• Zalo

TS. Trương Hồng Sơn: Bữa ăn mất cân bằng của gia đình Việt có thể gây rủi ro lớn

Dinh dưỡngThứ Tư, 17/11/2021 11:15:45 +07:00 Google News
(VTC News) -

Theo TS. BS Trương Hồng Sơn, nếu không được kiểm soát tốt chế độ ăn, vấn đề thừa cân béo phì có thể trở thành "đại dịch" gây hậu quả khôn lường đến con người.

Chiều 16/11, Báo điện tử VTC News phối hợp với Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam tổ chức tọa đàm "Cân bằng dinh dưỡng cho gia đình Việt".

Tham dự buổi tọa đàm cùng với PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam với những kiến thức chuyên sâu đã chia sẻ tới độc giả những thông tin bổ ích và thiết thực.

TS. Trương Hồng Sơn: Bữa ăn mất cân bằng của gia đình Việt có thể gây rủi ro lớn - 1

TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam.

Nguyên nhân dẫn đến trẻ thừa cân, béo phì

"Trong khoảng 10 năm qua, số lượng người béo phì đã tăng lên khoảng gấp đôi. Số liệu này, chúng ta đã có thể nhìn thấy trước đây 10 năm. Lúc đó, chương trình phòng chống suy dinh dưỡng (SDD) đã xây dựng ngay mục tiêu phòng chống thừa cân, béo phì ở thời điểm năm 2010", TS. BS Trương Hồng Sơn nói.

Theo TS. BS Trương Hồng Sơn, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ, đó là:

Thứ nhất, khi nền kinh tế tăng trưởng, mức thu nhập cũng tăng lên, việc cung cấp thực phẩm ở các vùng thành phố sẽ dễ dàng hơn. Trong khi đó, hiểu biết của chúng ta thì chưa bắt kịp nên thiếu phương pháp để cân bằng lượng calo nạp vào cơ thể, từ đó dễ dẫn đến thừa cân, béo phì.

"Có một nghiên cứu nói rằng, 50% các cha mẹ mong muốn con mình dư cân một chút, để sau này có "cái vốn" nếu chẳng may trẻ có ốm đau bị sút cân thì sẽ vừa về bình thường. Mọi người luôn khen là "cháu này bụ bẫm quá, yêu quá" thì chứng tỏ họ vẫn chưa nhìn thấy nguy cơ của vấn đề thừa cân, béo phì nhiều", ông Sơn chia sẻ.

Thứ hai, quan điểm ước lượng. Rất nhiều bậc phụ huynh thường không chú ý vấn đề con mình có thừa cân hay không? Đôi khi, con mình đã thừa cân hoặc đã vượt quá ngưỡng khá nhiều. Điều này là nguyên do phổ biến ở các bậc cha mẹ Việt hiện nay.

Thứ ba, đi sâu vào điều trị thừa cân béo phì, chúng ta thấy rằng, việc điều trị chứng thừa cân béo phì sẽ khó khăn, thậm chí là khó khăn hơn so với điều trị suy dinh dưỡng. Bởi làm thế nào để từ chối, ngăn không cho trẻ ăn, điều này rất là khó.

"Vì vậy, chúng tôi nghĩ rằng, có một lời cảnh tỉnh là hãy để ý đến tình trạng của con mình. Biết rằng nếu con mình thừa cân thì sau này tăng thêm các nguy cơ bệnh tật và ảnh hưởng đến vấn đề làm tỷ lệ tử vong cao lên.

Chúng ta phải có một hiểu biết rất đầy đủ làm thế nào để con phát triển tốt, đặc biệt phát triển chiều cao tốt nhưng không bị thừa cân béo phì. Mục tiêu này chúng tôi luôn đặt ra và luôn có tư vấn để người dân áp dụng tốt cho gia đình của chúng ta", bác sỹ Sơn nhấn mạnh.

TS. Trương Hồng Sơn: Bữa ăn mất cân bằng của gia đình Việt có thể gây rủi ro lớn - 2

TS. BS Trương Hồng Sơn

2. Hậu quả của tình trạng thừa cân, béo phì

Theo TS. BS Trương Hồng Sơn, trẻ thừa cân, béo phì đem mang những hậu quả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Thứ nhất, ngắn hạn là liên quan đến vấn đề về tâm lý. Chúng ta không khó bắt gặp những tình huống một đám trẻ hùa nhau trêu một trẻ quá béo so với chúng. Lâu dần sẽ hình thành tâm lý tự ti, ngại giao tiếp, thậm chí là trầm cảm đối với trẻ bị béo phì.

Thứ hai, vấn đề về trung hạn liên quan đến vấn đề tăng trưởng chiều cao. Và hậu quả dài hạn là về lâu dài, trẻ thừa cân béo phì có nguy cơ trở thành người thừa cân béo phì khi trưởng thành.

Hiện nay, 80% tử vong của người Việt là liên quan đến các bệnh mãn tính không lây bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường hay vấn đề liên quan đến các bệnh mãn tính không lây khác.

Bác sĩ Sơn chia sẻ: "Các bệnh mãn tính không lây này đều liên quan đến thừa cân, béo phì. Nếu chúng ta tập trung vào vấn đề chống thừa cân béo phì thì sẽ giảm được các bệnh mãn tính không lây trong khoảng vài chục năm tới đây".

TS. Trương Hồng Sơn: Bữa ăn mất cân bằng của gia đình Việt có thể gây rủi ro lớn - 3

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, TS. BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam tham gia chương trình.

Bên cạnh đó, hậu quả thừa cân béo phì còn liên quan đến việc sau này khi trưởng thành sẽ tăng thêm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Hiện nay, cứ 2 người tử vong thì có 1 người tử vong do tim mạch. Các bệnh lý tim mạch liên quan chặt chẽ với tình trạng dinh dưỡng.

Thừa cân, béo phì sẽ liên quan đến cholesterol cao, các bệnh về mạch máu, tiểu đường, thậm chí là đột quỵ. Hơn nữa, một số bệnh ung thư cũng liên quan đến thừa cân, béo phì như ung thư đại tràng hay một số ung thư đường tiêu hóa.

Như vậy, trình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ nói riêng và ở người Việt nói chung là vấn đề cấp thiết mà mỗi cá nhân, đặc biệt là các bậc phụ huynh cần lưu ý để có một phương pháp khoa học giúp con phát triển toàn diện. Hãy giữ cho con sức khỏe tốt ngay từ bây giờ để tránh nguy cơ mắc các bệnh tiềm ẩn vì thừa cân, béo phì.

Nhật Lệ
Bình luận
vtcnews.vn