• Zalo

Bệnh nhân khám, cấp cứu dịp Tết Giáp Thìn tăng hơn 30%

Tin tứcThứ Tư, 14/02/2024 07:41:42 +07:00Google News
(VTC News) -

Trong 6 ngày Tết Giáp Thìn các cơ sở y tế trên cả nước tiếp nhận hơn 320.000 lượt người bệnh khám và cấp cứu, tăng 30,2% so với cùng kỳ Tết Quý Mão.

Theo báo cáo công tác y tế Tết Giáp Thìn của Bộ Y tế, trong 6 ngày Tết Giáp Thìn (từ ngày 8 đến 13/2) các cơ sở y tế trên cả nước tiếp nhận hơn 320.000 lượt người bệnh khám và cấp cứu, tăng 30,2% so với cùng kỳ Tết Quý Mão.

Số liệu này được tổng hợp từ báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, 63 sở y tế các tỉnh, thành phố.

Tổng số bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú là hơn 117.000 người (tăng 2,1%), các cơ sở y tế thực hiện 13.095 ca phẫu thuật, trong đó có gần 2.900 ca phẫu thuật cấp cứu (giảm 7,6%).

Cả nước có hơn 13.000 ca đỡ đẻ, mổ đẻ, giảm 7,3% so với cùng kỳ Tết năm trước.

Các cơ sở y tế trên cả nước tiếp nhận hơn 320.000 lượt người bệnh khám và cấp cứu.

Các cơ sở y tế trên cả nước tiếp nhận hơn 320.000 lượt người bệnh khám và cấp cứu.

Về tai nạn giao thông, trong 6 ngày các cơ sở y tế trong cả nước tiếp nhận khám, cấp cứu cho khoảng 19.700 trường hợp, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, 8.032 trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi (giảm 2%), chuyển tuyến trên điều trị là 2.284 trường hợp (giảm 1,8%).

Số ca tử vong nghi do tai nạn giao thông là 105 trường hợp, giảm 21,1% so với cùng kỳ Tết năm trước.

Đặc biệt, năm nay số ca tai nạn do pháo nổ, chất nổ tăng cao. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến mùng 4 Tết có 583 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa.          


So với Tết năm 2023, số ca tai nạn do pháo nổ, chất nổ tăng 52%, trong số này có tới 302 trường hợp phải nhập viện điều trị.

Ngoài ra, cũng có 82 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế khác, tăng 60 ca so với cùng kỳ Tết năm ngoái, trong đó có 5 trường hợp tử vong (tăng 3 trường hợp).

Từ ngày 8/2 - 13/2, tình hình dịch bệnh trên cả nước không có diễn biến bất thường, không ghi nhận các ca mắc COVID-19, sởi, đậu mùa khỉ, ghi nhận mới hai ổ dịch sốt xuất huyết tại Tiền Giang. 

Hiện có sáu địa phương đang có ổ dịch sốt xuất huyết phải theo dõi gồm: An Giang (9 ổ dịch), TP.HCM (2 ổ dịch), Bến Tre (6 ổ dịch), Tiền Giang (10 ổ dịch), Tây Ninh (45 ổ dịch), Cà Mau (5 ổ dịch).

Từ ngày 8/2 đến ngày 13/2, ghi nhận 181 trường hợp mắc tay chân miệng được báo cáo trên phạm vi cả nước; không ghi nhận trường hợp tử vong. 

Tuy nhiên báo cáo cũng cho biết đã ghi nhận một trường hợp bệnh dại trên người đã tử vong tại xã Tân Phú huyện Thới Bình, Cà Mau. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau đã tổ chức điều tra, giám sát và tham gia xử lý theo quy định.

Không ghi nhận trường hợp mắc các bệnh nguy hiểm, mới nổi như cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), MERS-CoV.

Theo báo cáo và kết quả giám sát an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm của 63 tỉnh, thành phố, 5 Viện khu vực gửi về Cục An toàn thực phẩm từ ngày 8/2 - 13/2 không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm đông người mắc, không có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, vẫn còn ghi nhận một số ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ được ghi nhận tại một số cơ sở điều trị trên toàn quốc

Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục phối hợp với các Viện khu vực, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm/Ban Quản lý an toàn thực phẩm/Sở Y tế tại địa phương để theo dõi, nắm thông tin và xử lý kịp thời trong trường hợp có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

NHƯ LOAN
Bình luận