• Zalo

Thủ tướng: Không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn

Đầu TưThứ Hai, 12/09/2022 16:31:32 +07:00Google News
(VTC News) -

Chiều 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn kinh tế.

Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, các Bộ trưởng, chuyên gia kinh tế và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: thời gian qua, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, trong đó nhiều yếu tố bất lợi đến kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam trong cả trước mắt và lâu dài. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu sắc. Xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc. 

Thủ tướng: Không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về ổn định kinh tế vĩ mô chiều 12/9. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)

Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, hàng hóa và lao động, chuỗi sản xuất đã và đang làm xáo trộn hoạt động sản xuất và đời sống. Áp lực lạm phát tăng cao, giá dầu mỏ, khí đốt và một số nguyên liệu đầu vào cơ bản biến động mạnh.

Các nước có những phản ứng chính sách khác nhau, trong đó có chính sách phòng chống dịch. Các tổ chức quốc tế liên tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu. Các vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu cực đoan hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh: "Trong bối cảnh khó khăn đó, chúng ta không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn mà đi tìm sự ổn định trong sự bất định; đi tìm sự chủ động trong thế bị động; đi tìm ổn định và nhất quán trong chuyển đổi và xáo trộn; thiết lập công cụ quản lý rủi ro trong suy thoái và khủng hoảng là thuộc tính không thể thiếu trong kinh tế thị trường; thiết lập phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế trong hội nhập".

Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc điều hành vừa phải bám sát thực tiễn, trên nền tảng các vấn đề kỹ thuật mang tính kinh tế, vừa phải ổn định chính trị - xã hội, với nghệ thuật điều hành linh hoạt, phù hợp, hiệu quả. Sau Hội nghị, dự kiến sẽ ban hành ngay Chỉ thị của Thủ tướng để chỉ đạo các vấn đề cấp bách và sau đó ban hành Nghị quyết của Chính phủ để chỉ đạo toàn diện hơn với cơ sở pháp lý cao hơn về nội dung này.

Tăng trưởng kinh tế sẽ khó khăn hơn trong quý 4

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế trong quý 3/2022 mặc dù dự báo đạt cao, nhưng trên nền tăng trưởng quý III năm 2021 rất thấp (-6,17% so với cùng kỳ). Áp lực và khó khăn, thách thức trong những tháng cuối năm 2022, năm 2023 ngày càng gia tăng.

Cụ thể, hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất cao, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương nhất là trung tâm công nghiệp của đất nước và ngành, lĩnh vực như dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ, du lịch…

Thủ tướng: Không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn - 2

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Hội nghị. (Ảnh VGP/Nhật Bắc).

Trong khi đó, bối cảnh quốc tế có rất nhiều bất lợi, ảnh hưởng mạnh tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, có thể tác động tới thu ngân sách ngay từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Để kiềm chế lạm phát gia tăng, nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất, qua đó làm tăng giá trị đồng USD và làm giảm giá trị đồng tiền của các quốc gia khác, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại toàn cầu; làm dịch chuyển dòng vốn đầu tư ngắn hạn, có xu hướng rút về và thu hẹp đầu tư; nhu cầu đồng USD lên cao, tác động rất lớn đến điều hành ổn định tỉ giá và mức dự trữ ngoại tệ của nước ta...

Thu hút FDI gặp nhiều khó khăn, FDI đăng ký cấp mới 8 tháng chỉ bằng 56,1% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỉ giá… trong trung và dài hạn. 

Đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, tỉ lệ giải ngân tương tự mọi năm, chưa có chuyển biến đáng kể; một số chính sách, giải pháp chậm triển khai, phần nào làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế. Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 31/8/2022 đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (40,6%).

Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến phát triển các kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp, gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng. Thị trường bất động sản có dấu hiệu tăng nóng trong những tháng đầu năm, hình thành mặt bằng giá mới, gia tăng áp lực đối với Nhà nước, nhà đầu tư khi thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và cả người dân về khả năng chi trả, nhất là với các hộ gia đình trẻ, thu nhập thấp.

Chính vì vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý 4 và năm 2023. Xu hướng chung của nhiều tổ chức quốc tế là nâng dự báo tăng trưởng năm 2022, hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Việt Nam". 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, mục tiêu trong thời gian tới là hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội với mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 vượt 7,5%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2022 tăng dưới 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng để phấn đấu thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm (6,5-7%/năm), không làm suy yếu các động lực tăng trưởng, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi số…; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững.

Phục hồi nhanh sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, chiếm lĩnh thị trường; bảo đảm nhu cầu huy động vốn, lao động…tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng nhất là trong các ngành, lĩnh vực chiếm tỉ trọng lớn của nền kinh tế.

Giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước hằng năm đạt 95%-100% kế hoạch Thủ tướng giao, trong đó vốn ngân sách địa phương đạt 100%; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng quốc gia, trọng điểm, cụ thể hóa đột phá chiến lược về cơ sở hạ tầng.

Kinh tế Việt Nam phục hồi rất nhanh chóng, ấn tượng

Theo ông Andrea Copppla, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam WB, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới, với chiều hướng tăng trưởng, lạm phát, tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine, sự tăng trưởng của các đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam cũng sẽ chậm hơn. Trong khi đó, lạm phát có chiều hướng tăng ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng thì các nguồn cung ứng về năng lượng cũng có đứt đãy.

Nếu nhìn bối cảnh của Việt Nam thì có thể thấy nền kinh tế phục hồi rất nhanh chóng và rất ấn tượng. "Tôi nghĩ tăng trưởng của nền kinh tế trong quý II, quý III rất tốt. Sự phát triển của ngành công nghiệp cũng đã có tăng trưởng vượt bậc. Nhưng nếu nhìn vào tương lai, chúng ta vẫn thấy các thách thức cơ bản", ông nói.

Thủ tướng: Không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn - 3

Ông Andrea Copppla, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam WB: Kinh tế Việt Nam phục hồi rất nhanh chóng và rất ấn tượng. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Cụ thể các xu hướng tác động như tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi nền kinh tế trong nội địa.

Yếu tố về lạm phát, đặc biệt là từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra thì có những rủi ro liên quan giá cao, như giá lương thực chẳng hạn, làm cho chi phí về sản xuất, chi phí lao động cũng bị ảnh hưởng và kéo theo những tác động.

"Tôi nghĩ rằng chính sách chiến lược mà chúng ta có thể áp dụng, đó là các nhà điều hành kinh tế của Việt Nam cần điều hành, cân đối giữa chính sách để phục hồi nền kinh tế và có thể kiểm soát lạm phát đang ngày càng gia tăng và có những yếu tố bất ổn trong nền kinh tế, chúng ta phải đối phó với sự thay đổi của cả nền kinh tế thế giới", ông Andrea Copppla nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Francois Phainchaud, Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF) đánh giá cao các chính sách liên quan phòng chống COVID-19 đã giúp Việt Nam duy trì tỷ lệ tử vong thấp và ổn định kinh tế trong ngành ngân hàng và tài chính. "Đây là công việc khó khăn nhưng Việt Nam đã làm rất tốt", ông nói.

Thủ tướng: Không bó tay, không ngồi chờ, không khuất phục trước khó khăn - 4

Ông Francois Phainchaud, Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF): Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á được IMF tăng dự báo tăng trưởng. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Liên quan tới các yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng tới Việt Nam, ông Francois Phainchaud nêu thế giới đang phải đối mặt rất nhiều rủi ro về lạm phát, khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam đang phục hồi rất tốt, việc gỡ bỏ các hạn chế liên quan tới COVID-19, các nỗ lực bao phủ vaccine, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, dẫn tới sự phục hồi của các lĩnh vực như du lịch.

Việt Nam là quốc gia duy nhất tại châu Á được IMF tăng dự báo tăng trưởng

Trong tháng 7, IMF  đã tăng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên. Đây là quốc gia duy nhất tại châu Á và khu vực ASEAN mà IMF tăng dự báo tăng trưởng. Năm 2023, chúng tôi giảm dự báo xuống còn 6,7% do mức tăng cao của năm 2022, nhưng vẫn là mức rất cao so với các khu vực khác và so với các nước khác, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á.

Với Việt Nam, tỷ lệ lạm phát được kiểm soát rất tốt liên quan tới dịch vụ, giao thông, giá xăng dầu và tỷ giá được giữ ổn định. Ngân hàng Nhà nước đã có những nỗ lực để kéo giảm lạm phát, giữ ổn định vĩ mô và đang làm rất tốt. Các điều kiện tài chính cũng được điều hành chặt chẽ.

Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam hiện nay đã tăng lên, GDP Việt Nam tăng cao, là 1 trong 20% nước có tỷ lệ tăng GDP, tuy nhiên theo tiêu chuẩn khu vực chưa phải là cao. Việt Nam vẫn còn thấp hơn nước khác liên quan vấn đề vốn, các nghiên cứu cho thấy vấn đề vốn và tăng trưởng GDP có thể tăng rủi ro khu vực. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục tăng cường quản lý hệ thống ngân hàng với những chính sách cẩn trọng để phát triển thị trường vốn bền vững.

(Ông Francois Phainchaud, Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam)

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn