• Zalo

ĐBQH: Hàng tấn thức ăn cứu trợ phải chôn sau bão Yagi

Chính trị Thứ Hai, 04/11/2024 11:57:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, các địa phương cần rút kinh nghiệm việc phân phối hàng cứu trợ, tránh tình trạng chỗ cần không có, chỗ lại thừa.

Nội dung trên được nêu tại phiên thảo luận về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 - 2025 trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, diễn ra sáng 4/11.

Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho rằng, cách thức tiến hành cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi) còn nhiều điều đáng bàn, nhiều bài học cần rút ra để có thể giảm hơn nữa những lãng phí, mất mát, đặc biệt là về người.

Vấn đề đầu tiên theo đại biểu, các địa phương cần rút kinh nghiệm việc phân phối hàng cứu trợ, tránh tình trạng chỗ cần không có, chỗ lại thừa. Thực tế nhiều nơi đã phải chôn hàng tấn thức ăn, vì không kịp phân phát.

"Chúng ta cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xác định nhu cầu thực chất cần cứu trợ là gì; số lượng, thời gian, cách thức đưa hàng cứu trợ đến trực tiếp người dân và địa phương", ông Hiếu nói.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu sáng nay.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu phát biểu sáng nay.

Tiếp theo là vấn đề trồng rừng để chống xói mòn, sạt lở, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho hay, màu xanh của rừng ở các địa phương hiện nay phần lớn không bền vững, chủ yếu là các cây keo bạch đàn. Các loại cây này khả năng giữ đất không cao, chu kỳ khai thác ngắn chỉ 3-5 năm.

Do vậy, chúng ta cần thay đổi cách làm, tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài nước để triển khai trồng rừng theo địa từng địa phương, từng địa hình, địa lý khác nhau. Cần tăng cường trồng cây bản địa, cây lâu năm; nếu vẫn cần khai thác kinh tế thì có thể quy hoạch những vùng trồng cây sản xuất ở phía dưới, còn phía trên đỉnh núi là những cây lâu năm, cây bản địa.

Đồng thời, theo đại biểu Lân Hiếu, việc khai thác gỗ tự nhiên cần chấm dứt; tuyên truyền để thay đổi sở thích "sập gụ, tủ chè, bình hứng lộc" làm bằng gỗ nguyên khối tự nhiên của người Việt Nam. "Cần nghiêm trị hành vi phá hoại môi trường cho dù là nhỏ nhất, như trồng cây mà vẫn còn nguyên bọc hay cây còn có khả năng cứu lại chặt đi để xin ngân sách trồng mới", ông nói thêm.

Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, công tác cứu trợ người dân vùng cao phía Bắc chịu ảnh hưởng của bão số 3 thể hiện tình đoàn kết, yêu thương dân tộc.

Đại biểu cảm động trước hình ảnh những chiếc ô tô đi thật chậm để chắn gió cho người đi xe máy, những căn hộ, khách sạn mở cửa miễn phí đón người dân vào trú bão. Hay đồng bào miền Nam, miền Trung ruột thịt xuyên đêm chế biến thực phẩm, gói ghém hàng hóa để gửi cho đồng bào miền Bắc, hàng nghìn chuyến xe chở nhu yếu phẩm nối đuôi nhau cùng hướng về vùng lũ, rất đáng khen ngợi.

Để tiếp tục chuẩn bị tốt hơn nữa để phòng tránh, ứng phó thiên tai, đại biểu đề nghị tiếp tục có các cơ chế đặc cách, đặc thù để bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ cho các địa phương bị ảnh hưởng, nhất là các địa phương miền núi. Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ cần cho phép thực hiện các thủ tục rút gọn để triển khai nguồn lực hỗ trợ đến với bà con, để tấm lòng của Đảng, Nhà nước sớm đến với bà con vùng bị thiệt hại do bão lũ.

Bình luận
vtcnews.vn