• Zalo

Đại biểu quốc hội chỉ ra nhiều bất cập trong giải quyết chế độ cho giáo viên

Giáo dụcChủ Nhật, 11/06/2017 07:59:00 +07:00Google News

“Từ năm 2005, giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ đào tạo trên chuẩn không được hưởng lương theo bằng cấp đào tạo".

Ngày 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Tại buổi thảo luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc, đoàn Hưng Yên đã có nhiều đóng góp ý kiến về lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Vấn đề thứ nhất, thực hiện cơ chế tự chủ xã hội hóa giáo dục đáp ứng việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Để thực hiện thành công quá trình đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 88 và Nghị quyết 29 thì cơ sở vật chất hiện đại phù hợp với nội dung của chương trình giáo dục tổng thể là cần thiết và cấp bách.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc đoàn Hưng Yên (ảnh nguồn quochoi.vn).

Hiện, nhiều cơ sở giáo dục còn khó khăn về cơ sở vật chất, hơn nữa con người, tài chính đều phụ thuộc không thể tự chủ.

Việc tăng cường cơ sở vật chất, tăng cường hỗ trợ của doanh nghiệp địa phương cho hoạt động giáo dục thông qua hoạt động xã hội hóa giáo dục không phải cơ sở giáo dục nào cũng thực hiện được.

Để kêu gọi sự ủng hộ của các doanh nghiệp các nhà hảo tâm thì phụ thuộc rất nhiều vào mối quan hệ của người đứng đầu cơ sở giáo dục đó, cũng như điều kiện kinh tế xã hội của địa phương.

Video: Giáo viên TPHCM được vay 500 triệu đồng mua nhà

Nếu kêu gọi sự ủng hộ phụ huynh thì xã hội lên án là lạm thu. Biện pháp để tăng cường cơ sở vật chất ngoài ngân sách nhà nước, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước thì việc thực hiện xã hội hóa là cần thiết.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả các cơ sở giáo dục nên được tự chủ về tài chính, con người có sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Các nguồn xã hội hóa được phép huy động sử dụng khi được đồng thuận kể cả của cha mẹ học sinh. Các cơ sở giáo dục phải công khai minh bạch về đội ngũ chất lượng cơ sở vật chất tài chính, thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở.

Theo Nghị định 16 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để thay thế cho Nghị định 43 năm 2006 của Chính phủ.

Trong đó quy định các bộ chuyên ngành xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi ban hành nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Vì vậy, các cơ sở giáo dục chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai Nghị định 16 này.

“Vấn đề này tôi xin có 2 kiến nghị:  Kiến nghị thứ nhất, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm ban hành nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Để các cơ sở giáo dục có đầy đủ cơ sở pháp lý triển khai Nghị định 16 này.

Kiến nghị thứ hai, đề nghị Chính phủ chỉ đạo ưu tiên chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài tăng cường hợp tác quốc tế, thiết lập mối quan hệ hợp tác hữu nghị với nhiều tổ chức giáo dục trong khu vực và trên thế giới nhằm nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên.

Chỉ đạo triển khai hiệu quả dự án ODA về phát triển giáo dục và đào tạo. Thu hút các nguồn tài trợ, các dự án vay nước ngoài để phát triển cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục” – Đại biểu Nguyễn Thị Phúc nhấn mạnh.

Cũng theo vị đại biểu Quốc hội này, hiện tồn tại những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của ngành giáo dục.

Vướng mắc thứ nhất, căn cứ vào Điều 3 Luật viên chức số 58 năm 2010 Quốc hội khóa 13 và các nghị định của chính phủ như Nghị định 29 ban hành năm 2012, Nghị định 06 ban hành năm 2010 người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là công chức, nhưng các bộ, ngành không ban hành thông tư hướng dẫn nên khi triển khai thực hiện có nhiều vướng mắc, ví dụ, nếu xảy ra hiện tượng Hiệu trưởng bị kỷ luật sẽ áp dụng theo Luật cán bộ, công chức hay Luật viên chức.

Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là công chức nhưng các chế độ, chính sách mà ngạch lương tiêu chí đánh giá vẫn theo Luật viên chức.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu sớm ban hành thông tư điều chỉnh nghị định sao cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Vướng mắc thứ hai, chế độ bảo lưu phụ cấp nhà giáo được điều động làm công tác quản lý tại sở, thời gian bảo lưu là 36 tháng, quy đinh tại Quyết định số 42 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ kể từ ngày 01/06/2015 đến nay đã hết hiệu lực.

