• Zalo

7 loại vũ khí kỳ lạ trong Thế chiến II

Tư liệuChủ Nhật, 27/10/2024 07:30:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Các bên tham chiến Thế chiến II đều cố gắng phát triển vũ khí mới và sáng tạo để tấn công đối phương, nhiều phát minh thành công và tất nhiên cũng có những thất bại.

Bên cạnh sự huy động chưa từng có về trí tuệ, sức mạnh con người và tài nguyên, Thế chiến II còn chứng kiến nhiều vũ khí và công nghệ được phát triển để trở thành yếu tố thay đổi cuộc chơi, như radar mới và napalm. Tuy nhiên, cũng có nhiều phát minh trở thành những thất bại tốn kém.

Bơm dơi (Mỹ)

Bom napalm nhỏ được gắn dưới bụng con dơi. (Ảnh: War History)

Bom napalm nhỏ được gắn dưới bụng con dơi. (Ảnh: War History)

Đầu năm 1942, Tiến sĩ Lytle S. Adams, một bác sĩ phẫu thuật ở bang Pennsylvania, Mỹ, gửi một lá thư đến Nhà Trắng giới thiệu ý tưởng về một loại vũ khí mà ông tin sẽ tàn phá Nhật Bản.

Ý tưởng xuất phát từ chuyến tham quan hang động Carlsbad ở New Mexico. Đề xuất của Adams là gắn các thiết bị gây cháy vào những con dơi và thả chúng từ máy bay.

Trong số hàng nghìn đề xuất dân sự gửi đến Tổng thống Mỹ khi đó là ông Franklin D. Roosevelt, đề xuất của Adams được bật đèn xanh và chuyển giao cho Cục Chiến tranh Hóa học của quân đội Mỹ.

Dựa trên ý tưởng này, những con dơi được trang bị thiết bị gây cháy hẹn giờ sẽ được thả xuống thành phố của Nhật Bản. Đàn dơi tự phân tán theo mọi hướng, đậu trên mái hiên của các ngôi nhà hoặc doanh nghiệp và sẽ gây ra trận bão lửa.

Adams cam kết rằng "bom dơi" sẽ gây ra sự tàn phá lớn hơn so với bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki nhưng gây ít thương vong cho dân thường hơn.

Cả lục quân và hải quân Mỹ chi hàng triệu USD và bắt hàng nghìn con dơi trong nhiều lần thử nghiệm để biến ý tưởng điên rồ này thành hiện thực. Tuy nhiên, dự án cuối cùng đã bị hủy bỏ vào năm 1944.

Pháo gió (Đức)

Hệ thống pháo gió Windkanone của quân đội Đức trong Thế chiến II. (Ảnh: Nevington War Museum)

Hệ thống pháo gió Windkanone của quân đội Đức trong Thế chiến II. (Ảnh: Nevington War Museum)

Năm 1943, không quân Mỹ cùng Anh triển khai chiến dịch ném bom quy mô lớn vào các thành phố của Đức, nhắm vào các nhà máy, nhà kho và trung tâm vận tải. Chiến dịch không kích liên tục khiến quân đội Đức đối mặt với tình trạng thiếu hụt vũ khí nghiêm trọng so với quân Đồng minh.

Để đối phó, Adolf Hitler và Bộ trưởng Tuyên truyền Joseph Goebbels tuyên bố về việc chế tạo Wunderwaffen (vũ khí kỳ diệu) có thể khiến quân Đồng minh khiếp sợ. Nổi bật nhất trong số đó là các tên lửa khổng lồ V-1 và V-2 phóng từ các địa điểm trên lục địa châu Âu để tấn công những mục tiêu ở London.

"Kỳ diệu ở đây là việc tạo ra các vũ khí mới lạ trong bối cảnh Đức đang cạn kiệt tài nguyên như nhôm, thép và các kim loại khác, họ cũng thiếu cả phi công", nhà sử học John Curatola tại Bảo tàng Thế chiến II Quốc gia ở Louisiana (Mỹ), cho biết, "nhiều vũ khí trong số này là kết quả của sự tuyệt vọng".

