1. Hubble - Hơn 3 thập kỷ "đế vương"
Từ khi được phóng lên bầu trời vào năm 1990, Hubble giữ vững ngôi vị kính viễn vọng không gian mạnh nhất suốt 31 năm, mãi cho đến khi James Webb bắt đầu hoạt động vào tháng 7-2022.
"Từ vị trí thuận lợi phía trên bầu khí quyển làm biến dạng ánh sáng, Hubble đã cung cấp cho chúng ta những góc nhìn rõ ràng, chi tiết, vươn xa hơn bất kỳ thiết bị tiền nhiệm nào. Hubble đã lập biểu đồ về sự tiến hóa của các thiên hà, sao, tinh vân, sao chổi, các ngoại hành tinh và mặt trăng của chúng, xác nhận sự tồn tại của các lỗ đen trong lõi thiên hà" - NASA viết về thiết bị mà họ điều hành chính với sự hỗ trợ của ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu).
Hubble cũng là "công thần" đứng đằng sau giải Nobel Vật lý năm 2011, khí xác minh được sự giãn nở của vũ trụ. NASA trân trọng gọi việc sử dụng Hubble là "đứng trên vai người khổng lồ" - mượn câu nói nổi tiếng của nhà bác học lừng danh Isaac Newton.
Hubble được đặt theo tên nhà thiên văn học tiên phong Edwin Hubble, là một đài quan sát lớn dưới dạng tàu vũ trụ, được phóng lên bởi tàu con thoi Discovery. Nó đã thực hiện hơn 1,5 triệu quan sát, đem đến dữ liệu cho hơn 19.000 nghiên cứu khoa học đã được công bố và đóng góp cho hầu hết sách giáo khoa thiên văn học.
2. James Webb - "Xuyên không" vào bình minh vũ trụ
Điều hành chính bởi NASA, có sự hợp tác của hai cơ quan vũ trụ châu Âu và Canada là ESA và CSA, James Webb - gọi "thân mật" là Webb - là kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới hiện nay. Nó rời Trái Đất trên tên lửa Ariane 5 từ Guiana thuộc Pháp vào tháng 12/2021. Thiết bị tối tân này được đặt theo tên cựu quản trị viên NASA James Webb để vinh danh ông.
Một số công nghệ tiên tiến đã được phát triển cho Webb. Chúng bao gồm một gương chính bằng beryli siêu nhẹ được tạo thành từ 18 phân đoạn riêng biệt có thể mở ra và điều chỉnh hình dạng sau khi phóng; một tấm chắn nắng năm lớp có kích thước bằng sân tennis giúp giảm nhiệt từ Mặt trời hơn một triệu lần.
Bốn thiết bị của kính viễn vọng - máy ảnh và máy quang phổ - có các máy dò có khả năng ghi lại các tín hiệu cực kỳ yếu.
Nhờ những trang bị tối tân này, Webb đang bắt đầu lần lại những con đường Hubble từng đi và mang lại hình ảnh rõ nét hơn nhiều lần về các vật thể được quan tâm, cũng như hứa hẹn "xuyên thủng" biển mây của các ngoại hành tinh giống Trái Đất để tìm dấu hiệu sự sống.
Nhiệm vụ hàng đầu của nó vẫn là soi vào các vùng không gian xa thẳm, với hàng loạt thiên hà từ "bình minh vũ trụ" đã được tìm thấy khi Webb "nhìn" xuyên không - thời gian hàng tỉ năm.
3. TESS - Khai phá những "Trái Đất khác"
Vệ tinh Khảo sát ngoại hành tinh quá cảnh (TESS) của NASA là một kính viễn vọng không gian không nhìn xa như Hubble hay James Webb, nhưng mang theo cả giấc mơ lớn của loài người: Tìm ra những người láng giềng trong vũ trụ bao la.
TESS bay lên bầu trời vào tháng 4-2018 trên một tên lửa SpaceX Falcon 9, với sứ mệnh lập danh mục hàng ngàn ứng cử viên hành tinh ngoài hệ Mặt Trời.
TESS đã tìm được hơn 5.000 ngoại hành tinh như vậy, trong đó có 300 cái được các nhà nghiên cứu trên thế giới xác định là giống Trái Đất. Nó cũng sẽ tập trung vào các hành tinh hứa hẹn nhất quanh các ngôi sao gần chúng ta, bao gồm những cái nằm trong "vùng sự sống", tức cách sao mẹ vừa đủ để có nhiệt độ ôn hòa, nước có dạng lỏng.
James Webb được kỳ vọng sẽ nhìn xuyên thấu được các ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi vị "Trái Đất 2.0" mà TESS đã tìm được, nhằm khẳng định khả năng sống được cũng như dấu hiệu của sinh vật ngoài hành tinh.
Bình luận