Mặt khác, theo Nghị định số 54 năm 2011 của Chính phủ thì giảng viên, giáo viên chuyển về phòng sẽ không được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Đây là một khó khăn để luân chuyển giảng viên, giáo viên giỏi có kinh nghiệm, có chất lượng về công tác tham mưu tại phòng, ban, sở, là cơ quan có nhiều đầu việc nên cần người có trình độ cao.

Đề nghị Chính phủ nghiên cứu bổ sung chính sách thâm niên nhà giáo đối với cán bộ, công chức tại cơ quan quản lý cấp bộ, sở và phòng.

Vướng mắc thứ ba, từ năm 2005 tới nay, giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ đào tạo trên chuẩn không được hưởng lương theo bằng cấp đào tạo do văn bản hướng dẫn quy định của các bộ, ngành về tiêu chuẩn ngạch, bậc chưa ban hành nên việc tổ chức xếp hoặc thi nâng ngạch cho giáo viên chưa thực hiện được.

Kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp với Bộ Nội vụ tổ chức xếp nâng ngạch cho giáo viên sau khi đã đáp ứng được điều kiện của Thông tư liên tịch số 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ.

Với giáo viên mầm non chưa có văn bản hướng dẫn dạy ngoài giờ cho những thời điểm chưa bố trí được giáo viên, người dạy bị thiệt thòi.

Thông tư số 6 năm 2015 không quy định biên chế giáo viên cho một lớp, cho những lớp ghép.

Thực tế thì những giáo viên dạy ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn phải dạy lớp ghép và điều này dẫn tới tính thiệt thòi cho biên chế, cho giáo viên đó và khó khăn trong chăm sóc, nuôi dưỡng cho trẻ.

Vướng mắc thứ tư, tiêu chí đánh giá, phân loại đối với viên chức tại Nghị định 56 năm 2015 của Chính phủ hiện đang còn gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, tại Điều 26, Điều 27.

“Tôi nêu ví dụ như sau: Với viên chức để hoàn thành nhiệm vụ thì cần sáng kiến kinh nghiệm, vậy với đội ngũ y tế, bảo vệ, văn thư do tính chất đặc thù của công việc thì có nhất thiết cần phải có tiêu chí này?

Số lượng sáng kiến kinh nghiệm mỗi năm nhiều như vậy thì chất lượng không cao, mang tính hình thức, kể cả công tác tổ chức chấm cũng vẫn hình thức.

Đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ sửa tiêu chí đánh giá, phân loại đối với viên chức quy định tại Nghị định 56.

Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn kết hợp với quy định đánh giá chuẩn nghề nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục khi tổ chức triển khai thực hiện” Đại biểu Nguyễn Thị Phúc nhấn mạnh.

Ngoài ra, Đại biểu đến từ đoàn Hưng Yên còn chỉ đề nghị thay đổi một số vấn đề còn bất cập trong các văn bản quy phạm như:

“Đề nghị Chính phủ xem xét hợp nhất các chính sách của Nghị định Chính phủ như Nghị định 61 ban hành năm 2006, Nghị định 19 năm 2013 và một số nghị định khác về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức công tác tại vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn thành chính sách hỗ trợ chung, đồng thời gộp các loại phụ cấp, trợ cấp thành một loại phụ cấp theo từng mức và ở từng lĩnh vực cụ thể.

Tiêu chuẩn xếp hạng danh hiệu nhà giáo ưu tú theo Nghị định 27 của Chính phủ năm 2015 có chỗ chưa phù hợp với Luật giáo dục và nghề nghiệp.

Có sự không phù hợp giữa hai quy định này, tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu với Chính phủ xem xét sớm ban hành hướng dẫn nhằm giải quyết bất cập này.

Về việc thực hiện Nghị định số 108 năm 2014 của Chính phủ về tinh giản biên chế. Thực trạng tinh giản biên chế đa phần ở các cơ sở giáo dục dựa vào việc dừng tuyển dụng và số người đủ độ tuổi về hưu.

Điều này gây ra nhiều bất cập nhưng không có người kế nhiệm vị trí công việc, ngành giáo dục ở một số địa phương vốn đã dừng tuyển dụng từ rất lâu, có nơi ngừng tuyển dụng từ năm 2008 tới nay đã gần 10 năm, nay lại vướng mắc chủ trương tinh giản biên chế khiến lòng yêu nghề và tinh thần làm việc của giáo viên hợp đồng giảm sút. Ngành giáo dục không thu hút được học sinh giỏi yêu nghề. Đề nghị Chính phủ xem xét những vướng mắc này”.

(Nguồn: giaoduc.net.vn)
Bình luận
vtcnews.vn