• Zalo

Đề án 06 mang lại nhiều giá trị lớn cho kinh tế - xã hội

Sản phẩmThứ Bảy, 09/09/2023 09:00:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm về CĐS Quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, việc khai thác CSDL quốc gia về dân cư giúp tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng.

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06).

Mục tiêu tổng quát của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo bộ, ngành tại gian hàng triển lãm các sản phẩm ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử ngày 12/7/2023. (Ảnh NH)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo bộ, ngành tại gian hàng triển lãm các sản phẩm ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử ngày 12/7/2023. (Ảnh NH)

Đề án 06 hướng tới phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Một cách ngắn gọn, với Đề án 06, ứng dụng VNeID hoặc thẻ CCCD gắn chip điện tử sẽ từng bước thay thế các giấy tờ của công dân trong một số giao dịch theo quy định của pháp luật, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ thương mại phục vụ tiện ích số của công dân như dịch vụ cư trú, thương mại điện tử, thanh toán điện tử và các dịch vụ khác như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…

Trên cơ sở kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã có như dữ liệu giáo dục, dữ liệu doanh nghiệp, dữ liệu thuế... các thủ tục phục vụ công dân, doanh nghiệp sẽ được bảo đảm giải quyết chính xác, thuận tiện và an toàn.

Không chỉ vậy, các tài khoản người dùng đều được xác thực bảo đảm đúng với danh tính của từng công dân, tạo sự minh bạch, hạn chế gian lận, lừa đảo trên không gian mạng.

Báo cáo tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về Chuyển đổi số Quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ cho biết Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 99 triệu nhân khẩu. Bộ Công an cũng đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ rà soát, cập nhật trên 92 nghìn trường hợp thôi quốc tịch, gần 5 triệu trường hợp thay đổi 2 thông tin trong hộ tịch để phục vụ việc làm sạch dữ liệu. 5,3 triệu trẻ em mới sinh đã được cấp số định danh cá nhân.

Toàn cảnh điểm cầu chính Phiên họp lần thứ 6 Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai đề án 06 của Chính phủ. (Ảnh: NH)

Toàn cảnh điểm cầu chính Phiên họp lần thứ 6 Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai đề án 06 của Chính phủ. (Ảnh: NH)

Việc khai thác CSDL quốc gia về Dân cư giúp tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, tăng kết quả giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế việc di chuyển, giảm thời gian chờ đợi, hạn chế việc phải kiểm tra xác minh. Qua đó, tinh gọn cán bộ, công chức bộ tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”... và giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng.

Dữ liệu dân cư có ý nghĩa rất quan trọng để xác thực, kết nối các dữ liệu, khai thác phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, hướng tới mục tiêu người dân chỉ khai báo thông tin một lần với cơ quan Nhà nước trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Thực hiện tốt điều này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp”- Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết tại cuộc Đối thoại Chuyển đổi số - VietNam On trên Đài Truyền hình VTC1.

Đề án 06 mang lại nhiều giá trị lớn cho kinh tế - xã hội - 3
Đề án 06 mang lại nhiều giá trị lớn cho kinh tế - xã hội - 4

Lấy ví dụ, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam là đơn vị kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư ngay từ khi đưa vào vận hành chính thức. Được biết hiện nay, người dân đã có thể sử dụng CCCD để khám, chữa bệnh với BHYT. Đã có hơn 4.000 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD.

Việc này giúp nâng cao năng lực quản lý dựa trên dữ liệu, giảm trùng thẻ BHYT, hạn chế gian lận, trục lợi trong đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với Bộ Tài chính, việc triển khai Đề án 06 là tiền đề cho việc thực hiện Luật Quản lý thuế, tiến tới việc sử dụng mã số định danh cá nhân làm mã số thuế. Khi đó, người nộp thuế sẽ giảm được nhiều thủ tục khi đăng ký thuế, giảm trừ gia cảnh, thay đổi thông tin đăng ký thuế… Việc định danh sẽ giảm thiểu sai sót khi dữ liệu được quản lý thống nhất và dùng chung với CSDL quốc gia dân cư.

Trong khi đó, nhờ Đề án 06, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khai thác sớm các dịch vụ xác thực thông tin công dân, tra cứu thông tin công dân phục vụ hiệu quả việc đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ của thí sinh khi triển khai công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng sư phạm.

Việc kết nối dữ liệu cũng mở ra nhiều tiện ích như xác thực văn bằng, chứng chỉ; kết nối dữ liệu bảo hiểm; theo dõi sức khỏe học sinh, sinh viên, tình hình việc làm của học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp… để phục vụ cho công tác quản lý, hoạch định chính sách.

Trong tương lai gần, trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các thông tin đã được tích hợp, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng để tổng hợp, phân tích, dự báo các thông tin, phục vụ việc điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ ngành trong việc hoạch định chính sách kinh tế - xã hội và dự báo nguồn nhân lực cho từng lĩnh vực.

Hiền Trang
Bình luận
vtcnews.vn