• Zalo

Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học: Không thể trì hoãn

Kinh nghiệm sống Thứ Hai, 02/05/2022 07:38:30 +07:00Google News

Stress, trầm cảm tuổi học đường có rất nhiều nguyên nhân, nhưng sau đại dịch COVID-19 là thời điểm cộng hưởng khiến “giọt nước tràn ly”.

Theo thông báo của UNICEF có tới 29% thanh thiếu niên Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Còn theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng 50% trẻ ở độ tuổi vị thành niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần; trầm cảm, lo âu, rối loạn tâm thần tăng 3-5 lần so với bình thường…

Những con số đáng chú ý cho thấy sự nghiêm trọng của việc chưa quan tâm đúng mức đến chăm sóc sức khỏe tâm thần học đường và điều này cần phải thực hiện ngay, không thể trì hoãn.

Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong trường học: Không thể trì hoãn - 1

Ảnh minh họa.

Stress, trầm cảm tuổi học đường có rất nhiều nguyên nhân, nhưng sau đại dịch COVID-19 là thời điểm cộng hưởng khiến “giọt nước tràn ly”. Bị cách ly, học online kéo dài, hạn chế giao tiếp, căng thẳng tâm lý trong gia đình như bố mẹ bất hòa, thiếu thốn về kinh tế, quá tải học hành hay căng thẳng khi đối mặt với các kỳ thi, khiến nhiều học sinh mỗi ngày đến trường vẫn đầy áp lực, thậm chí có thể rơi vào tình trạng stress, trầm cảm.

Khi học sinh đi học trực tiếp trở lại sau thời gian học online rất dài, những kỹ năng, cảm xúc và mối quan hệ cần thời gian để các em hồi phục, bắt nhịp dần trở lại.

Theo chuyên gia tâm lý học đường Trần Thị Mạnh Linh, gia đình là nhân tố quan trọng nhất để giúp các con vượt qua giai đoạn khủng hoảng tâm lý, tránh cho trẻ những trầm cảm, stress học đường, hạn chế gây ra những hệ lụy không đáng có.

Nhưng khi cha mẹ quan tâm đến con cần quân tâm đúng cách: "Chúng ta nên sử dụng từ “hy vọng” với học sinh hơn là từ “kỳ vọng”, bởi vì kỳ vọng càng lớn khi không đạt được thì thất vọng càng cao. Điều này sẽ làm cho bản thân các con gặp khó khăn. Như vậy chúng ta vẫn nên hy vọng nhưng hy vọng ở khía cạnh vừa sức để các con có thể bằng năng lực của mình, nỗ lực một chút có thể làm được. Nỗ lực trong vừa sức đó sẽ cho phụ huynh và các con niềm hy vọng vào tương lai gần".

Hiện nay, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em được cung cấp thông qua các trung tâm bảo trợ và phúc lợi xã hội, bệnh viện tâm thần và các phòng tư vấn tâm lý trong trường học. Tuy nhiên, chất lượng và độ bao phủ của các dịch vụ này còn hạn chế. Do đó, nhiều trẻ không nhận được hỗ trợ cần thiết.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, ở các trường học đã có phòng tư vấn tâm lý học đường, nhưng gặp khó khăn do không có biên chế và rất khó tuyển dụng vị trí này.

Giáo viên tư vấn đa số là kiêm nhiệm, người làm công tác tư vấn nhưng không tạo cho các em sự tin tưởng để bộc bạch, tin yêu. Còn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tinh thần quốc gia, các bệnh viện tâm thần cũng chưa đủ nguồn lực đáp ứng cho cộng đồng, trong khi chúng ta có nhiều kỳ thị đối với dịch vụ này khiến cho các em đang có tổn thương sức khỏe tinh thần không muốn tìm đến để được giúp đỡ.

Vì vậy, PGS TS Trần Thành Nam cho rằng, cần phân cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em dựa trên các bằng chứng khoa học: "Trên thế giới đưa ra hệ thống này theo tầng, theo bậc. Ví dụ những bạn hơi có dấu hiệu lệch chuẩn, nguy cơ không thoải mái thì sẽ có chương trình tư vấn tâm lý giáo dục. Với những bạn có triệu chứng lo âu, trầm cảm, stress thì bên cạnh chương trình tư vấn tâm lý phải có chương trình rèn luyện kỹ năng như kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giải quyết vấn đề.

Với những bạn có biểu hiện cao hơn nữa, lo âu, trầm cảm nặng thì can thiệp bằng thuốc hoặc nhập viện. Nếu chúng ta có hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần cho cộng đồng theo bậc như vậy thì ở bậc 0, bậc 1, ở nhóm nhẹ thì nhà trường chỉ giúp đỡ những nhóm đó thôi, còn ở những trường hợp ở mức vừa và mức nặng, chúng ta sẽ có hình thức khác hỗ trợ khác cho các em".

Trong tiến trình xây dựng trường học hạnh phúc, một trong những yếu tố rất quan trọng là chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh, cho phụ huynh và các bên liên quan trong nhà trường. Nhưng để xây dựng Trường học hạnh phúc, cần hiểu đúng về sức khỏe tâm thần và cách chăm sóc sức khỏe tâm thần, cần sự đồng lòng của các lực lượng trong và ngoài ngành giáo dục mà đi đầu là các nhà quản lý giáo dục.

Lê Thu(VOV1)
Bình luận
vtcnews.vn