Tôi đã rất nhiều lần bức xúc mắng ra miệng, mắng thầm trong bụng và mắng trên mạng xã hội khi chứng kiến người khác vi phạm luật giao thông, nhưng bản thân mình lại không ít lần vi phạm. Những lúc đó, tôi tự biện minh bằng những lý do kiểu như “Lúc này đường vắng, vượt đèn đỏ cũng không gây tai nạn” hay “Lúc này làm gì có xe ưu tiên nào, mình chỉ lấn vào làn khẩn cấp một tẹo cho qua chỗ đông người này rồi lại về làn chung”…
Như phần đông mọi người, tôi biết rõ hành vi nào là sai khi chạy xe trên đường. Thời đại thông tin, mọi công dân đều dễ dàng tiếp cận các bài học cũng như quy định pháp luật về an toàn giao thông trên mạng xã hội, báo chí, hệ thống truyền thông của chính quyền và các tổ chức xã hội… Và chắc nhiều người cũng như tôi, biết “có tật giật mình” khi đọc bình luận chỉ trích, mắng mỏ gay gắt những tài xế vi phạm. Tuy nhiên, chúng ta dễ dàng tặc lưỡi bỏ qua các quy định vì thói tùy tiện, bữa bãi đã trở thành nếp, nhất là khi chưa phải trả giá đắt như bị thu bằng lái hay phải nộp phạt số tiền lớn.
Thế nhưng, đôi khi một lời nhắc nhở nhẹ nhàng của con trẻ lại có tác dụng lớn hơn những lời mắng nhiếc trên mạng. Tôi đã vài lần đỏ mặt xấu hổ và dừng ngay hành vi sai trái khi chở con trai đi học, đi chơi trên ô tô.
Một lần, trên đường khá vắng, đèn đỏ bật, thấy luồng xanh chưa có ai qua, tôi định tranh thủ vượt nên không hề giảm tốc độ mà vẫn băng băng tiến tới ngã tư. Con trai liền nhắc: “Bố ơi dừng, dừng! Đèn đỏ rồi kìa”. Khi nhận ra bố biết nhưng vẫn cố tình vượt, nó nói giọng trách móc: “Bố bảo con đèn đỏ là phải dừng xe cơ mà!”.
Tôi cứng họng, chẳng biết nói gì với thằng bé ngoài câu “Bố xin lỗi”, và tất nhiên là dừng lại chờ đèn xanh.
Lần khác, khi con tôi đã học lớp 6, lời nhắc nhở còn nặng nề hơn. Hôm đó tôi chở nó đến lớp học thêm, sắp muộn giờ mà đoạn đường trên cao khá đông đúc. Sốt ruột, tôi chếch mũi xe sang phải, cố gắng rời khỏi dòng xe cộ nối đuôi nhau để lấn sang làn khẩn cấp bên cạnh. Động thái này không thể nhanh được, nên con trai dễ dàng nhận ra ý định của tôi.
Nó nói bằng giọng cố gắng kiên nhẫn giảng giải, kiểu rất ông cụ non: “Đó là làn đường dành cho xe ưu tiên mà bố, là xe của các chú cảnh sát hoặc xe cấp cứu chở người bệnh nặng, mình không đi được”.
“Nhưng con sắp muộn học rồi, cô giáo rất nghiêm, lần trước đã mắng bố một trận”, tôi biện minh. Nhưng thằng bé cứng đầu vẫn không nhượng bộ: “Muộn học còn hơn phạm luật chứ bố. Mình không phải người mông muội nên không đi vào làn khẩn cấp, không vượt đèn đỏ, bố ạ”.
Thú thật là lúc đó tôi thấy nóng ran mặt mày, xấu hổ muốn chui xuống đất. Tôi không biết câu “chỉ người mông muội mới đi vào làn khẩn cấp hay vượt đèn đỏ” được con trai trích dẫn từ đâu. Điều quan trọng là câu ấy được thốt ra từ một đứa trẻ, đối tượng đang tiếp nhận sự giáo dục của người lớn, và nói với bố nó, người vẫn ngày ngày dạy dỗ nó phải sống thế nào cho phải.
Không chỉ xấu hổ, giây phút đó tôi hiểu rõ, nếu vẫn cố tình vi phạm, những nỗ lực dạy con sau này của mình sẽ trở nên vô tác dụng. Tôi ngoan ngoãn trở lại làn đường dành cho mình. Liếc sang ông cụ non bên cạnh, tôi đỏ mặt lần nữa khi bắt gặp cái nhìn tán thưởng, kiểu như “biết sai mà sửa là rất tốt”.
Lời nhắc nhở khá “đau” ấy của con trai khiến tôi sau đó phải nghiêm túc suy nghĩ về văn hóa giao thông của bản thân. Quả thật, ranh giới giữa văn minh và man rợ nằm ở mức độ hiểu biết và tuân thủ pháp luật. Khác với thời ăn lông ở lỗ, xã hội văn minh là nơi con người tuân theo các quy ước chung, mà cao nhất là luật pháp.
Khi coi thường các quy định pháp luật, coi chuyện vượt đèn đỏ, lấn làn, đi vào làn khẩn cấp chỉ là vi phạm nhỏ, chúng ta đang thể hiện sự thấp kém của bản thân, kéo lùi trình độ văn minh bằng biểu hiện mọi rợ của chính mình, mà hậu quả là vô số vụ tai nạn thảm khốc, mang đến đau thương cho rất nhiều gia đình cũng như tổn thất lớn cho xã hội.
Bạn nghĩ gì về câu chuyện này? Hãy chia sẻ ý kiến của bạn ở box bình luận bên dưới.
Bình luận