• Zalo

Trên 80% người đi xe bus điện là dân văn phòng

Giao thông xanhThứ Bảy, 29/06/2024 16:15:00 +07:00 Google News
(VTC News) -

Nếu trước đây khách sử dụng xe bus chủ yếu là người già, sinh viên thì hiện nay có 80% đến 85% người đi bus là dân văn phòng.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Công Nhật, Tổng giám đốc của VinBus chia sẻ bên lề lễ phát động chiến dịch “Mãnh liệt tinh thần Việt Nam - Vì tương lai xanh” hôm 25/6.

Theo ông Nhật, cách đây 10 năm nhiều người chọn đi xe bus, trong đó đa phần là học sinh, sinh viên và người già, những người có quỹ thời gian nhiều hơn và nguồn tài chính hạn chế.

Tuy nhiên vài năm trở lại đây yêu cầu về chất lượng sử dụng dịch vụ công cộng của người dân ngày càng cao. Theo thống kê của VinBus, trên 80 đến 85% người đi lại bằng vé tháng thường xuyên của VinBus là công chức viên chức, người làm văn phòng.

“Chúng tôi cho rằng khi phương tiện công cộng đáp ứng được tiêu chí về chất lượng dịch vụ thì dần dần sẽ thu hút được đối tượng khách hàng như dân công sở, những người đi làm hàng ngày”, ông Nhật nói.

Theo Tổng giám đốc của VinBus, đây là đối tượng khách hàng vô cùng quan trọng, chúng ta sẽ phát huy được lợi thế của phương tiện công cộng, giảm được lượng khí thải ô nhiễm môi trường khi người dân chuyển sang sử dụng xe bus điện để di chuyển.

80% người đi xe bus điện là dân văn phòng.

80% người đi xe bus điện là dân văn phòng.

Hiện Chính phủ đã ban hành quyết định 876 về chuyển đổi năng lượng xanh để bảo vệ môi trường, Hà Nội cũng đang triển khai quyết định này. Theo kế hoạch của Chính phủ, từ năm 2025 tất cả phương tiện xe bus mới trên địa bàn Hà Nội sẽ sử dụng xe điện, năng lượng sạch. VinBus được tiếp cận kế hoạch này của Bộ Giao thông Vận tải và đang xây dựng kế hoạch, khi thành phố có chuyển đổi đấu thầu những tuyến bus mới sẽ tham gia đấu thầu mở rộng tuyến bus điện.

“Chúng tôi mong muốn được mở rộng mạng lưới xe điện nhiều nhất”, ông Nhật nói.

Tổng giám đốc VinBus cho hay, các điều kiện về phương tiện, hạ tầng, trạm sạc VinBus đã vận hành bus điện được gần 3 năm, nên đây không phải là vấn đề khó. “Việc chuyển đổi năng lượng xanh trước đây mọi người còn lo ngại vấn đề về hạ tầng, phương tiện, kỹ thuật, nhưng hiện tại điều này không còn quá quan trọng, mà quan trọng nhất bây giờ là nguồn lực mà nhà nước dành cho xe điện”, ông Nhật thông tin.

Giá thành một chiếc xe bus điện khi đưa vào sử dụng luôn cao hơn xe bus chạy bằng dầu diesel. Vì vậy các doanh nghiệp rất cần cơ chế của nhà nước để tạo ra cú hích về tài chính, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ về lãi vay và chính sách trợ giá.

“Đây là hai điều kiện quan trọng nhất và tiên quyết để có thể thành công đưa xe bus điện thay thế xe bus thường”, ông Nhật nói.

TS Hoàng Dương Tùng - Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam.

TS Hoàng Dương Tùng - Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam.

TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, tại Việt Nam Chính phủ rất quyết tâm chuyển đổi xanh trong giao thông vận tải. Tại Quyết định số 876, Thủ tướng đã ban hành chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. 

Theo đó mục tiêu đến năm 2040, Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô, môtô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hoá thạch sử dụng trong nước. 

Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. 

Tại Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều các phương tiện giao thông chạy điện do VinFast sản xuất, từ xe máy, xe ôtô, xe taxi đến xe bus.

“Tôi đánh giá cao xe bus điện của VinFast, xe rất đẹp, sạch và nhất là thân thiện với môi trường”, ông Tùng nói và cho biết việc sử dụng phương tiện xanh giúp giảm khí thải chính là đang bảo vệ sức khoẻ của mỗi chúng ta.

VinFast của Việt Nam là hãng xe điện đầu tiên tại Đông Nam Á. Các tuyến buýt điện do VinBus vận hành cũng là những tuyến bus điện đầu tiên của khu vực. Điều đó thể hiện sự quyết tâm và quyết liệt của Vingroup, VinFast trong việc phổ cập xe điện nhằm giảm phát thải trong giao thông, góp phần bảo vệ môi trường, giúp Việt Nam đạt mục tiêu Net-Zero năm 2050. 

Ông Tùng cho biết, TP Hà Nội đang rất quyết tâm thực hiện giao thông xanh. Mới đây Hà Nội dự kiến chi 43.000 tỷ đồng từ nay đến 2030 đầu tư xe bus xanh. Trong số các kịch bản mà thành phố dự kiến, ông cho rằng, kịch bản sử dụng 100% xe bus điện là thể hiện sự quyết tâm nhất, tốt nhất cho môi trường.

Ông Tùng hy vọng VinFast sẽ truyền cảm hứng để cộng đồng chung tay bắt đầu từ những việc thay đổi thói quen khi di chuyển, sử dụng những phương tiện xanh mang lại bầu trời xanh cho tất cả chúng ta. 

Bình luận
vtcnews.vn