• Zalo

Cuộc đời ly kỳ của vị vua liên quan nguồn gốc Tết Hàn thực

Chuyện bốn phươngThứ Tư, 14/04/2021 09:00:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Với cuộc đời ly kỳ đầy tính huyền thoại, Tấn Văn Công, vị vua liên quan đến nguồn gốc Tết Hàn thực, xuất hiện rất nhiều trong văn chương, phim ảnh.

Nguồn gốc Tết Hàn thực gắn liền với nhân vật Giới Tử Thôi và nhân duyên oan nghiệt của ông với vị vua thứ 24 của nước Tấn, chư hầu nhà Chu thời Xuân Thu (Trung Quốc) - Tấn Văn Công. 

Tấn Văn Công tên thật là Cơ Trùng Nhĩ. Dù chỉ ở ngôi 8 năm (636-628 trước Công nguyên) nhưng ông tạo nên nền móng cho sự hùng mạnh của nước Tấn trong cả thế kỷ sau đó. Với sự nghiệp đầy tính huyền thoại, ông được xếp vào “ngũ bá” thời Xuân Thu, được sử sách nhắc tới rất nhiều.

19 năm lưu vong

Thời chưa lên ngôi, Tấn Văn Công được gọi là Công tử Trùng Nhĩ. Ông là con trai trưởng của Tấn Hiến Công nhưng mẹ không phải chính thất. Từ tuổi thiếu niên, Trùng Nhĩ đã nổi tiếng là hiền đức, được yêu mến do kính trọng kẻ sĩ. Từ năm 17 tuổi, ông đã có nhiều nhân sĩ trung thành phò tá mình. 

Do không phải do chính thất sinh ra nên dù là con trai trưởng, Trùng Nhĩ không được lập thế tử. Vị trí này thuộc về Thân Sinh, con trai thứ ba của Tấn Hiến Công, con của Tề Khương phu nhân. Sau khi vị phu nhân này qua đời, vua Tấn phong cho ái thiếp Ly Cơ làm chính thất, sau đó muốn lập con trai của mỹ nhân này là Hề Tề (còn nhỏ) làm thế tử. Sợ các con trai lớn cản trở, ông bèn sai đi trấn thủ những vùng đất xa xôi, trong đó Công tử Trùng Nhĩ phải đến thành Bồ gần biến giới phía bắc.

Năm 655 trước Công nguyên, Tấn Hiến Công nghe lời dèm pha của Ly Cơ, giết Thân Sinh và lập Hề Tề làm thế tử. Trùng Nhĩ và người em là Di Ngô đang đến thăm cha cũng bị Ly Cơ gièm pha, sợ hãi vội bỏ chạy về vùng đất họ trấn thủ là ấp Bồ và ấp Khuất.

Giận 2 con lớn tự ý bỏ đi, vua Tấn điều quân đánh. Trùng Nhĩ chạy sang quê mẹ ở đất Địch. Nhiều người nước Tấn mến mộ ông bèn bỏ nước Tấn chạy theo phò tá. Để bảo vệ ngôi thế tử cho Hề Tề, Tấn Hiến Công cho quân đánh nước Địch để truy kích Trùng Nhĩ nhưng không thành. Trùng Nhĩ lấy vợ rồi sinh 2 người con ở đất Địch.

Cuộc đời ly kỳ của vị vua liên quan nguồn gốc Tết Hàn thực - 1

Tấn Văn Công - vị vua liên quan đến nguồn gốc Tết Hàn thực. 

Bốn năm sau, vua Tấn qua đời, quan đại phu giết Hề Tề rồi sai sứ đi mời Trùng Nhĩ về làm vua. Sợ vây cánh những người chống đối còn đông, ông tìm cớ từ chối. Vì vậy, em trai ông là Di Ngô lên ngôi, là Tấn Huệ Công. Người em này sau đó kết oán với nước Tần và các quan trong nước, sợ mọi người rước Trùng Nhĩ về nên cho tráng sĩ ám sát ông. Trùng Nhĩ được tin, bỏ nước Địch chạy sang nước Tề. Tại đây, ông cưới nàng Tề Khương, một người họ hàng của vua Tề.

Vua Tề mất, các con tranh giành ngôi báu gây biến loạn, các mưu sĩ khuyên Trùng Nhĩ đi nơi khác lánh nạn nhưng ông quá yêu Tề Khương không muốn rời. Nàng khuyên chồng không được, bèn chuốc rượu rồi cho người đưa ông lên xe, rời khỏi nước Tề. Vị công tử này long đong qua nước Tào, nước Tống, nước Trịnh, đến khi sang nước Sở mới được trọng thị.

Trong một bữa tiệc, vua Sở hỏi ông rằng sau này sẽ báo đáp nước Sở thế nào, Trùng Nhĩ trả lời: "Nếu hai nước phát sinh chiến tranh, nước Tấn sẽ lui nhường nước Sở 3 xá". Vì câu nói này, đại tướng nước Sở đoán được chí lớn của Trùng Nhĩ, khuyên vua giết ông để trừ hậu họa, tuy nhiên Sở vương không nghe.

