Chắc hẳn phần lớn trong chúng ta đều từng gặp cảnh con đường rộng thênh thang bỗng trở nên tắc nghẽn vì chiếc rạp lớn chễm chệ chiếm lòng đường, có khi bít hơn nửa lối đi. Chiếc rạp giúp người ta khoanh vùng không gian công cộng, thông báo rằng khu vực này tạm thời bị chiếm dụng để làm đám cưới, đám giỗ, đám tang, mừng thọ hay đầy tháng… Gia chủ biết việc làm này không đúng nhưng vẫn thực hiện, cho rằng họ đáng được thông cảm vì nhà có việc, khuôn viên nhà họ không đủ rộng nên phải “mượn” đường đi.
Đây rõ ràng là một sự cố chấp, vì họ không nhất thiết phải làm thế, nói cách khác là họ có lựa chọn hợp lý, an toàn hơn. Thời nay, dịch vụ nhà hàng, trung tâm tiệc cưới và tổ chức sự kiện đã rất phổ biến, cớ sao không sử dụng? Sự kiện quan trọng của gia đình thì càng cần đảm bảo sự hoàn hảo, tránh tối đa nguy cơ phát sinh sự cố, trong khi việc dựng rạp lấn chiếm lòng đường vô cùng nguy hiểm, kém văn minh. Vậy mà vấn nạn này vẫn tồn tại bao nhiêu năm nay không xóa bỏ được.
Luật Giao thông đường bộ 2008 nghiêm cấm hành vi "sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè phố vào mục đích tự phát hoặc làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông" (theo khoản 4, điều 8). Bắc rạp giữa đường chính là xâm phạm không gian giao thông công cộng, cản trở lưu thông và gây nguy hiểm cho cả chủ nhà lẫn người đi đường. Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng đã quy định mức phạt từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng cho vi phạm này (điều 12).

Rạp đám cưới dài hơn 100m, chiếm hết nửa mặt đường lưu thông hai chiều ở TP.HCM.
Sự nghiêm khắc đó là cần thiết vì đã có không ít sự cố, tai nạn giao thông xảy ra do dựng rạp chắn lòng đường. Tối 21/11/2015, chiếc xe cẩu vừa đổ dốc thì gặp rạp đám cưới đang dựng chiếm gần 2/3 đường Lê Thị Hoa (Thủ Đức, TP.HCM). Dù cố lách qua một bên để tránh đám đông dự tiệc nhưng do đường hẹp, ô tô vẫn tông vào nhiều người đi đường và trên vỉa hè, khiến một thiếu nữ 16 tuổi tử vong và 5 người khác bị thương.
Ngày 11/3/2020, trên Quốc lộ 10 đoạn qua xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, một chiếc xe container phanh đột ngột khi đến gần rạp cưới được dựng dưới lòng đường, vết bánh xe kéo dài nhiều mét trên mặt đất. Theo các nhân chứng, một phụ nữ đi xe máy bị xe container tông gục, một người khác cũng bị thương rất nặng.
Sáng 21/12/2020, một người đi xe máy va vào cụm đá dùng để cố định rạp đám cưới trên mặt đường Quốc lộ 29 đoạn qua thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên (dây thừng một đầu buộc vào khung rạp, đầu kia buộc vào cụm đá), tài xế thiệt mạng do chấn thương sọ não. Người dựng rạp và chủ nhà đều bị xét xử, nhận án tù treo hoặc cải tạo không giam giữ.
Những tấm vải, tấm bạt làm sao đủ bảo vệ tính mạng những con người đang ngồi ăn cỗ giữa lòng đường, trước mũi ô tô? Tại sao người ta lại chấp nhận những rủi ro rõ ràng như vậy chỉ vì một bữa tiệc?
Không chỉ gây nguy hiểm, việc dựng rạp giữa đường còn thể hiện sự thiếu ý thức cộng đồng. Con đường là không gian chung, phục vụ việc đi lại của tất cả mọi người. Khi một gia đình chiếm dụng nó để tổ chức sự kiện riêng, họ đang ngang nhiên đặt lợi ích cá nhân lên trên quyền lợi của tập thể. Hành động này không chỉ phạm luật mà còn phản ánh lối suy nghĩ ích kỷ, thiếu trách nhiệm với xã hội.
Có người ngụy biện rằng việc dựng rạp ăn cỗ nơi công cộng thể hiện sự gắn kết cộng đồng, là tập quán lâu đời, nhưng không phải truyền thống nào cũng đáng được duy trì, nhất là khi nó đã không còn phù hợp với thời đại và gây hại cho xã hội. Nếu chỉ vì tiện lợi hay tiết kiệm chi phí mà bất chấp sự an toàn của chính mình và người khác thì đó không còn là truyền thống mà là vấn nạn phải loại bỏ.
Hiện nay, không khó để tìm thấy các trung tâm tiệc cưới, nhà hàng hoặc sân bãi rộng rãi cho thuê với mức giá hợp lý. Các địa điểm này không chỉ đảm bảo không gian thoải mái, an toàn mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn, tránh làm phiền hàng xóm và những người đi đường. Sự kiện được tổ chức trong không gian chuyên nghiệp chắc chắn tốt hơn là làm giữa đường đi, nơi mọi người vừa ăn tiệc vừa ngay ngáy lo bị xe đụng.
Vậy tại sao vẫn có những người bất chấp tất cả để dựng rạp giữa đường? Phải chăng là do nhận thức chưa đủ về hậu quả của hành động này? Hay chỉ đơn giản là vì thói quen cũ quá khó bỏ? Dù lý do là gì, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này. Không thể tiếp tục dung túng cho những hành vi xem thường pháp luật, xem thường an toàn của bản thân và cộng đồng.
Đối với các trường hợp dựng rạp giữa đường để tổ chức đám tang, lâu nay hàng xóm và cả cán bộ địa phương cũng ngại phản đối vì nể nang, cho rằng “nghĩa tử là nghĩa tận”. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng sự nể nang này có thể gây ra đám tang khác hoặc khiến ai đó bị thương tật, tàn phế. Do đó, nếu tư gia quá hẹp, nên tổ chức ở nhà tang lễ. Nếu địa phương không có nhà tang lễ, tôi tin chắc rằng gần đó có những bãi trống hay không gian công cộng mà gia đình có thể mượn. Chính quyền địa phương nên hỗ trợ người dân về địa điểm trong trường hợp này.
Tóm lại, trong bất cứ trường hợp nào cũng sẽ có những lựa chọn tốt hơn là ngồi thách thức tử thần trong chiếc rạp lấn chiếm lòng đường. Người nào có lý trí đều biết nên chọn sinh mạng hay sự tiết kiệm.
Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.
Bình luận (25)
Oh hôm nay mới đọc bài báo này thì nhớ đến tuần trước ở đường nhà mình họ cũng dựng rạp chiếm đường. Cách mấy chục mét họ kê cái ghế dựng biển nhờ người đi đường khác vì nhà có việc. Mình không dám chụp hình vì sợ họ chửi. Mình biết 1 số người đi ô tô lại phải đánh xe đi đâu đó gửi tạm để về nhà.
Thật kinh hãi mỗi khi ở quê có đám cưới thứ nhất họ chiếm lòng đường giao thông thứ hai họ mở nhạc hết cỡ với mớ nhạc hỗn độn nào là tiếng tây nào là tiếng việt với cả chục dòng nhạc, thật kinh hoàng. Rất mong các cấp Chính quyền xử lý để triệt để tệ nạn cưới xin chiếm lòng đường mở nhạc thâu đêm suốt sáng.
Quê tôi ở thị xã Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh kể cả lãnh đạo mà có đám cưới đám tang họ cũng làm dựng rạp ra đường chứ rất ít gia đình vào những trung tâm tiệc cưới vì vào đó tốn tiền hơn,, cán bộ mà vẫn không gương mẫu thì làm sao mà người dân người ta noi theo được có những nhà họ làm ở giữa đường Liên xã Liên thôn chắn hết đường đi có nhà chiếm dụng hàng chục ngày từ ngày đăng ký cho đến sau ngày cưới mới ngày vẫn không rỡ rạp,,,
Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểmt của tác giả. Thời bây gio[f mà còn tiết kiệm kiểu này, chẳng qua do thói quen, nếp nghĩ cũ khó bỏ.
Không nên thông cảm nể nang, phải phạt nặng vì đây là chuyện mạng người.
Phạt nặng những người dựng rạp giữa đường, và phải phạt cả cán bộ nào chịu trách nhiệm quản lý để xảy ra vi phạm. Rạp mới dựng ko biết đã đành, đằng này dựng cả ngày trời, ăn uống hội hè tùm lum mà nói không biết thì ai tin.
Đương nhiên là biết, nhưng chính nhiều cá bộ cũng nghĩ là chẳng sao đâu; rồi thì nghĩ bà con ta cả, nhà ai cũng có lúc có việc nên cứ bỏ qua.
Trách nhiệm của chính quyền địa phương trong chuyện này rất lớn, thật ra tình trạng này còn tồn tại hay không là do họ. Họ cứ dung túng, nể nang vì chính bản thân cán bộ vẫn nhận thức kém, chưa nhận thức đủ mức độ quan trọng của vấn đề cũng như vị trí công tác của mình phải ưu tiên nhất điều gì.