• Zalo

Cục trưởng Di sản Văn hóa: Lấy con người làm trung tâm trong bảo tồn di sản

PhimThứ Tư, 06/12/2023 18:36:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa khẳng định, để bảo vệ di sản sống, phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm.

Điều này được PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa khẳng định trong hội thảo Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững: Từ cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm vừa diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong khuôn khổ chương trình Di sản Văn hóa hướng đến sự Phát triển đồng đều. 

Tại hội thảo, nhiều nội dung quan trọng đã được bàn thảo, chia sẻ như: Tiêu điểm quốc tế Di sản văn hóa sống và phát triển bền vững; Cơ hội và thách thức trong di sản văn hóa gắn với phát triển bền vững; Di sản văn hóa sống và cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm; Di sản văn hóa sống và sự tham gia của cộng đồng…

Chủ thể nắm giữ di sản phải là trung tâm

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa ( Bộ VHTT&DL) khẳng định, di sản văn hóa phi vật thể, hay “di sản sống” có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ hội cho cộng đồng và cá nhân ý thức về bản sắc và sự kế tục.

Di sản có thể thúc đẩy sự gắn kết xã hội, tôn trọng sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người và giúp các cộng đồng, cá nhân kết nối với nhau ở cấp độ địa phương, cũng như với thế giới rộng lớn hơn.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa khẳng định, để bảo vệ di sản sống, phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm. (Ảnh: Bộ VHTT&DL)

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa khẳng định, để bảo vệ di sản sống, phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm. (Ảnh: Bộ VHTT&DL)

Lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đã được luật hóa vào năm 2001. Năm 2005, Việt Nam cũng là một trong 30 quốc gia thành viên sớm tham gia Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Cho tới nay, sau 18 năm tham gia Công ước, Việt Nam luôn nỗ lực thể hiện là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong việc thực hiện và thúc đẩy sự phát triển của Công ước tại Việt Nam.

Với hai lần trúng cử là thành viên Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 và có 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, Việt Nam đã thực hiện bài bản việc bảo vệ và phát huy theo các Chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản đã cam kết với UNESCO sau khi được ghi danh.

Di sản văn hóa phi vật thể đã khẳng định vai trò trong đời sống văn hóa-xã hội, góp phần phát triển kinh tế, du lịch và phát triển bền vững. 

“Điều đó cho thấy sự ghi nhận về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể và sự đóng góp của di sản vào phát triển bền vững và đa dạng văn hóa. Những quy định liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể nhằm mục đích bảo vệ di sản sống; đảm bảo sự tôn trọng đối với di sản đã được quy định rõ ràng trong luật, góp phần để cộng đồng và xã hội nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản và cũng ý thức bảo vệ, phát huy giá trị của di sản…”. PGS.TS Lê Thị Thu Hiền nhấn mạnh.

Cũng theo PGS.TS Lê Thị Thu Hiền, được nắm giữ, thực hành và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, di sản văn hóa phi vật thể, di sản sống được các cộng đồng và các nhóm người không ngừng tái tạo để thích nghi với môi trường, với mối quan hệ qua lại giữa cộng đồng, với tự nhiên và lịch sử của họ, hình thành trong họ ý thức về bản sắc và sự kế tục, qua đó khích lệ sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và tính sáng tạo của con người.

Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa khẳng định, để bảo vệ di sản sống, phải coi cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản là trung tâm, bởi bảo vệ di sản sống, bảo vệ con người nắm giữ di sản là điều quan trọng nhất để xây dựng xã hội toàn diện, khả năng phục hồi và bền vững cho tương lai.

Ông Iain Frew, Đại sứ Anh tại Việt Nam đánh giá cao những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại Việt Nam. Ông cho rằng, Việt Nam đang có ngày càng nhiều di sản văn hóa được công nhận trong nước và quốc tế. Việt Nam cũng đang tìm cách tận dụng tối đa những giá trị này, đảm bảo rằng di sản văn hóa sẽ trở thành trung tâm của phát triển bền vững.

Thay đổi nhận thức 

Thông qua các thảo luận, các ví dụ điển hình, hội thảo cùng nhìn nhận những chiến lược phù hợp, thách thức và cơ hội trong việc tận dụng di sản phi vật thể để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời vinh danh sự đóng góp của cộng đồng, khẳng định tầm quan trọng và vai trò trung tâm của họ trong quá trình chuyển biến này.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang (Cục Di sản Văn hóa), với tư cách là nguồn tài nguyên nhân văn có chất lượng trí tuệ cao, di sản văn hóa có khả năng phục vụ yêu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hoá, tiêu biểu nhất là phát triển du lịch văn hoá hay du lịch di sản.

Trên cơ sở kho tàng di sản văn hóa dân tộc, ngành du lịch sáng tạo ra các loại hình dịch vụ văn hoá biến di sản thành loại hàng hoá đặc biệt. Du lịch di sản cũng tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân cư trú xung quanh di sản văn hóa và các điểm đến du lịch.

Di sản văn hóa chỉ được bảo tồn khi nó được sử dụng và phát huy để phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam. (Ảnh: VOV)

Di sản văn hóa chỉ được bảo tồn khi nó được sử dụng và phát huy để phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam. (Ảnh: VOV)

TS. Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng di sản văn hóa chỉ được bảo tồn khi nó được sử dụng và phát huy để phục vụ mục tiêu phát triển toàn diện con người Việt Nam.

Di sản văn hóa phải được bảo tồn như một cơ thể sống động, trong sự phát triển tiếp nối của cộng đồng và tạo ra sinh kế bền vững cho cộng đồng. Những mục tiêu lớn đặt ra chỉ có thể đạt được trên cơ sở một hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách do nhà nước kiến tạo nên và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ nhiệt thành của cả cộng đồng xã hội...

Bà Nikki Locke, Trưởng Ban Dự án Di sản văn hóa cho sự phát triển đồng đều của Hội đồng Anh toàn cầu chia sẻ rằng ở Anh, nhà nước thành lập Quỹ Di sản Văn hóa quốc gia. Nguồn quỹ này dùng để thực hiện nhiều dự án khác nhau, là cơ hội lớn để cộng đồng tiếp cận và có được nguồn vốn cần thiết để bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản văn hóa mà cộng đồng, chủ thể nắm giữ di sản đó mong muốn.

Đại diện Hội đồng Anh toàn cầu cũng cho rằng cần có thêm sáng kiến để khuyến khích và thúc đẩy tinh thần tự nguyện hành động vì di sản văn hóa trong các cộng đồng. Việc thực hiện dự án nên ưu tiên tiếp cận nhóm người cao tuổi, trí thức trong các tộc người bởi họ là những người có sức ảnh hưởng lớn, đẩy mạnh truyền thông về vai trò quan trọng và năng lực của chính người dân địa phương trong việc bảo tồn di sản văn hóa vốn thuộc về chính họ. 

Bà đề xuất giải pháp thiết lập các bảo tàng mini tại cộng đồng - nơi trưng bày trang phục truyền thống, công cụ lao động, vật thể dùng cho nghi lễ, các nhạc cụ, các sản phẩm gia đình tự làm.

Lê Chi
Bình luận
vtcnews.vn