Năm 637 trước Công nguyên, Tấn Huệ Công mất, thế tử lúc đó đang làm con tin ở nước Tần trốn về để nối ngôi, là Tấn Hoài Công. Vua Tần giận, bèn sai sứ đến rước Công tử Trùng Nhĩ về làm vua Tấn. Ông đến nước Tần, được vua Tần gả cho 5 người con gái, trong đó có nàng Hoài Doanh là vợ cũ của Tấn Hoài Công (cháu gọi Trùng Nhĩ là bác).

Năm sau, Trùng Nhĩ được quân Tần đưa về nước. Tấn Hoài Công điều quân ra đánh nhưng phần lớn đông binh sĩ và nhân dân đều yêu mến Trùng Nhĩ nên muốn đón rước ông thay vì chống lại. Tấn Hoài Công biết mình thế cô bèn bỏ chạy. Trùng Nhĩ lên ngôi báu, trở thành Tấn Văn Công.

Tuy nhiên, kiếp long đong lận đận của vị vua này vẫn chưa kết thúc. Vây cánh của vua cũ vốn khá đông tìm cách ám sát ông. Tấn Văn Công phải bí mật sang Tần lánh nạn. Sau đó, nước Tần giúp ông tiêu trừ loạn thần, hộ tống về nước, từ đó nước Tấn mới yên.

Những năm sau đó, Tấn Văn Công liên tục lập chiến công. Ông giúp thiên tử nhà Chu diệt trừ phản loạn, giành lại ngôi báu. Ông đánh bại quân Sở, hội thiên tử và chư hầu, được vua nhà Chu phong là bá chủ chư hầu, vị thế của nước Tấn được nâng lên một tầm cao mới.

Vụ đốt rừng và nguồn gốc Tết Hàn thực

Trong số các cận thần tòng vong (phò tá trong 19 năm lưu vong) của Tấn Văn Công có Giới Tử Thôi. Người này tận tâm tận lực đến mức từng cắt thịt đùi mình nấu cho chủ ăn trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Đến khi Tấn Văn Công giành được ngôi vua, thưởng cho công thần, lại quên mất Giới Tử Thôi do ông không có mặt trong buổi luận công ban thưởng.

Giới Tử Thôi thực ra không giận hờn gì vua Tấn vì cho rằng ông được ngôi là do hiền đức, được trời ủng hộ. "Những người theo hầu không biết ý trời, dám tự nhận là công mình, con nghĩ lấy làm xấu hổ lắm, chẳng thà đi khâu giày mà ăn còn hơn", Tử Thôi giải thích với mẹ, sau đó đưa mẹ đến đất Miên Thượng núi cao hang sâu, làm nhà trong hang mà ở.

Bất bình cho Tử Thôi có công không được thưởng, người hàng xóm tốt của ông viết lá thư nặc danh gửi đến vua Tấn rằng: "Có một con rồng khi còn hoạn nạn cô thế, đàn rắn đi theo, chu du thiên hạ. Rồng không có ăn, một rắn cắt đùi, nay rồng trở về đã được yên sở, đàn rắn theo vào đều sung sướng cả, chỉ có một co, chẳng ai hỏi đến".

Cuộc đời ly kỳ của vị vua liên quan nguồn gốc Tết Hàn thực - 2

Nguồn gốc Tết Hàn thực liên quan đến điển tích Tấn Văn Công đốt rừng để ép Giới Tử Thôi ra mắt.

Tấn Văn Công đọc thư giật mình, nói: "Đây là Giới Tử thôi oán giận ta đó? Khi trước ta qua nước Vệ không có ăn, Giới Tử Thôi cắt thịt đùi để dâng ta, nay ta ban thưởng công thần mà quên mất Giới Tử Thôi, ấy là một điều lỗi của ta vậy". Vua bèn sai đi triệu Giới Tử Thôi, rồi đích thân đến Miên Thượng tìm người, nhưng vị cựu thần này vẫn ẩn trong núi không chịu ra.

Sau mấy ngày tìm kiếm khắp núi không được, Tấn Văn Công trên mặt có sắc giận trên mặt, nói: "Sao Giới Tử Thôi giận ta đến thế? Ta nghe nói Tử Thôi là người chí hiếu, nếu ta đốt khu rừng này thì y tất phải cõng mẹ chạy ra".

Tuy nhiên, mặc cho lửa đốt trụi cả khu rừng, Giới Tử Thôi vẫn không ra, hai mẹ con ôm nhau chết dưới gốc cây liễu. Quân sĩ tìm được đống xương, Tấn Văn Công trông thấy thì ứa nước mắt, truyền cho quân sĩ đem chôn ở chân núi, lập miếu thờ, bao nhiêu ruộng xung quanh núi đều để tự điền (ruộng dùng cho việc thờ tự) cả, đổi tên núi là Giới Sơn. Hôm đốt rừng đúng vào ngày 3/3. Về sau người trong nước nhớ đến Giới Tử Thôi chết cháy nên đến hôm đó không nỡ đốt lửa, phải làm sẵn lương khô để ăn, gọi là tiết Hàn thực, nhà nhà chỉ ăn đồ nguội. Mỗi nhà cắm cành liễu ngoài cửa để chiêu hồn Giới Tử Thôi, cũng có nhà làm cỗ và đốt giấy để cúng tế.

Minh Nhật
Bình luận
vtcnews.vn