đối với một số nhóm nhà sản xuất, nhập khẩu bao bì, bao gồm: nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì để xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm; nhà sản xuất, nhập khẩu có doanh thu bán các sản phẩm thuộc nhóm bao bì dưới 30 tỷ đồng/năm; nhà sản xuất bao bì mà bao bì đó được chính nhà sản xuất đó thu hồi, đóng gói để tiếp tục đưa ra thị trường với tỷ lệ bằng hoặc cao hơn tỷ lệ tái chế bắt buộc.

Theo ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), thời điểm các nhà sản xuất, nhập khẩu phải đăng ký, kê khai kế hoạch tái chế và kê khai số tiền đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, hỗ trợ xử lý chất thải là trước ngày 31/3 hằng năm.

Theo đó, việc đăng ký, kê khai, báo cáo việc thực hiện trách nhiệm sẽ được thực hiện trực tuyến trên Hệ thống thông tin EPR Quốc gia thay vì nộp bản giấy, giúp việc thực hiện chế độ kê khai, báo cáo thuận lợi, dễ dàng và tiết kiệm chi phí.

Ai chịu trách nhiệm kê khai, chịu chi phí tái chế?

Văn phòng EPR cũng cho biết đối với việc xác định trách nhiệm kê khai, chịu chi phí tái chế của chủ thể, cần căn cứ vào đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm hàng hóa đưa ra thị trường. Theo đó với đơn vị được thuê gia công sản xuất và sản phẩm được đưa ra thị trường thì đơn vị đó không phải thực hiện về EPR.

"Nếu doanh nghiệp thu hồi tái chế nhiều hơn 15% thì đương nhiên loại trừ khỏi đối tượng khỏi trách nhiệm kê khai và thực hiện EPR, cũng như không cần báo cáo kết quả thực hiện. Ngược lại, nếu thấp hơn, thì phải thực hiện trách nhiệm mở rộng như thu hồi, xay, nghiền… vỏ chai.

Theo tinh thần của Nghị định 05, là tăng cường, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Do đó, chi phí tái chế đa vật liệu mềm sẽ cao hơn. Nếu doanh nghiệp có vật liệu, bao bì thuộc vùng chuyển giao giữa 2 Thông tư, thì cần kê khai đầy đủ, theo cả 2 mục (đơn và đa vật liệu mềm). Nhưng chi phí sẽ đóng ở mức cao hơn, theo các quy định mới", đại diện văn phòng EPR thông tin.

Theo VietNam Finance

Link: https://vietnamfinance.vn/doanh-thu-ban-san-pham-bao-bi-duoi-30-ty-nam-duoc-loai-tru-trach-nhiem-epr-d124196.html

Bình luận
vtcnews.vn
Cùng chuyên mục
Tin mới