• Zalo

Doanh nghiệp xuất khẩu mỳ tôm cần làm gì để tránh bị ‘tuýt còi’ ở Châu Âu?

Thị trường Chủ Nhật, 24/07/2022 14:04:39 +07:00Google News
(VTC News) -

Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Công Thương đưa ra các khuyến cáo giúp doanh nghiệp xuất khẩu mỳ tôm Việt Nam tránh bị các nước EU cảnh báo, thu hồi hoặc trả sản phẩm.

Trả lời VTC News sáng 24/7, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu mỳ tôm vào thị trường thuộc Liên minh Châu Âu (EU) cần lưu ý 3 vấn đề.

Doanh nghiệp xuất khẩu mỳ tôm cần làm gì để tránh bị ‘tuýt còi’ ở Châu Âu? - 1

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam. (Ảnh: TTXVN).

Thứ nhất, EU có hệ thống cảnh báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Hệ thống này cập nhật thường xuyên các vi phạm về an toàn thực phẩm của tất cả quốc gia khi nhập khẩu vào thị trường này.

Tính từ ngày 1/1 đến 22/7, hệ thống cảnh báo an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU phát đi 2.531 cảnh báo với các sản phẩm của các quốc gia vi phạm quy định khi nhập vào thị trường EU. Trong số này, Việt Nam có 50 cảnh báo vi phạm an toàn thực phẩm theo quy định EU.

Thứ hai, với chỉ tiêu ethylene oxide (EO), mỗi quốc gia quy định khác nhau về mức tồn dư EO. Ví dụ, thị trường Mỹ, Canada quy định chỉ tiêu EO với các sản phẩm thảo mộc, rau củ khô, hạt vừng... quy định tối đa là 7 mg/kg. Trong khi đó, EU, tùy từng loại, nhưng quy định chỉ tiêu này rất thấp, từ 0,02 - 0,2 mg/kg. 

Thứ ba, giữa tháng 6 đến đầu tháng 7, Văn phòng SPS Việt Nam nhận được 3 cảnh báo từ hệ thống cảnh báo của một số nước thuộc EU, gồm có Đức, Ba Lan và Malta.

“Doanh nghiệp xuất khẩu lưu ý, khi có sản phẩm bị cảnh báo tại thị trường EU thì sản phẩm đó có thể bị thu hồi, tiêu hủy hoặc trả lại nơi sản xuất… Nói chung tùy thuộc mức độ vi phạm và EU sẽ quyết định việc này chứ không phải tất cả doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này khi xuất khẩu vào EU sẽ bị thu hồi”, ông Nam nói.

Vẫn theo lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam, EU đang áp tần suất kiểm tra sản phầm mỳ tôm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này là 20%. Văn phòng SPS Việt Nam với chức năng là cơ quan đầu mối quốc gia minh bạch quy định về an toàn thực phẩm cùng Bộ Công Thương đang nỗ lực tháo gỡ việc giảm tần suất kiểm tra mỳ ăn liền của Việt Nam vào EU. Hy vọng trong thời gian tới EU sẽ xem xét giảm tần suất kiểm tra đối vưới sản phẩm mỳ tôm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

“Tuy vậy, doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm hiểu kỹ và tuân thủ các quy định của những nước nhập khẩu nhằm tránh rủi ro, ảnh hưởng nỗ lực tháo gỡ việc giảm tần suất kiểm tra mì ăn liền của Việt Nam vào EU của Văn phòng SPS Việt Nam và các cơ quan chuyên môn”, ông Nam nhấn mạnh.

Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cũng chia sẻ thêm về 3 cảnh báo gần đây của EU. Theo đó, thông báo của Malta cho thấy, sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia bị cảnh báo vì mối nguy mỳ từ gạo biến đổi gene trái phép. Sản phẩm mỳ ăn liền của Công ty Cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) bị Ba Lan trả lại hàng, chưa rõ nguyên nhân.

Sản phẩm mỳ ăn liền hương vị gà, mì ăn liền hương vị cà ri của Công ty Cổ phần Thực phẩm Á Châu bị Đức cảnh báo vì mối nguy chứa chất ethylene oxide trong 3 lô hàng, với mức 0,036 ± 0,018 mg/kg, 0,024 ± 0,012 mg/kg, 0,021 ± 0,011 mg/kg.

Văn phòng SPS Việt Nam đang phối hợp các cơ quan liên quan làm rõ, truy tìm nguyên nhân vi phạm để có biện pháp khắc phục. 

Trong khi đó, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - khuyến cáo, doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu thị trường, đặc biệt là những vấn đề liên quan biện pháp kỹ thuật của từng thị trường để đảm bảo tuân thủ đầy đủ trước khi tiến hành xuất khẩu hàng hóa. 

Ông Hòa cho hay, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo đơn vị chức năng tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chế biến bột nâng cao biện pháp kiểm soát an toàn thực phẩm, vượt qua rào cản kỹ thuật và những biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường ngoài nước.

“Các cơ quan quản lý nhà nước cũng tiếp tục phối hợp nghiên cứu, rà soát, đánh giá một cách tổng thể, bài bản về những yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe con người đối với những hóa chất thế hệ mới, đa tính năng, có khả năng xuất hiện trong thực phẩm đã được nhà khoa học trong và ngoài nước nhận diện, cảnh báo để đưa ra giải pháp quản lý phù hợp điều kiện Việt Nam và hài hoà với thế giới, nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và doanh nghiệp”, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ cho hay.

Ngày 13/6, EU chính thức thông báo ban hành Quy định (EU) 2022/913 ngày 30/5 sửa đổi Quy định về các biện pháp kiểm soát thực phẩm xuất khẩu vào EU có hiệu lực từ 3/7.

Cụ thể, EU tiếp tục duy trì yêu cầu bổ sung giấy Chứng nhận an toàn thực phẩm và tần suất kiểm tra 20% đối với mỳ ăn liền có nguồn gốc từ Việt Nam (trong thành phần có chứa gia vị và một số nguyên liệu, phụ gia khác).

Trước đó, ngày 20/8/2021, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) thông báo thu hồi một số lô sản phẩm mì ăn liền có chứa chất Ethylene Oxide, trong đó có mì Hảo Hảo vị tôm chua cay (loại 77 g, lô hạn sử dụng đến 24/9/2022) và miến Good vị sườn heo (loại 56 g, lô hạn sử dụng đến 10/11/2022) do Acecook Việt Nam sản xuất.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn