Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, khoảng 5.000 container phế liệu đang tồn đọng tại 2 cảng biển lớn nhất cả nước là cảng Hải Phòng và cảng Cát Lái (TP.HCM).
Trong đó, tồn đọng tại cảng Cát Lái là 3.579 container và cảng Hải Phòng là 1.495 container. Riêng mặt hàng phế liệu nhựa chiếm tới 1.342 container tồn đọng tại cảng Hải Phòng.
Liên quan đến vấn đề hàng nhậu khẩu phế liệu tồn động tại cảng, ông Nguyễn Phương Nam (Giám đốc trung tâm điều độ, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) cho biết: “Sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu phế liệu từ ngày 1/1/2018, dòng hàng này hướng vào Việt Nam dẫn đến nguy cơ các cảng biển trở thành nơi chứa phế liệu, bãi rác của thế giới, cơ quan chức năng đã siết chặt các quy định về nhập khẩu mặt hàng này.
Trong đó, thanh tra toàn diện việc cấp phép nhập khẩu phế liệu; rà soát toàn bộ giấy phép nhập khẩu phế liệu còn hạn ngạch, không cấp phép mới nhập khẩu phế liệu đối với hoạt động ủy thác nhập khẩu, chỉ cấp phép cho doanh nghiệp chứng minh được năng lực sử dụng phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất”.
Lãnh đạo một doanh nghiệp ngành nhựa cho biết, nguyên nhân khiến hàng tồn nhiều tại cảng là các doanh nghiệp chưa đáp ứng điều kiện cấp phép nhập khẩu mới của Bộ Tài nguyên - Môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy nhưng để đầu tư bài bản theo đúng yêu cầu của giấy phép mới sẽ cần thời gian ít nhất là 12 đến 24 tháng.
Một chuyên gia trong ngành nhựa nhận định, lý do tình trạng hàng phế liệu vô chủ tồn với số lượng lớn là các yêu cầu về quy chuẩn hàng nhập khẩu của Việt Nam. Số lượng lớn hàng tồn ở các cảng là bị dán mác chất thải không được phép nhập khẩu.
Trước tình trạng quá tải, hiện nay một số cảng biển của Việt Nam đã thông báo tạm ngưng nhập khẩu vật liệu tái chế. Cụ thể, đầu tháng 6, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn đã thông báo từ chối doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu về cảng.
Bình luận