Mới đây, TS Nguyễn Đức Thành – cựu học sinh trường chuyên Hà Nội Amsterdam đã đề xuất bán ngôi trường này cho doanh nghiệp và xóa bỏ mô hình trường chuyên trên cả nước đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Từ cuộc đua tuyển sinh đến “chảy máu chất xám”
Anh Nguyễn Tuấn Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Có những em học sinh đến lớp 4, lớp 5 mới thực sự đủ chín về tài năng, còn ở những lớp trước lực học vẫn rất bình thường. Vì vậy nếu chỉ vì thiếu điểm 10 mà loại các cháu từ vòng sơ tuyển là thiếu thận trọng và tạo ra cuộc đua chạy điểm ngay từ khi vào lớp 1”.
Vị phụ huynh này cũng bày tỏ lo ngại khi kinh phí ngân sách nhà nước “rót” ra đối với trường chuyên đang cao hơn nhiều so với hệ THPT công lập nhưng liệu có thật sự mang lại giá trị phát triển đất nước.
“Nhà nước đang phải chi cho mỗi học sinh hệ chuyên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với trường thường gây nên áp lực đối với ngân sách địa phương, vô tình tạo sự mất công bằng khi đầu tư giáo dục giữa trường chuyên – trường thường”, anh bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, phần lớn học sinh chuyên Amsterdam sau khi tốt nghiệp lựa chọn việc du học rồi ở lại nước ngoài làm việc, anh Tuấn Anh lo ngại chính điều này khiến Việt Nam đang cần nhân tài nhưng lại “chảy máu chất xám”.
“Số học sinh xuất sắc của trường đi du học tại Mỹ, Úc, Phần Lan… nhiều không kể xiết nhưng có bao nhiêu em có ý định và đã trở về Việt Nam để cống hiến là điều rất khó thống kê. Đồng ý rằng các em có quyền lựa chọn nơi làm việc tốt.
Tuy nhiên cần nhìn nhận lại việc các em được tạo điều kiện tốt nhất để học tập trong nước nhưng cuối cùng lại không về nước để trả nợ. Các em nên nghĩ đến những gì các em từng được ưu tiên trước đây so với các bạn khác”, anh băn khoăn.
Ngược lại, chị Hoàng Hồng Vân (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng quan điểm xóa sổ trường chuyên là quá cực đoan.
“Năm nào trường cũng có học sinh đi thi các giải Olympic khoa học quốc tế và mang về huy chương vàng, huy chương bạc… Thành công này giúp ngành giáo dục thủ đô có thêm điểm sáng, giúp bạn bè quốc tế đánh giá cao về nền giáo dục Việt Nam.
Chưa kể, hiện nay nhiều giáo sư, tiến sĩ nổi tiếng ở nước ta đang làm việc trong nước cũng xuất thân từ “lò” Amsterdam. Như vậy không thể nói rằng chảy máu chất xám”, chị Vân nhận định.
Vị phụ huynh này thừa nhận cuộc đua vào trường chuyên Amsterdam khốc liệt không hề kém thi đại học và có thể tạo những tiêu cực. Vấn đề đang nằm ở tâm lý bố mẹ nào cũng muốn con mình có bảng điểm đẹp, thành tích này nọ để cạnh tranh với thí sinh khác.
“Không nên lấy lý do đó để dẹp bỏ trường, nhà trường nên cải cách để loại bỏ những hạn chế. Có thể đổi tên thành “năng khiếu” thay cho “trường chuyên”, việc tạo môi trường cạnh tranh tốt sẽ thúc đẩy sự đột phá trong giáo dục đào tạo”, chị nói.
Từ đâu mà cuộc đua ngày càng khốc liệt?
TS Vương Thanh Nga, một chuyên gia tư vấn và định hướng giáo dục trẻ em nhận định, mô hình trường chuyên lớp chọn vẫn cần thiết trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Thay vì xoá bỏ, chúng ta nên có những đổi mới cho phù hợp hơn. "Nếu chỉ vì những cuộc chạy đua điểm số khốc liệt mà xoá bỏ trường chuyên là lối tư duy cực đoan".
Vị chuyên gia chỉ ra: "Chúng ta cần xác định rõ đâu là nguồn cơn tạo nên áp lực học tập và những cuộc chạy đua khốc liệt đó. Chính phụ huynh là người luôn muốn con học trường chuyên để làm rạng danh gia đình nên mỗi mùa tuyển sinh đến đều ép con trẻ vào guồng học, guồng chạy đua đó".
Có những phụ huynh không tiếc tiền bạc, thời gian để đầu tư cho con có một bảng kết quả học tập 100% các môn đều điểm 10. Rồi thuê gia sư cho con đi học thêm ngày đêm với mong muốn con có được một suất vào trường chuyên; lớp chọn. Mong muốn tương lai của con tốt đẹp là không sai, nhưng nhiều phụ huynh đang bị cuồng mác trường chuyên, TS Nga nói.
Các trường chuyên, lớp chọn họ vẫn đang làm đúng mục tiêu là chọn ra những tinh hoa để đào tạo nhân tài cho mai sau. Các trường chuyên không sai. Chỉ tiêu tuyển sinh vào trường mỗi năm có hạn, trong khi hồ sơ nộp dự tuyển quá nhiều, buộc lòng nhà trường phải đưa ra tiêu chí xét tuyển học bạ, giải thưởng để sàng lọc.
TS Nga cho rằng, quan trọng nhất là phụ huynh cần thay đổi tư duy và nhận thức trong việc lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp với con em mình. Không phải đứa trẻ nào cũng phù hợp với trường chuyên, lớp chọn, cần xét đến năng lực học tập, tố chất và đáp ứng nhu cầu phát triển của trẻ.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, cho rằng thi là cách công bằng nhất để tuyển sinh. Việc tuyển đầu vào khắt khe không thể trách nhà trường mà phần nhiều nằm ở tâm lý cha mẹ học sinh.
"Ngày nay, phụ huynh đặt quá nhiều kỳ vọng vào con, luôn muốn con vào trường chuyên lớp chọn. Con không phải xuất sắc nhưng phụ huynh vẫn cố tìm cách để vào trường chuyên với hy vọng sẽ thành tài. Từ tâm lý đó, họ tìm cách để con qua sơ tuyển đã, rồi nhồi nhét con học thêm để qua tiếp thi tuyển khiến con rất khổ", thầy nói.
Ngoài áp lực trong việc chạy đua về điểm số, một số lập luận cho rằng các trường chuyên được đầu tư quá nhiều, vô tình trở thành trường học của con nhà giàu.
Bác bỏ ý kiến trên, ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, mục tiêu của trường chuyên là để đào tạo “người tài” cho mỗi địa phương, cho đất nước. Các trường chuyên phải được ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ quản lý và giáo viên là điều dễ thấy, dễ hiểu.
Nếu có thay đổi, thì chỉ nên xem xét điều chỉnh phương thức đào tạo, phương thức tuyển chọn và phương thức huy động các nguồn lực của xã hội cho việc đổi mới phương thức đào tạo của các trường chuyên, không nên quá cực đoan cho việc đổi mới trường chuyên lớp chọn, vị này nói.
Bình luận