Một ví dụ điển hình là Windkanone (pháo gió), một vũ khí phòng không không bắn đạn mà phóng luồng không khí (nitơ và hydro nén) nhằm hạ gục máy bay địch.

Trong các cuộc thử nghiệm, khẩu pháo gió có thể bẻ đôi một tấm ván gỗ từ khoảng cách 200 m. Nhưng trong lần triển khai duy nhất trên cây cầu bắc qua sông Elbe, "vũ khí kỳ diệu" của Hitler trở nên vô dụng.

Dự án Habakkuk (Anh)

Mô hình siêu hạm Habbakuk của Anh. (Ảnh: Acidpotion)

Mô hình siêu hạm Habbakuk của Anh. (Ảnh: Acidpotion)

Trong những năm đầu của Thế chiến II, tàu ngầm U-boat của Đức đã gieo rắc nỗi kinh hoàng ở Bắc Đại Tây Dương, đánh chìm nhiều tàu của Hải quân Anh và các tàu dân sự. Khu vực dễ bị tấn công nhất là “khoảng trống giữa Đại Tây Dương” một vùng biển quá xa bờ biển Mỹ hoặc Anh để máy bay trinh sát có thể tuần tra.

Một ý tưởng được đưa ra là đậu một tàu sân bay khổng lồ ở khu vực này để làm trạm tiếp nhiên liệu và điểm khởi hành cho máy bay tuần tra của phe Đồng minh. Tuy nhiên, nguồn thép và các tài nguyên khác khi đó đang khan hiếm và nhà phát minh người Anh George Pyke đề xuất một giải pháp xây dựng căn cứ không quân nổi bằng băng.

Với sự trợ giúp của một nhà sinh học phân tử, George Pyke đã phát minh ra “pykrete”, một loại vật liệu chống đạn được làm từ băng và bột gỗ, từ đó xây dựng bản thiết kế Dự án Habakkuk, một siêu tàu sân bay dài một dặm và nặng 2,2 triệu tấn.

Thân tàu dày đủ để chống lại ngư lôi, và phần bên trong rỗng có thể chứa máy bay và các tàu nhỏ hơn. Đặc biệt nếu bị hư hại, tàu dễ dàng được sửa chữa bằng bằng băng.

Một mô hình thu nhỏ nặng 1.000 tấn đã được xây dựng và thử nghiệm trên một hồ ở Alberta, Canada. Tuy nhiên, cho đến khi siêu hạm bằng băng hoàn thành thử nghiệm, thì công nghệ của nó lại trở nên lỗi thời khi tầm hoạt động của máy bay đã tăng lên đáng kể.

Chi phí đóng tàu Habakkuk khi ấy khoảng 2,5 triệu USD (tương đương 32 triệu USD hiện nay) được cho là quá đắt đỏ. Dự án cuối cùng bị huỷ bỏ.

Bom chuột (Anh)

Những con chuột chết được nhồi chất nổ để đánh bom quân đội Đức trong Thế chiến II. (Ảnh: DM)

Những con chuột chết được nhồi chất nổ để đánh bom quân đội Đức trong Thế chiến II. (Ảnh: DM)

Cơ quan Điều hành Tác chiến Đặc biệt (SOE) của Anh trong Thế chiến II giấu chất nổ bên trong mọi thứ có thể, bao gồm cả chai Chianti, các bức chạm khắc gỗ Bali và thậm chí là xác chuột chết.

Các đặc vụ SOE ở London đã thu thập 100 con chuột chết và nhồi chất nổ vào bên trong, sau đó gửi chúng đến các đặc vụ ở Pháp, nơi bị quân đội Đức chiếm đóng. Những đặc vụ Pháp dự định đặt xác chuột gần các lò hơi của các nhà máy và trên tàu, mục đích là để những người lính Đức không nghi ngờ và ném xác chuột vào lò hơi, kích hoạt các vụ nổ lớn.

Tuy nhiên, ý tưởng đã thất bại khi quân đội Đức chặn được gói hàng chuột chết và gửi mẫu vật đến các trường quân sự Đức, khuyến cáo các học viên cảnh giác với loài gặm nhấm phát nổ. Dù vậy, trong một báo cáo của SOE, cơ quan này kệt luận nhiệm vụ thành công khi gây ảnh hưởng tinh thần đến người Đức, lan truyền sự hoang mang về bom chuột dù chưa từng xảy ra.

Bánh xe Panjandrum

Bánh xe Panjandrum. (Ảnh: History)

Bánh xe Panjandrum. (Ảnh: History)

Cuộc đổ bộ D-Day ngày 6/6/1944 đã được chuẩn bị trong nhiều năm. Trong khi quân Đồng minh xây dựng kế hoạch gọi là “Chiến dịch Overlord” nhằm tấn công đổ bộ quy mô lớn vào Normandy, Pháp, thì quân Đức xây hàng trăm dặm các vị trí pháo đài kiên cố, bãi mìn và công sự được gọi là “Bức tường Đại Tây Dương”.

Quân Đồng minh tạo ra nhiều loại vũ khí và công nghệ mới để phá vỡ Bức tường Đại Tây Dương và tiến sâu vào đất liền Normandy, có thể kể đến nhóm xe tăng đặc biệt có tên “Lũ hề của Hobart”. Một số chiếc Funnies trang bị trục gạt xoay giúp kích nổ mìn an toàn, trong khi những chiếc khác có thể vượt qua các công sự chống tăng bằng thiết bị trải đường, bắc cầu.

Tuy nhiên, không phải phát minh nào trong D-Day cũng đạt kết quả tốt. Điển hình là Panjandrum, một bánh xe kim loại gắn động cơ tên lửa và chứa chất nổ. Những chiếc bánh xe không người lái này sẽ phóng từ một tàu đổ bộ, lao nhanh lên bờ đâm vào tường thành hoặc ụ pháo và phát nổ.

Tuy nhiên, vấn đề thiết bị dẫn đường khi đó còn thô sơ khiếnnhững chiếc Panjandrum không thể lao tới mục tiêu chỉ định. Các cuộc thử nghiệm Panjandrum vào năm 1943 và 1944 thất bại thảm hại, bánh xe tên lửa này cũng bị loại khỏi kế hoạch cho D-Day.

Chó chống tăng (Liên Xô)

Quân đội Liên Xô huấn luyện chó đánh bom cảm tử để phá huỷ xe tăng Đức. (Ảnh: History)

Quân đội Liên Xô huấn luyện chó đánh bom cảm tử để phá huỷ xe tăng Đức. (Ảnh: History)

Vào đầu Thế chiến II, quân đội Liên Xô đã huấn luyện những chú chó để đánh bom cảm tử nhắm vào xe tăng Đức.

Những chú chó được trang bị ba lô đựng nhiều cân thuốc nổ và một đòn bẩy nhô lên từ ba lô. Khi chú chó lao vào gầm xe tăng, đòn bẩy sẽ bị gạt xuống và kích hoạt thuốc nổ.

Có tới 40.000 con chó chống tăng của Liên Xô được huấn luyện để thực hiện nhiệm vụ hy sinh, nhưng rất ít con đạt được mục tiêu vì quân đội Đức chỉ cần bắn gục bất kỳ con chó nào được phát hiện trên chiến trường.

Súng nòng cong Krummlauf

Súng nòng cong Krummlauf. (Ảnh: History)

Súng nòng cong Krummlauf. (Ảnh: History)

Krummlauf là phụ kiện nòng cong cho súng trường Sturmgewehr 44 do Đức phát triển trong Thế chiến II.

Có hai phiên bản của Krummlauf: một phiên bản cong 30 độ để bắn qua hoặc vòng quanh chướng ngại vật, và một phiên bản cong 90 độ để bắn từ bên trong xe bọc thép. Krummlauf được gắn kèm với một bộ gương để giúp binh sĩ có thể ngắm bắn đối phương ở góc khuất.

Mỹ sau khi thu giữ được vũ khí Đức đã thực hiện thử nghiệm với Krummlauf và cho thấy kết quả kém. Viên đạn có thể vỡ đôi khi dội qua nòng súng cong, làm giảm đáng kể tầm bắn và độ chính xác của vũ khí. Bản thân nòng súng cũng sẽ gãy đôi sau vài trăm phát bắn.

Hoa Vũ(Nguồn: History)
Bình luận
vtcnews.vn